Trao đổi với Tuổi Trẻ trước những băn khoăn của người yêu mến VNQĐ về sự “lạc hậu” của truyện ngắn “bộ đội” trong cuộc sống hiện đại, nhà văn Khuất Quang Thụy (ảnh) - phó tổng biên tập tạp chí VNQĐ, người đã 15 năm nay thường trực theo dõi các cuộc thi truyện ngắn của tạp chí - nói:
- Ban đầu chúng tôi cũng không khỏi có chút lo lắng. Cuộc sống phát triển quá nhanh, và chân dung văn học không thể mãi là những người lính của thời bom đạn. Nhưng làm thế nào để có những tác phẩm viết về chiến tranh, về người lính mà công chúng trẻ hôm nay chấp nhận được thì hoàn toàn trông chờ ở các tác giả dự thi.
Và càng đọc các tác phẩm gửi về thì càng mừng. Với hơn 2.000 truyện ngắn trong hai năm, người ta thật sự có nhiều quyền lựa chọn. Chúng tôi đã chọn được giải nhất xứng đáng: anh Vũ Xuân Tửu, 47 tuổi, trung tá công an; ba giải nhì cho ba tác giả đều còn khá trẻ: Thu Trân, Lê Hoài Lương và Niê Thanh Mai. Cuộc thi nào cũng có giải thưởng nhưng không phải cuộc thi nào cũng tạo ra các cây bút thật sự, và ở cuộc thi này chúng tôi rất vui mừng khẳng định là Vũ Xuân Tửu, Niê Thanh Mai, Di Li (giải ba), Đặng Minh Sáng (giải tư)... sẽ là những cây bút vạm vỡ trong tương lai gần.
Rất nhiều người đã bày tỏ lo lắng hộ chúng tôi là văn chương kiểu VNQĐ hình như đang bị lỗi thời, lạc hậu nhưng với các truyện ngắn được giải và cả những truyện không được giải, có thể thấy thực tế không như vậy: Niê Thanh Mai và Di Li còn rất trẻ, mới 26 tuổi, các chị ấy viết rất mới. Nhịp văn nhanh và mạnh, hình ảnh sống động, ngôn ngữ hiện đại, thậm chí Di Li còn có sự hài hước rất hiếm hoi, Đặng Minh Sáng còn hăm hở thể nghiệm (tất nhiên là cũ người mới ta) bút pháp huyền ảo. Anh ấy cũng còn rất trẻ, chưa đến 30 tuổi.
Ở thế mạnh truyền thống của VNQĐ - lối viết hiện thực, giản dị, chủ yếu là kể và tả, thì hầu hết tác giả đoạt giải đều gây được cho độc giả điều quan trọng nhất: sự xúc động. Chùm truyện của Vũ Xuân Tửu là vậy. Câu chuyện của anh lôi cuốn, chi tiết ngồn ngộn và chân thật, bi kịch cũng như cách giải quyết đều cổ điển nhưng không cũ kỹ, những chuyện tình thời chiến tranh và nỗi đau hậu chiến đều đã gặp ở đâu đó trong cuộc sống, phim ảnh, nhưng anh xử lý không hề sáo mòn.
Nhà văn nhiều tuổi nhất (55 tuổi) đoạt giải là Văn Chinh lại là người đưa ra được những lý giải khá mới về bi kịch chiến tranh. Vị tướng tài ba nơi trận mạc, theo phán xét của anh, lại là nguyên nhân gây bi kịch cho bao nhiêu con người, kể cả đồng đội, người yêu, vợ và con gái, rồi cuối cùng tự thú nhận: “Bố cũng chỉ là một sản phẩm của chiến tranh thôi”.
Mừng hơn nữa là cũng chính từ cuộc thi này đã có khá nhiều tác phẩm nhìn chiến tranh từ phía bên kia rất nhân ái và cảm động. Nạn nhân chiến tranh đã được mở rộng ra nhiều đối tượng và cuộc sống của họ, tâm tư tình cảm của họ, nỗi buồn của họ cũng ngày càng được đề cập một cách nhân ái hơn, thấu đáo hơn.
Có lẽ tôi sẽ không khách quan khi nói quá nhiều về những cái được của những truyện ngắn ấy. Nhưng tôi, cũng như nhiều thành viên ban giám khảo khác, chị Lê Minh Khuê, anh Ma Văn Kháng, anh Chu Lai... thật sự xúc động và bị thuyết phục, và điều đó thì không phải dễ gặp trong bất kỳ cuộc thi nào, tác phẩm nào.
Giải thưởng cuộc thi truyện ngắn Văn Nghệ Quân đội 2005-2006
Lần đầu tiên sau sáu cuộc thi truyện ngắn liên tiếp có tác giả đoạt ngôi đầu bảng là nữ, cuộc thi truyện ngắn nổi tiếng nhất của văn học VN đương đại do tạp chí Văn Nghệ Quân đội tổ chức đã tìm được một cây bút nam để trao giải nhất từ 2.123 tác phẩm của 1.106 tác giả dự thi: tác giả Vũ Xuân Tửu (Tuyên Quang) với chùm ba truyện ngắn: Chuyện ở bản Piát, Cỏng hò, Bí mật cuốn gia phả.
Ba tác giả trẻ đoạt giải nhì là Thu Trân (Đồng Nai) với truyện ngắn Xóm sở Mỹ, Lê Hoài Lương (Bình Định): Tiếng chuông chiều, Niê Thanh Mai (Đắc Lắc) với hai truyện: Giữa cơn mưa trắng xóa, Cửa sổ không có chấn song. Bốn tác giả được giải ba là: Văn Chinh (Hà Nội) với hai truyện ngắn: Mừng nỗi buồn đã qua, Ai biết một liệt sĩ ở đâu; Nguyễn Thế Hùng (quân đội): Lộc trời; An Bình Minh (TP.HCM) hai truyện: Mắt nai, Lính cảnh; Di Li (Hà Nội) hai truyện: Cocktail, Ma học trò.
Ngoài ra còn có sáu giải tư. Giải thưởng sẽ được trao vào ngày 18-1-2007, đúng dịp kỷ niệm 50 năm tạp chí VNQĐ ra số đầu tiên.