Thiếu tiền hoạt động
Chủ tịch hội, nhà văn Lê Văn Thảo đã đưa ra 3 kiến nghị trong buổi họp này: Xin chi phí để nuôi lại tờ “Văn nghệ” của thành phố, xin hỗ trợ thêm cho những hoạt động của hội và chi phí cho sáng tác. Nhìn chung vẫn là thiếu tiền để hoạt động. Với số tiền 300 triệu do UBND TPHCM cấp cho hội và một số khoản khác, theo Ban chấp hành hội là rất khó trang trải trong thời buổi hiện nay.
Tại buổi trao đổi mang tính chất bàn tròn nhiều hơn là hội nghị này, nhà phê bình văn học Mai Quốc Liên bức xúc vì sự nghèo nàn của Hội Nhà văn TPHCM - một thành phố phát triển nhất cả nước. Ông dẫn chứng, trong khi các tỉnh ở Miền Tây vẫn nuôi được tờ “Văn nghệ” của họ, mà TPHCM thì không, là một điều cần xem lại. Việc hỗ trợ sáng tác, tổ chức sinh hoạt cho tập thể 324 hội viên, mà chỉ có số tiền ấy là quá ít ỏi để có thể phát triển, nhà văn Trần Thanh Giao khẳng định. Nếu chỉ đổ lỗi hội không phát triển do chất lượng tác giả, tác phẩm là chưa đúng, vì lỗi còn từ phía người đọc (!).
Nhà văn Trương Nam Hương nhìn nhận, nhà văn trẻ hiện nay có cái nhìn thực tế, và họ nghĩ nhiều về đời sống vật chất trước khi sáng tạo. Thời gian qua, không xuất hiện những người viết trẻ nhiệt tâm, có tình, có tài như trước đây. Tác phẩm có góc nhìn mới, lạ cũng ngày càng hiếm.
Nhà văn Triệu Xuân (Trưởng ban đại diện NXB Hội Nhà văn tại TPHCM), bày tỏ: “Ngay từ việc sáp nhập hội vào cho Sở VHTT TPHCM quản lý là một sai lầm mà nếu không khéo sẽ rất phiền hà, bởi bản chất của Hội Nhà văn là hỗ trợ, động viên nhau cùng sáng tạo. Đã là sáng tạo thì khó mà quản lý. Bên cạnh đó, việc đầu tư hàng tỉ đồng cho một lễ hội ca múa nhạc nhưng với Hội Nhà văn thì hỗ trợ ít ỏi là một thực tế đáng buồn. Văn chương khó định sự lời lãi, cần phải gìn giữ vì nó bồi đắp tinh thần”.
Biết than nhưng chưa biết kêu
Nhà thơ Lê Tú Lệ, với tư cách là chuyên viên văn hoá tư tưởng đã đưa ra ý kiến “Con có khóc mẹ mới biết cho bú”, hội chỉ mới than thở chứ chưa biết kêu nên UBND TP cùng những cấp chính quyền khác có lẽ không biết. Theo nhà thơ, những ngày, những dịp như Ngày thơ Việt Nam, hội cần đưa vào kế hoạch tổ chức lễ hội thường niên để trình kế hoạch lên uỷ ban thì sẽ có thể có sự đầu tư đúng tầm hơn.
Tuy nhiên, ghi nhận tại buổi làm việc của Uỷ ban TPHCM với Hội Nhà văn TP, đại diện UBND TP nói không biết những khúc mắc, bất cập trong chuyện tiền nong đối với hội.
Các nhà văn trong Ban chấp hành hội cùng nhắc lại chuyện hội xin UBND TP 50 triệu để tổ chức Ngày thơ Việt Nam tại TPHCM nhưng chỉ được duyệt 25 triệu, và khi về tới hội thì… không một đồng kinh phí vì người duyệt tiền hỗ trợ cho rằng đó là khoản cần chi trong 300 triệu hỗ trợ hàng năm.
“Người làm văn chương nghèo thì nghèo thật, nhưng tính tự tôn lại cao, không thể nói chuyện đi xin, ỉ ôi, khóc đòi. Cần có sự hiểu nhau từ hai phía: Lãnh đạo và nhà văn để cùng hướng tới xây dựng một xã hội, đời sống nhân văn, đời sống tinh thần có bản sắc hơn”. Ý kiến này của nhà văn Trần Thanh Giao được một số nhà văn khác tán đồng.
Đi tìm nguyên nhân hoạt động chưa hiệu quả của Hội Nhà văn TPHCM, đại diện UBND TP cũng chỉ ra: Do lãnh đạo hội chưa năng động và mặt bằng văn hoá của TPHCM còn thiếu bản sắc.