Sức thu hút của Hội là từ các cuộc triển lãm chuyên ngành, đôi khi còn là những buổi giao lưu văn hóa với nước ngoài. Đến trụ sở, khó ai quên được cái buổi ban đầu, vị chủ tịch Hội được bầu nhiệm kỳ đầu tiên là họa sĩ- điêu khắc gia Diệp Minh Châu.
Hội lúc ấy có khoảng 200 nghệ sĩ, tập hợp từ nhiều nguồn: lớp họa sĩ tại thành phố, lớp họa sĩ từ vùng giải phóng về, lớp họa sĩ từ miền Bắc vô…
Từ ấy đến nay, những gương mặt nghệ sĩ quen thuộc ở Hội qua nhiều nhiệm kỳ được nhắc đến là Diệp Minh Châu, Thái Hà, Huỳnh Phương Đông, Cổ Tấn Long Châu, Quách Phong, Nguyễn Thanh Châu, Trang Phượng, Phạm Đỗ Đồng, Nguyễn Trung, Hồ Hữu Thủ, Trần Thanh Lâm, Ca Lê Thắng, Phan Gia Hương, Nguyễn Thị Hiền, Nguyễn Thị Tâm, Kim Quỳ, Uyên Huy, Lê Thanh Trừ, Xuân Đông, Trương Hán Minh…
Theo họa sĩ Đào Minh Tri, Chủ tịch Hội đương nhiệm, số hội viên đến nay đã hơn 700 người thuộc các chuyên ngành hội họa, điêu khắc, đồ họa, trang trí mỹ nghệ, lý luận phê bình và gallery.
Địa chỉ 218A Pasteur ngày càng “ấm áp hơn” qua các hoạt động nghệ thuật trực thuộc Hội của CLB mỹ thuật Người cao tuổi, CLB nữ họa sĩ, CLB Cựu chiến binh, CLB Mỹ nghệ-trang trí, CLB họa sĩ trẻ, CLB mỹ thuật người Hoa, CLB Mekong Art.
2. Dấu ấn đậm nét nhất được ghi nhận trong đời sống mỹ thuật khoảng 10 năm lại đây là phong trào đi thực tế sáng tác của họa sĩ thành phố về các địa phương.
Từ các trại sáng tác, Hội đã tạo cơ hội để nghệ sĩ có mặt ở công trường xây dựng cầu Mỹ Thuận, công trường xây dựng đường Trường Sơn; thăm lại chiến khu Tây Ninh, Xéo Quýt, Rừng Sác hay tìm hiểu đời sống người dân các đảo xa Cù lao Chàm, Hòn Khoai, Phú Quốc v.v…
Hiệu quả hơn, qua những chuyến đi, các thế hệ họa sĩ trẻ hay cao niên đều tìm thấy cảm xúc mới từ những vùng đất họ đặt chân tới. Điều đáng nói, sự tác động qua lại trong sáng tác của các nghệ sĩ thành phố phần nào đã làm khởi sắc hơn cho phong trào sáng tác của anh em nghệ sĩ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam bộ, Tây Nguyên…
3. Một số hội thảo lớn của Hội phản ánh quá trình hoạt động mỹ thuật qua các đề tài: Mỹ thuật Việt Nam thế kỷ XX, Nghệ thuật đương đại, Chiến tranh cách mạng, Điêu khắc thành phố và tượng đài, Mỹ thuật Việt Nam trong cơ chế thị trường v.v…
Dưới các góc độ, nhiều nghệ sĩ đã đánh giá sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam nói chung và những vấn đề mỹ thuật miền Nam nói riêng. Dấu hiệu đổi mới hội họa là một trong những vấn đề nổi cộm được bàn luận.
Hội họa thành phố Hồ Chí Minh được coi là đi tiên phong trong đổi mới sáng tác thời kỳ Việt Nam đổi mới kinh tế.
Nghệ sĩ chọn lựa bút pháp thể hiện theo các khuynh hướng hoặc hiện thực, ấn tượng; hoặc biểu hiện, trừu tượng… là tùy cá nhân. Họ có thể “chưng cất” từ vốn sống và chất liệu thể hiện nghệ thuật của mình như thế nào để sáng tác miễn là tác phẩm mang hơi thở của cuộc sống, miễn là tranh đẹp, sáng tạo.
Bút pháp các họa sĩ trở nên đa dạng và nguồn cảm hứng sáng tạo phong phú hẳn. Vì thế, chưa có thời kỳ nào thị trường tranh lại nhộn nhịp phát triển như hiện nay ở cả hai mặt tích cực và tiêu cực.
4. Vấn đề hội nhập và phát triển được thể hiện như thế nào ở một Hội mỹ thuật đang ở sức vóc tuổi 25? Con số hàng trăm buổi triển lãm, gặp gỡ, giao lưu văn hóa của giới nghệ sĩ trong, ngoài nước thời gian qua cho thấy Hội Mỹ thuật TPHCM là một cầu nối của giới mỹ thuật.
Kết hợp cùng các bảo tàng, các gallery, các Viện trao đổi văn hóa nước ngoài… Hội Mỹ thuật TPHCM đã chứng minh con đường giao lưu văn hóa và hội nhập, phát triển của mỹ thuật Việt Nam càng ngày càng được rộng mở.
Nhưng, cũng vì thế, trong thế giới nghệ thuật muôn màu, muôn vẻ, việc vận dụng, tiếp thu tinh hoa truyền thống và đương đại thật quan trọng và nó còn tùy thuộc rất lớn vào bản lĩnh, tài năng sáng tạo của từng nghệ sĩ.
“Hội tụ” - tác phẩm của Lê Triều Điểm.