Đọc Vương Sóc là sành điệu
Năm 1986 Vương Sóc cho ra mắt cuốn Một nửa là ngọn lửa, một nửa là nước biển, được bạn đọc nồng nhiệt đón nhận. Song phải đến năm 1988, bốn tiểu thuyết của ông (trong đó có cuốn Nổi trên mặt biển) đồng thời được chuyển thể thành phim, thì ông lập tức trở thành đại phú trong làng văn. Người ta gọi năm 1988 là năm của Vương Sóc, nhất là từ sau 1988, tác phẩm của ông liên tiếp ra đời. Sách của ông có mặt hầu khắp các sạp báo, tạo nên cơn sốt trên thị trường sách TQ.
Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ trong vòng nửa năm 1992, lượng sách bán ra của ông đã vượt ngưỡng 1 triệu bản. Được biết, một thời tại Bắc Kinh, những ai tay cầm cuốn tiểu thuyết của Vương Sóc, tung tẩy đi trên đường phố, đựơc coi là hành vi thời thượng.
Khán giả truyền hình VN đã có dịp làm quen và yêu thích phim Khát vọng và Tình yêu nồng cháy dựng theo tác phẩm của ông.
Đến nay ý kiến đánh giá về Vương Sóc rất khác nhau, có người gọi sáng tác của ông là "Văn học lưu manh", bởi trong sáng tác của ông, nhiều nhân vật là các tay anh chị, đám lưu manh, đĩ điếm, những kẻ mới phất nhờ làm ăn phi pháp... Có người lại bảo Vương Sóc đã dùng lối viết châm biếm để chế nhạo xã hội, đùa cợt nhân sinh.... Song cũng có ý kiến cho rằng, sáng tác của Vương Sóc sở dĩ được nhiều người đọc, chứng tỏ nó có một cái gì đó, cần được nghiên cứu khách quan, chớ có tuỳ tiện suy diễn, chụp mũ...
Năm 2000, sau một thời gian vắng bóng, ông lại cho ra mắt cuốn Vô tri giả vô uý (Người không biết không sợ) với lượng in 200.000 bản, cùng với bài viết Tôi đọc Vương Sóc trước đó mà ông giấu tên, Vương Sóc lại trở thành điểm nóng trên văn đàn TQ.
Theo tờ Time, Vương Sóc, viết vô số tiểu thuyết và kịch, là nhà văn hiếm hoi của TQ trở thành triệu phú chỉ nhờ viết cho công chúng đại lục. "Tôi luôn viết vì tiền cho tới cuốn tiểu thuyết đang viết đây thì không - Vương nói với PV tờ Time - Giờ thì tôi không phải viết cho thị trường nữa". Vương Sóc tự cho mình là nhà văn tự do nhất Trung Quốc. Cuốn Phê phán 10 đại tác gia mà Vương viết để "đánh" các cây đa cây đề cũng vừa gây xôn xao văn đàn. Kể cả những "đại gia" như Mạc Ngôn, Lý Nhuệ - những người rất được phương Tây nể trọng - Vương Sóc cũng coi là thường.
Theo Vương, cả hai nhà văn này cũng chẳng tự do được như ông. "Không, họ chẳng tự do đâu - Vương nói - Cả hai đều yêu quý nông dân đến mức họ luôn thi vị hoá quần chúng. Có thật nông dân TQ đẹp đẽ đến vậy không? Mạc Ngôn và Lý Nhuệ đều buồn đau về những ngày khốn khó đen tối của TQ. Nhưng tôi cho rằng những người nghèo ấy có quyền bị sa ngã, mua chuộc bởi cám dỗ vật chất. Với tôi, tự do nghĩa là nguyên sơ, không thành kiến, thiên vị. Tác giả không nên dập khuôn các nhân vật của mình. Theo nghĩa đó, họ không phải là các tác giả tự do".
Trong mắt Cửu Đan
Mới đây, nữ văn sĩ Cửu Đan (tiểu thuyết Quạ đen của chị đã đựơc dịch sang tiếng Việt) có viết bài nhận xét về Vương Sóc. "Xét về văn học - Cửu Đan viết, - tôi cho rằng những nhà văn đã công thành danh toại ở ta, đa số đều đã chết cả rồi, số còn sống ít lắm, nói khắt khe một chút, người duy nhất còn sống chỉ có Vương Sóc. Anh giống như con chó già sau bao năm vật lộn, giằng xé chốn văn đàn, ai cũng chẳng cần kiêng dè. Trong khi các tác gia luôn đại diện cho một giai tầng chính nghĩa nào đó, thì Vương Sóc lại khác, anh chỉ đại diện cho cá nhân mình".
Cửu Đan còn rất khoái Vương Sóc ở chỗ cùng ghét... Trương Nghệ Mưu. "Có lần trên chuyến bay đi Tây An, chúng tôi bàn về điện ảnh TQ. Tôi vốn nghĩ chỉ có mình là có thái độ bất kính với Trương Nghệ Mưu..., ai dè Vương Sóc cũng nhìn nhận họ Trương và điện ảnh TQ như tôi. Anh nói toàn bộ những gì mà những người như Trương Nghệ Mưu đã làm, ngay từ đầu đã là kế thích nghi tạm thời".
Theo Cửu Đan, dù Vương Sóc có quá nhiều người thích và cũng có quá nhiều người chửi, thì anh chắc chắn là một văn tài đáng kính trọng. "Một lần tôi thấy trong hiệu sách cuốn Nhìn lên sẽ rất đẹp - Cửu Đan kể, - tôi bèn lật ra xem, linh cảm mách bảo tôi rằng, đó là cuốn tiểu thuyết hay nhất của Vương Sóc. Với cuốn sách này, tôi đã coi Vương Sóc là nhà văn chân chính, đáng được người đời tôn kính của TQ".
Là tác giả viết như gà đẻ trứng, Vương Sóc được giới xuất bản đại lục rất kính trọng. Song đó là mối quan hệ khá là... vụ lợi. "Bọn họ đều vì lợi nhuận hết - Vương Sóc nói - Họ lợi dụng tôi và tôi lợi dụng họ. Thường họ chỉ nghĩ đến làm tiền lớn. Sách của tôi họ chỉ muốn in số lượng lớn. 10 nghìn bản là họ chẳng màng bởi số tiền thu được quá ít. Đó là lý do tại sao sách của tôi trước đây đã bán hết thì bây giờ đều rất khó kiếm".