Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.865 tác phẩm
2.760 tác giả
401
123.271.094

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Đồng Tháp trao giải thưởng Nguyễn Quang Diêu lần I cho 62 tác giả
Sáng ngày 01-02-2007, UBND tỉnh Đồng Tháp long trọng tổ chức lễ trao giải “Văn học nghệ thuật Nguyễn Quang Diêu lần I” tại Nhà Văn hoá Lao động Công đoàn Đồng Tháp. Đây là giải thưởng mang tên chí sĩ Nguyễn Quang Diêu (1880-1936) sinh tại làng Tân Thuận, Cao Lãnh, Sa Ðéc (nay thuộc tỉnh Ðồng Tháp). Ông là nhà cách mạng, vị lãnh tụ phong trào Ðông Du ở miền Nam và nhà văn hoá lớn của đất nước trong những năm đầu thế kỷ XX. Giải thưởng Nguyễn Quang Diêu nhằm tôn vinh những văn nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh có đóng góp cho sự phát triển của nền Văn học nghệ thuật tỉnh nhà.

62 tác giả và tác phẩm được trao xét giải là những sáng tác trong 60 năm (1945-2005). Trong đó có 6 giải Đặc biệt được trao cho nhà thơ Nguyễn Bính (Đồng Tháp Mười), nhạc sĩ Ngô Huỳnh (Con kênh xanh xanh), Hoàng Việt (Sở Thượng Giang), Trịnh Công Sơn (Mênh mông Đồng Tháp), Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lâm Tấn Tài (Mưa đồng) và soạn giả Thanh Nha (Tình riêng nghĩa cả). 8 gải A: Soạn giả Thanh Huyền (Vì sao anh từ chức), Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Chí Hải (Tải đạn), Nhạc sĩ Xuân Hồng (Chiếc xuồng quê hương), Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Tùng (Tiếng hát dâng người), Hoạ sĩ Thanh Châu (Trạm giao liên Gáo Đôi), Nhà văn Nguyễn Quang Sáng (Mùa gió chướng), nhà văn Lê Văn Thảo (Đêm Tháp Mười) và nhà thơ Thu Nguyệt với tác phẩm “Điều thật”. Ngoài ra còn trao 20 giải B, 28 giải C.

 

Tại buổi trao giải, ông Lê Vĩnh Tân, Phó Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp đã phát động giải Nguyễn Quang Diêu lần II (5 năm trao một lần) sẽ được trao năm 2010 cho các tác giả trong và ngoài tỉnh có những tác phẩm viết, ca ngợi về tỉnh nhà trong thời kỳ công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước.

 

Vài nét về chí sĩ, nhà văn hoá Nguyễn Quang Diêu

 

Nguyễn Quang Diêu (người xã Tân Thuận, quận Cao Lãnh). Với tư chất thông minh và tâm hồn yêu nước dạt dào, ông đã tham gia phong trào cứu nước và tiếp tay đắc lực cho cao trào Đông Du năm 1907. Tại Cao Lãnh, ông mượn chùa Linh Sơn làm nơi gặp gỡ những người yêu nước trong vùng. Ông thường liên lạc với các nhà cách mạng bị quân Pháp đưa từ Bắc vào an trí trong Nam như Võ Hoành, Dương Bá Trạc, Phương Sơn... đang tạm sống tại vùng Sa Đéc.

Năm 1913, ông cùng nhà cách mạng Đinh Hữu Xương (người xã Mỹ Xương) và một số chiến hữu khác ra hải ngoại nhưng bị bắt tại Hồng Kông. Pháp đưa ông về giam tại Hỏa Lò, Hà Nội, rồi đ ày đi Guyane (thuộc địa Pháp tại vùng Trung Mỹ). Năm 1917, ông cùng một số nhà cách mạng Việt Nam dùng thuyền trốn qua đảo Trinidad, rồi tìm đường sang Hoa Thịnh Đốn, Hoa Kỳ. Năm 1920, ông từ đó trở lại Trung Hoa. Năm 1927, ông về nước tiếp tục hoạt động hăng say dù tuổi đã cao và bị mật vụ Pháp lùng bắt ráo riết. Đến ngày 15 tháng 5 năm Bính Tý (1936), anh hùng Nguyễn Quang Diêu từ trần (Theo website vietshare.com).

 

Theo ông Trần Trọng Trí (Nhân Dân ra ngày 10-11-2004) viết”: “Lúc đi học, ông được thầy đặt cho tên chữ là Tử Ngọc. Xuất dương lấy hiệu là Cảnh Sơn, có lúc đóng vai người Hoa với tên Nam Xương, trốn tù về nước đổi tên là Trần Văn Vẹn. Sinh trưởng trong một gia đình cấp tiến, từ nhỏ, ông vừa theo Nho học vừa được học chữ Quốc ngữ với cụ Tú Tịnh, rồi cụ Tú tài Trần Hữu Thường. Ðầu thế kỷ 20, các phong trào Ðông Du, Duy Tân hoạt động sôi nổi trong cả nước, ông bắt đầu hoạt động cách mạng, cổ động cho Khuyến du học hội của Nguyễn Thần Hiến và truyền bá thơ văn yêu nước, liên kết bạn bè.

