Nguyễn Vĩnh Tiến mở đầu rộn ràng cùng hai nhạc công nhạc cụ dân tộc. Với sở trường vừa biết làm thơ vừa biết làm nhạc đậm chất dân gian Bắc bộ, anh “hát” thơ điểm tiếng trống, tiếng đàn và tiếng mõ lốc cốc. Giữa sân khấu mờ tối, một Nguyễn Vĩnh Tiến đang làm bộ ngủ trên ghế, đột ngột đứng phắt dậy và nhả từ quyết liệt: “Ma ngủ!” khiến khán giả giật mình. Nhìn động tác sinh động như múa minh họa của anh, nghe anh hát thơ, không gian bỗng hiện rõ mồn một, từ con đò lặng, bến sông, ánh trăng (Mùa thất trận), cho đến hình ảnh kẻ viển vông lấy mây làm thuyền bơi trên trời (Viển vông).
Ngược với Vĩnh Tiến, một khúc nhạc không lời êm ái dạo đầu tạo xúc cảm thi vị khi Vi Thùy Linh bước lên sân khấu như một cô gái dịu dàng. Những bông hoa bách hợp trong trắng (ảnh của Bá Hùng) hiện trên màn hình sau lưng cô. Nỗi khao khát được yêu của người đàn bà trong thơ Linh khiến thính giả rung động.
Tiếp đó, hình ảnh những con lạc đà thầm lặng trong đêm sa mạc hiện lên trong trí tưởng tượng của thính giả qua giọng thơ Dạ Thảo Phương. Những dòng thơ chầm chậm trôi trên màn hình. Không ai nhìn thấy nữ thi sĩ. Hóa ra chị nép trong một góc tối, khán phòng vang lên giọng đọc thống thiết. Đến cuối bài thơ, người ta mới thấy chị đi lên từ phía hàng ghế khán giả, chậm rãi ngồi xuống ghế, duyên dáng châm một điếu thuốc rồi lại dụi thuốc đi. Một chân dung thơ dần hiện hình: người đàn bà có vẻ đẹp lạ, cô đơn trong những mối liên hệ giữa bản thân và thế giới.
Còn Roger Robinson là một nghệ sĩ đa tài. Anh đọc một truyện ngắn về thời thơ ấu của chính mình, sau đó là một bài thơ dễ thương về người chị em sinh đôi của mẹ anh, và kết thúc bằng một ca khúc tình yêu do anh tự sáng tác, hát và chơi nhạc đệm bằng chiếc guitar đặt nằm trên đầu gối kết hợp với hai nhạc công VN. Tác phẩm Roger có cốt truyện giản dị và gần gũi, phong cách của anh tự nhiên và lối trò chuyện với khán giả của anh rất thân mật. Có lẽ nhờ vậy mà anh đã đi trình diễn tác phẩm của mình khắp thế giới và là một trong những chân dung tiêu biểu của nhà thơ thế hệ mới do Bảo tàng Chân dung quốc gia nước Anh bầu chọn năm 1999.
Nhà thơ trẻ Nguyễn Thúy Hằng lại xuất hiện đầy ấn tượng với đầu cạo trọc, giọng thơ như ngạt mũi phả ra từ căn phòng tối. Cô trình diễn cùng với hai người bạn gái. Ba cô gái trọc đầu đi chầm chậm ngang qua sân khấu, ngồi xuống, cởi bít tất vắt lên ghế, rồi lại đi tiếp, hững hờ... Cuối cùng, một đoạn video với hình ảnh nhà thơ tự cắt trọc đầu mình, chia tay với mái tóc tự nhiên như chia tay những điều vẫn diễn ra và mau chóng biến mất mà Hằng viết trong thơ.
Âm nhạc, hình ảnh, ánh sáng và lối thể hiện “không nhàm chán” khiến tác phẩm và bản thân các nhà thơ trở nên mới lạ, truyền cảm và gần gũi hơn. Có thể nói buổi sinh hoạt mở đầu cho dự án cổ vũ văn hóa đọc đã được khởi động thành công, nếu không tính đến một vài lỗi kỹ thuật như người đứng che mất hình ảnh, âm thanh lúc to lúc nhỏ.
Hội đồng Anh cho biết Câu lạc bộ Văn học sẽ được tổ chức vào các ngày thứ sáu đầu tiên hằng tháng tại Hà Nội. Tại TP.HCM, câu lạc bộ được tổ chức hai tháng một lần.
19 giờ tối 26-1 tại Mai’s gallery - 16 Nguyễn Huệ, TP.HCM, Câu lạc bộ Văn học Hội đồng Anh đã ra mắt bạn yêu văn học bằng một đêm trình diễn thơ đương đại ấn tượng của nhà thơ Anh gốc Phi Roger Robinson và bốn nhà thơ nữ trẻ VN: Vi Thùy Linh (Hà Nội), Phương Lan, Nguyệt Phạm, Thanh Xuân (TP.HCM).
Ngoài Roger Robinson và Vi Thùy Linh đã có nhiều cơ hội trình diễn thơ, ba nhà thơ trẻ thành phố tuy là lần đầu đến với trình diễn thơ nhưng đã để lại ấn tượng tốt đẹp cho đông đảo cử tọa ngồi kín thính phòng.T.C.
Nhà thơ Dạ Thảo Phương - Ảnh: Na Sơn