Đây là biện pháp để chấn chỉnh tình trạng ca từ phản cảm trong sáng tác ca khúc, điều cần thiết để tạo nên một đời sống âm nhạc lành mạnh hiện nay. Tuy nhiên, liệu văn bản dưới luật này có hạn chế đến quyền sáng tác và phổ biến tác phẩm của công dân hay nó có "đẻ" ra những "giấy phép con" khác không? Chúng tôi ghi nhận ý kiến của các nhạc sĩ.
Nhạc sĩ Trần Tiến: Cái hay của công văn là ngăn cản được nạn "xuống cấp" của không ít ca khúc hiện thời, nhưng nếu làm không khéo thì đâm ra thêm một rào cản phổ biến ca khúc, rất nguy hiểm, vì có khi lại cấm cả ca khúc hay nhưng không theo gu hoặc tư tưởng của người duyệt. Vấn đề chính thuộc về trình độ văn hóa, thẩm mỹ âm nhạc, sự công tâm của người xét duyệt và cấp phép. Khi đã có "gác cửa" thì sẽ có tiêu cực, đằng này việc cấp phép lại do cơ quan quản lý văn hóa của từng địa phương thì chẳng khác nào phát sinh nhiều "trạm thu phí", tiêu cực càng nhiều. Tôi cho rằng nên có Hội đồng thẩm định quốc gia (cố gắng đừng là nhạc sĩ) xét duyệt thì đúng hơn.
Nhạc sĩ Đức Trí: Tôi nhớ không lầm thì trong Luật Xuất bản có nói rằng, Nhà nước không kiểm duyệt tác phẩm trước khi xuất bản, tuy nhiên cũng sẽ có những văn bản dưới luật sau đó. Về công văn do Cục Nghệ thuật biểu diễn gửi các sở VHTT (theo đó, những ca khúc mới muốn công diễn và làm băng đĩa tuyệt đối phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép), tôi chưa được đọc nên chưa thể nói điều gì. Tôi nghĩ đây là biện pháp nhất thời trong tình trạng bất ổn của ca từ hiện nay, một khi ý thức chưa cao thì buộc phải có biện pháp chế tài. Mà đường nào thì cũng đi qua Sở VHTT, vì từ trước đến nay tất cả các chương trình trước khi công diễn đều phải thông qua Hội đồng duyệt của Sở, công văn mới như vậy cũng có khác gì đâu. Nếu khi ban hành mà không phù hợp thì tự động nó phải được chỉnh sửa hoặc bãi bỏ. Nhưng tôi nghĩ nên để nhà sản xuất, người biên tập chịu trách nhiệm về khâu này.
Nhạc sĩ Trần Tiến (ảnh: C.T.V)