Đâu là điểm giới hạn của thiết kế? đâu là nơi bắt đầu của nghệ thuật? thiết kế và nghệ thuật có gì liên hệ với nhau?Chúng tách rời nhau ở điểm nào? Chẳng hạn một bộ ghế ngồi - một đối tượng của thiết kế cổ điển, có thể nhờ nghệ thuật sắp đặt mà trở thành nghệ thuật được không? Hoặc khi một chiếc bàn là một sản phẩm thiết kế thuần túy và khi nào nó được xem là một tác phẩm nghệ thuật?
Bằng những tác phẩm của mình, 29 nghệ sỹ đến từ Đức và 2 nghệ sỹ Việt Nam đã nghiên cứu cái đường ranh giới mong manh, rất khó xác định nhưng cũng vô cùng hấp dẫn này giữa nghệ thuật và thiết kế. Kết quả, họ đã cho ra những sản phẩm quái dị, phần khó hiểu, phần có tính châm biếm, nhưng cho dù thế nào chúng cũng thách thức và thúc đẩy hai lĩnh vực nghệ thuật và thiết kế.
Trong lịch sử phát triển, thiết kế luôn hướng tới cái ngôn ngữ hình ảnh, tới sự làm mới và đột những đột phá về phong cách của nghệ thuật và tạo ra các chi tiết mẫu khả dĩ có thể ứng dụng và thoả mãn những chức năng nhất định trong thực tế. Có thể kể ảnh hưởng của Pop Art những năm 60 và 70 vào trang trí nội thất hoặc sự tổng hợp chặt chẽ giữa nghệ thuật, kiến trúc và thiết kế trong trường phái "Bauhaus" là những ví dụ. Tuy vậy, triển lãm lần này của chúng ta lại kể về một quá trình ngược lại: đó là những sáng tạo nghệ thuật được gợi hứng từ các phong cách thiết kế đương đại. Những tác phẩm được trưng bày thể hiện phản ứng của các nghệ sĩ trẻ với nền công nghiệp thiết kế. Đó là những tác phẩm phần nghiêm túc, phần thể hiện sự mỉa mai châm biếm với cái đương đại.
Trên một diện tích hơn 800 m2, triển lãm lần này bao gồm hàng trăm sản phẩm, tác phẩm sắp đặt, tác phẩm video và nhiếp ảnh. Có thể nói, từ đợt triển lãm "Quobo" năm 2003 đến nay, ở Việt Nam chưa hề có một triển lãm quốc tế nào về nghệ thuật tiền phong đương đại có quy mô hoành tráng đến như vậy.