Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.865 tác phẩm
2.760 tác giả
439
123.270.553

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Văn đàn Trung Quốc: Ảnh hưởng rộng của nhà văn trẻ
Trong Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà văn Trung Quốc (TQ) lần thứ bảy vừa qua, những nhà văn trẻ sinh ở thập niên 60, 70 của thế kỷ XX đặc biệt trở thành nhóm nhà văn đáng chú ý hơn cả...

Nói về lực lượng sung sức này, Bí thư Đảng Đoàn - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TQ - ông Kim Bỉnh Hoa đánh giá: “Các nhà văn trẻ là đại biểu của tương lai văn học, tác phẩm của họ thể hiện tiềm lực sáng tác dồi dào”.

 

Mấy năm gần đây, tác phẩm của các nhà văn trẻ như: Mạch Gia, Đông Tây, Quan Nhân Sơn, Tất Phi Vũ, Từ Khôn, Hồng Kha, Trương Mai, Chu Văn Dĩnh… đã trở thành con cưng của các giải thưởng văn học lớn: giải thưởng văn học Lỗ Tấn, giải thưởng văn học Trang Trọng Văn. Các tiểu thuyết Ngầm tính, Cái tát vang dội, Trời cao đất dày, Áo xanh, Hai tuần rưỡi yêu, Kỵ sĩ đi về hướng tây… đều nằm trong bản danh sách sách bán chạy nhất và có ảnh hưởng rộng rãi tới độc giả và công chúng, nhất là khi được cộng thêm sức bao quát của những bộ phim cải biên từ tác phẩm.

 

“Muốn xem một nhà văn có thực lực hay không, phải xem anh ta đã “thấm hút” được bao nhiêu “dinh dưỡng” từ quần chúng nhân dân, xem anh ta có quan hệ sâu sắc hay không với cuộc sống tinh thần của dân tộc mình, thời đại mình, một nhà văn hiểu thấu chiều sâu của lịch sử cũng chính là đã chỉ ra độ cao của điểm nhìn tinh thần” là quan niệm của nhà văn trẻ Quan Nhân Sơn, người sáng tác Trời cao đất dày và được văn đàn mệnh danh là một trong “cỗ xe tam mã” Hà Bắc. Anh giành được sự tán thưởng của độc giả nhờ khả năng phản ánh cuộc sống nông thôn một cách vi diệu và chân thực.

 

Quan Nhân Sơn nói: anh quyết không dời xa "trận địa" rất khó khăn này, bởi TQ có tới 800 triệu nông dân. “Ngày nay, vấn đề “tam nông” (nông dân, nông thôn và nông nghiệp) đang buộc chúng ta phải đối mặt trong tình trạng ngày một cấp bách, văn học không thể không quan tâm đến nông dân”.

 

Vài năm trở lại đây, một loạt phim truyền hình đã đưa tên tuổi của Đông Tây - nhà văn trẻ người Quảng Tây - trở nên quen thuộc. Tiểu thuyết Cuộc sống không ngôn ngữ đoạt giải thưởng văn học Lỗ Tấn sau khi chuyển thể thành phim đã được đánh giá cao và hoan nghênh nhiệt liệt tại Liên hoan phim quốc tế Tokyo. Tiểu thuyết Cái tát vang dội và Hối hận của anh thậm chí còn được biết đến nhiều hơn.

 

Xuyên suốt tác phẩm của Đông Tây là cái nhìn sâu về những khó khăn trong đời sống tinh thần các nhân vật. Đông Tây nói: nhắc đến Lỗ Tấn là có thể thấy hiện ra một loạt nhân vật để đời của ông như A.Q, thím Tường Lân, Nhuận Thổ, Khổng Ất Kỷ… “Tôi hy vọng sẽ sáng tạo được những nhân vật có thể chạm đến và tiêu biểu cho đời sống tâm linh của người dân, có như thế mới mong được đồng cảm, cộng hưởng. Tác phẩm hay nhất có thể tạo ra “phản ứng hoá học” với tâm hồn độc giả.”

 

Từ nhiều năm nay, những bộ phim điện ảnh có ảnh hưởng lớn và phim truyền hình được đề nghị phát lại nhiều nhất đa phần có nguyên tác là tác phẩm của những nhà văn trẻ đương đại hoặc do chính các nhà văn trẻ trực tiếp tham gia viết kịch bản. Như Áo xanh của Tất Phi Vũ, Những tháng năm cháy bỏng đam mê và Hạnh phúc như hoa của Thạch Chung Sơn, Giải mã, Ngầm tính của Mạch Gia, Đời sống phụ nữ của Tô Đồng (được chuyển thể thành phim Hoa nhài nở), Tìm súng của Phàm Nhất Bình (cải biên thành phim Tìm súng)…

 

Nổi tiếng nhờ những tiểu thuyết dạng trinh thám đương đại, Mạch Gia có “suy nghĩ lạnh” về sáng tác của các nhà văn trẻ: “Nhà văn hãy trầm tĩnh lại để suy nghĩ, không nên ồn ào với những xì-căng-đan và nhiều ngôn từ gây sốc nhằm thu hút chú ý. Tôi không dám nói tiểu thuyết của mình là hay nhất, nhưng tôi dám nói rằng, người khác không thể viết ra được tiểu thuyết của tôi, tiểu thuyết của tôi có thể không to dày, nhưng nó rất tinh tế”. 

NHUỆ ANH - TTO theo Văn nghệ Trẻ
Tin tức khác