…Nhân dân đã làm câu đối, thơ văn khóc ông thật nhiều, xin dẫn một bài tiêu biểu:

 

Tìm đâu mà thấy cố nhân ta?
Tử Ngọc cõi trần đã lánh xa
Nhớ trước Canh Thìn năm xuất thế
Tính nay Bính Tý tuổi quy bà
Tâm sự đầu đuôi bao xiết kể
Thương cho đất khách gởi xương già.

 

Và câu đối của các đồng chí điếu:

 

- "Ngót hai mươi năm dư, hồ hải từng quen Âu - Á - Mỹ.

 

Vừa năm mươi tuổi lẻ, dạ đài còn tạc Hiếu - Trung - Cang".

 

Ông là một nhà cách mạng có tài thơ văn. Ông làm thơ, viết văn là để làm cách mạng.

 

Ðương thời truyền rằng thơ văn ông có đến hàng nghìn bài, nay chỉ còn sưu tập được hơn trăm bài chữ Hán có, chữ Nôm có, gồm đủ thể loại, nhiều nhất là thơ Ðường luật (7 chữ, 8 câu). Có thơ tuyên truyền vận động chính trị; có thơ nhân cảnh, nhân việc mà bày tỏ thái độ, nhắc nhở, xót thương, hoặc cười chê đả kích, có khi chỉ cười vui; có thơ chỉ nói riêng phận mình và hầu như không có loại vần điệu phù phiếm. Với một nội dung quán xuyến toàn bộ, nổi bật, khắp nơi, thấm nhuần mọi chỗ là tấm lòng yêu nước thiết tha, luôn luôn sôi nổi nhiệt tình và canh cánh hoài bão độc lập, tự do cho Tổ quốc và nhân dân. Cụ thể như lúc ông trú ngụ ở Núi Sam (năm 1929), bị lính kín Tây tìm bắt từng ngày, ông phải lẩn tránh về Tân An. Trước khi đi, ông viết bài thơ:

 

Muôn vật đều còn để dấu roi
Buồn cười thân chó chết rồi thôi
Ân cần mãn kiếp ba ân mọn
Thóa mạ nghìn năm một tiếng đời
Nổi trống gặp hùm xua rắn đuổi
Hang sâu hết thỏ nấu chàng xơi
Ai ơi! Phải biết ngời hơn vật
Chớ để mày râu thẹn đất trời!

 

Cũng có lần tại Vĩnh Hòa, ông đang đau, khi tắm bị cá nóc khoét, ông liền mượn hình tượng đó, làm thơ xa gần châm biếm bọn tham ô bòn hút máu thịt đồng bào giữa cơn tai nạn:

 

Ðộc địa thay lũ cá nóc bầu
Cắn ai thì chớ, cắn thằng đau
Bụng to nỡ chẳng dung già trẻ
Răng bén đành không kể trước sau
Ngứa miệng phá tan chài lưới chúng
Ðói lòng khoét lún giống nòi nhau
Nhờ hơi máu thịt no nê vậy
Có thuở chày săng giã nát đầu!

 

Mỗi bận xuân về, tết đến, ông nhìn thấy nỗi nhục mất nước khi chỉ được treo cờ Pháp, còn cờ Việt Nam không treo được, ông cảm tác bài: "Ngày Tết, thấy cờ cảm tác" để nói lên nỗi xót xa, day dứt:

 

Trông thế lực người sôi máu mắt/Nghĩ danh giá nước thẹn mày râu.

 

Thơ ca của ông chân thành rất mực. Ðó là điểm nổi bật về phẩm chất. Một điều đáng chú ý nữa là tuy không ra ngoài những điều cơ bản của văn mạch phía nam Tổ quốc về tâm lý và ngôn ngữ, nhưng nhờ ông có đọc "tân thư", có đi nước ngoài, biết nhiều thứ tiếng, tầm mắt mở rộng, nên thơ ca ông có những bước tiến so với thơ ca yêu nước Nam Kỳ thế kỷ trước. Lời thơ trau chuốt hơn, khuôn khổ hơn, đôi khi lại pha chút hóm hỉnh, nhiều lúc vẫn đột xuất những lời, những ý độc đáo, táo bạo.

 

Thơ ca ông thuộc dòng văn học cách mạng theo đường lối dân chủ tư sản đầu thế kỷ 20. Một số bài vào cuối cuộc đời ông, đã thể hiện rõ nét nội dung cách mạng với mầu sắc đấu tranh giai cấp. Nó đã góp một tiếng nói có giá trị vào công cuộc đấu tranh của dân tộc trong một giai đoạn lịch sử nhất định.

 

Rất tiếc ông là một viên ngọc sáng giá với một sự nghiệp thơ ca có tầm cỡ, một tác giả quý hiếm như vậy nhưng chưa được tìm hiểu chu đáo để kế thừa và bổ sung cho văn học Nam Bộ, làm phong phú thêm một giai đoạn lịch sử văn học vẻ vang nước nhà những năm đầu thế kỷ 20”.

 

Nguyễn Tý - SCL
Tin tức khác