Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
499
123.266.731

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Đọc sách cùng bạn : Buổi hoàng hôn của những thần tượng
Hay làm cách nào triết lý với cây búa (Friedrich Nietzsche, dịch và giới thiệu: Nguyễn Hữu Hiệu, NXB Văn Học) “Tại sao quá cứng rắn?”. Than trong bếp một hôm hỏi kim cương. “Rút cục, chúng ta chẳng phải là bà con, họ hàng gần với nhau sao?”. “Tại sao quá yếu mềm?”. Hỡi các anh, ta cũng xin hỏi các anh như thế, các anh há chẳng phải là anh em với ta sao? Sao quá mềm, quá nhu nhược và dễ khuất phục làm vậy? Sao có quá nhiều sự chối bỏ và tự phủ định trong tâm các anh đến thế? Sao có quá ít định mệnh trong ánh mắt các anh nhìn?

Và nếu các anh không muốn trở thành những định mệnh, những kẻ bất khuất, làm sao các anh có thể, một ngày kia, cùng ta - chiến thắng!

 

Và nếu sự cứng rắn của các anh không muốn được chớp sáng và cắt đứt, làm sao các anh có thể, một ngày kia, cùng ta - sáng tạo!

 

Bởi những kẻ sáng tạo đều cứng rắn. Và in dấu tay lên vách thiên thu nhẹ tựa như lên sáp ong mềm dường như phải là diễm phúc của các anh.

 

Diễm phúc được viết lên ý chí của thiên thu, tựa như trên đồng thau - cứng rắn hơn đồng thau, cao nhã hơn đồng thau. Chỉ kẻ cứng rắn nhất mới xứng danh là người cao nhã nhất.

 

Tấm bảng khắc mới này, hỡi những người anh em, ta truyền trao lại cho các anh: Hãy trở nên cứng rắn!

 

Trên đây là lời kết từ cuốn sách của Nietzsche nhan đề Buổi hoàng hôn của những thần tượng - hay làm cách nào triết lý với cây búa, một trong những di chúc triết học Nietzsche để lại cho hậu thế. Cũng như trong các tác phẩm bất hủ khác, đoạn trích này tự nó đã là một lời giới thiệu tốt nhất về cuốn sách, và có lẽ như thế đã là đủ để vẫy gọi những độc giả can đảm lên đường cùng hành trình và đối thoại với tác giả.

 

Ở một nơi khác, Nietzsche viết: “Những con người tâm linh sâu thẳm nhất, khi nhận họ là những kẻ can đảm nhất, đã trải nghiệm những bi kịch đau đớn nhất. Nhưng cũng chính vì lý do đó mà họ tôn vinh cuộc đời, bởi nó chống lại họ bằng sự đối kháng mãnh liệt nhất”. Nietzsche chính là một mẫu người như vậy. Thế nhưng giọng văn khắc nghiệt mà ông cố tình dùng, lối sống khắc nghiệt mà ông tự áp đặt lên chính cuộc đời mình, những lời phán quyết khắc nghiệt mà ông quyết định dành cho những thần tượng của mình và của loài người - tất cả chỉ là những minh chứng cho một tình yêu quá lớn ông dành cho con người, với thân phận và sứ mạng của họ. Văn chương Nietzsche toát ra khí phách, tinh anh của con người ông. Sống và viết, vì vậy, đối với Nietzsche là một. Cuộc đời và sự nghiệp trước tác của ông song hành và thống nhất với nhau.

 

Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cuốn sách này với những ai đang vấp phải những trở ngại trên con đường tìm lại chính mình, để “trở thành chủ nhân cho hạnh phúc và bất hạnh của chính mình” như lời Nietzsche nói.
VŨ THÀNH TỰ ANH (TS kinh tế) - TTO