Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.114
123.229.175

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Sân khấu kịch nói chuyên nghiệp: "Nội dung còn nhạt "
Tổ chức vào tháng 10-2004 tại Hải Phòng, đến thời điểm này đã có 16 đơn vị nghệ thuật đăng ký tham gia liên hoan với 17 vở. 5 năm là khoảng thời gian khá dài để sân khấu kịch có thể “làm nên chuyện” bằng những tác phẩm nghệ thuật được sáng tạo phản ánh hiện thực sôi động của đất nước thời mở cửa, giao lưu hội nhập quốc tế... nhưng thực tế đang diễn ra ngược với kỳ vọng của dư luận.

Chất lượng trung bình

Chỉ cách đây khoảng 1 tháng, Nhà hát Tuổi Trẻ mới bắt tay dàn dựng Ngoại phạm (tác giả: Nguyễn Khắc Phục; đạo diễn: NSƯT Lê Hùng).

Nhà hát kịch VN cấp tập ra mắt Bến mê, Con thuyền chở linh hồn; Đoàn kịch Phú Thọ mới tổng duyệt Chuyện ở xã tôi... và nhiều đơn vị nghệ thuật khác cũng chạy đua với thời gian để dàn dựng vở mới tham dự liên hoan.

Lý do chính của sự “nước đến chân mới nhảy” phần lớn do các đoàn muốn nhân sự kiện liên hoan để xin thêm kinh phí dựng vở.

Mức đầu tư trung bình khoảng 100 triệu đồng/vở, nhưng lấy cớ nâng cao chất lượng để cạnh tranh vào giải, có xin thêm vài chục triệu cũng chẳng địa phương nào từ chối.

Có tới 80% vở diễn tham dự liên hoan lần này đều là những sáng tác mới, trong đó có tới 7 vở do NSƯT Lê Hùng dàn dựng. Kỷ lục của đạo diễn Lê Hùng tại liên hoan lần này lại chính là nỗi băn khoăn của những người yêu sân khấu.

Những gương mặt “gạo cội” trong làng sân khấu, như: NSND Trọng Khôi, NSND Phạm Thị Thành, NSƯT Lê Hùng, NSƯT Xuân Huyền... có thể khiến chất lượng của liên hoan không bị “trồi sụt”, nhưng khó có thể tạo ra một sự đột phá mới mẻ và táo bạo khi “sàn đấu” vắng bóng những nhân tố mới, những tài năng trẻ.

Dư luận cho rằng đạo diễn Lê Hùng “hơi tham” khi nhận dàn dựng cho... 7 nơi.

Nói về chất lượng của các vở tham dự liên hoan lần này, ông Văn Sử, Trưởng phòng Nghệ thuật (Cục Nghệ thuật biểu diễn), cho biết: “Chưa có những sáng tạo mang tính đột phá kể từ đề tài, dàn dựng của đạo diễn đến diễn xuất của diễn viên. Đa số các vở vẫn là “hồi ức chiến tranh”, hoặc những vấn đề đã được khai thác tại các liên hoan trước, trong khi đó những vấn đề lớn, bức xúc của xã hội, liên quan đến vận mệnh quốc gia lại ít được khai thác, mổ xẻ.

Bến mê của Nhà hát kịch VN và Cát bụi của Nhà hát kịch Hà Nội đã dám mổ xẻ đến tận cùng cái ác, cái xấu trong xã hội nhưng không nâng được tầm của vở diễn lên cao với những triết lý sống như các vở đỉnh cao của kịch trước đây: Tôi và chúng ta, Hồn Trương Ba da hàng thịt... Nghệ thuật thế giới đã tiến những bước khá xa, còn sân khấu kịch của ta ... không biết xếp vào loại nào?”.

Thay đổi hình thức liên hoan

Liên hoan lần này chỉ trao giải cho 1 vở xuất sắc nhất, còn lại sẽ là giải dành cho cá nhân.

Theo ông Văn Sử, quy chế trao giải mới thực chất là một bước chuyển đổi hình thức, tạo đà cho những chuyển đổi táo bạo hơn ở kỳ liên hoan sau, từ hình thức “thi vở” sang festival sân khấu kịch vào năm 2009. Cách làm này sẽ huy động được các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa tham gia, vì thời gian tổ chức ngắn, biểu diễn có doanh thu, phù hợp với mục đích tồn tại của các đơn vị kịch xã hội hóa, tạo ra nhiều màu sắc nghệ thuật, hấp dẫn công chúng đến với festival.

Còn với cách tổ chức hiện tại, thời gian dài (10 ngày), lại phải thi tài với các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, được nhà nước đầu tư đến “tận răng”... nên các đơn vị kịch xã hội hóa của TPHCM đã “rút lui sớm” mặc dù ban tổ chức thiết tha mời.

Chu Thu Hằng - Trích từ Sài Gòn Online