đã được dịch ra tiếng Việt như Rừng Na Uy hay Biên niên ký chim vặn dây cót, vừa được trao giải thưởng văn học rất có uy tín mang tên nhà văn Ireland, Frank O'Connor.
Giải thưởng O'Connor vẫn được coi là một trong những giải thưởng văn học quốc tế có uy tín nhất trên thế giới dành cho thể loại truyện ngắn. Murakami là người thứ hai được nhận giải thưởng này.
Theo tờ "New York Thời báo", giải thưởng trị giá 36 nghìn euro này được trao cho Murakami như tác giả của tập truyện ngắn hay nhất in bằng Anh ngữ trong 12 tháng gần đây. Đó là tập truyện ngắn Cây liễu mù lòa, cô gái ngủ (Blind Willow, Sleeping Woman). Các tác phẩm của Murakami đã được dịch ra hơn 20 thứ tiếng trên thế giới.
Lễ trao giải thưởng vừa diễn ra tại thành phố Cork, quê hương của nhà văn Frank O'Connor. Theo thông lệ, Murakami phải cùng chia tiền thưởng cùng với hai dịch giả tập sách Cây liễu mù lòa, cô gái ngủ ra tiếng Anh là Philip Gabriel và Jay Rubin.
Ban giám khảo giải thưởng Frank O'Connor do nhà văn kiêm nhà phê bình văn học người Anh Tom McCarthey làm chủ tịch. Ông đã cùng các đồng nghiệp từ Ireland, Đức và Mỹ đánh giá cao tài năng, bút lực cũng như lòng dũng cảm của Murakami với tư cách một nhà văn.
Nhà văn Murakami, sinh năm 1949, tại cố đô Nhật Bản Kyoto, trong một gia đình giảng viên văn học cổ điển. Thời trẻ, ông từng học ở Khoa Kịch cổ điển tại Trường Đại học Tổng hợp ở Vasada, từng làm chủ một quầy bar có chơi nhạc jazz tại Tokyo.
Murakami bắt đầu viết văn từ năm 29 tuổi và từ đó trung bình mỗi năm cho ra mắt độc giả một tập sách.
Rời khỏi hòn đảo Mặt trời mọc sang sống tại phương Tây, Murakami rất thông thạo Anh ngữ và là tác giả đầu tiên trong lịch sử văn học Nhật Bản nhìn các vấn đề của Tổ quốc mình bằng "con mắt khác".
Trong một bài trả lời phỏng vấn hiếm hoi, nhà văn thổ lộ: "Khi tôi sang sống ở Hoa Kỳ được 5 năm rồi, tôi bỗng nhiên cảm thấy mình cần phải viết về Nhật Bản và con người Nhật. Đôi khi là về quá khứ nhưng thường là về hiện tại, về những gì đang diễn ra ở đó".
Murakami cũng từng có một câu thổ lộ nổi tiếng: "Điều khiến tôi quan tâm là chủ đề bóng tối sống động nào đó ở trong chính con người". Ông là một trong những người đầu tiên đưa độc giả vào một nước Nhật hiện đại với không gian văn hóa đặc thù của giới trẻ, không khác gì mấy so với bất cứ một nơi nào trong thế giới văn minh, ở London, New York, Moskva hay Stanbul...
Ông cũng trình bày một hệ thống tiêu chí khác truyền thống về những giá trị quen thuộc trong xã hội Nhật Bản.
Nhiều nhà phê bình văn học hình dung Murakami như người lãng mạn cuối cùng, với nỗi buồn rầu vì những ước vọng không thành nhìn thẳng vào nòng súng ngắn của kẻ sát thủ và vẫn luôn tin vào sức mạnh của cái thiện.
Ông tâm sự: "Tôi thuộc về thế hệ lãng tử tôn thờ chủ nghĩa duy tâm của những năm 60. Chúng tôi thực sự đã tin rằng thế giới sẽ trở nên tốt đẹp hơn nếu chúng ta thực sự cố gắng biến cải nó. Chúng tôi quả thực là đã rất cố gắng nhưng nhìn theo một nghĩa nào đó thì đã thua cuộc. Tuy nhiên, tôi vẫn cố gắng đeo bám chủ nghĩa duy tâm đó đi suốt cuộc đời mình. Và cho tới bây giờ tôi vẫn tin rằng, chủ nghĩa lý tưởng duy tâm có thể làm nên nhiều điều tốt đẹp trong tương lai...".