- Đây là chủ trương của Chính phủ về tổ chức một lễ hội văn hóa người Hoa trên phạm vi toàn quốc. Bộ Văn hóa - thông tin là đơn vị được giao tổ chức thực hiện, còn TP.HCM là địa phương đăng cai.
* Một lễ hội có tính toàn quốc như thế qui mô hẳn rất lớn?
- Ngoài TP.HCM là đơn vị chủ nhà với nhiều hoạt động sôi nổi, ngày hội còn thu hút sự tham gia của cộng đồng người Hoa hơn 20 tỉnh thành trong cả nước. Mỗi đoàn hứa hẹn sẽ mang đến TP.HCM những nét đặc sắc, những tiết mục độc đáo của cộng đồng.
Ngày hội ngoài mục đích tôn vinh những nét đẹp còn là cơ hội để đẩy mạnh giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, đồng thời nhằm bảo tồn, phát triển văn hóa người Hoa ở Việt Nam, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam thống nhất đa dạng, tiên tiến...
* Những ngày gần đây, người đi đường ngang qua trước hội trường Thống Nhất đã thấy chuẩn bị dựng rạp... Đó sẽ là nơi duy nhất diễn ra lễ hội?
- Địa điểm chính là tại công viên 30-4. Ngoài ra tại các trung tâm văn hóa của các quận có nhiều đồng bào người Hoa sinh sống như quận 5, 6, 8, 11... cũng sẽ có các hoạt động văn hóa.
* Là điểm chính, công viên 30-4 sẽ có những hoạt động nào đáng chú ý?
- Tại công viên 30-4, ban tổ chức sẽ chia thành bốn khu vực. Mỗi khu như vậy sẽ có những hoạt động cụ thể. Ví dụ, tại khu A và B sẽ có liên hoan các tiết mục dân gian, bao gồm: ca, múa, nhạc, tiểu phẩm kinh kịch, trích đoạn tuồng cổ... theo hướng truyền thống và cách tân, đậm đà bản sắc tiêu biểu và đại diện cho nghệ thuật quần chúng người Hoa ở khắp mọi miền Tổ quốc.
Bên cạnh đó sẽ có trình diễn trang phục dân tộc được thể hiện trên nền nhạc, múa minh họa. Cũng tại khu vực này còn có biểu diễn nghệ thuật lân sư rồng cùng các trò chơi dân gian, nghi lễ, lễ hội có giá trị nhân văn như tết nguyên đán, nguyên tiêu, đoan ngọ, trung thu, đông chí...
Tại khu C sẽ triển lãm, trưng bày thư pháp, hội họa, các đặc trưng văn hóa người Hoa... Khu D sẽ là nơi giới thiệu văn hóa ẩm thực người Hoa.
* Còn tại các quận, huyện khác...?
- Tại các trung tâm văn hóa quận huyện sẽ có lễ hội hoa đăng (quận 5), giao lưu gặp gỡ các nhân chứng lịch sử về truyền thống đấu tranh cách mạng của người Hoa tại TP.HCM, tham quan các di tích lịch sử cách mạng, truyền thống văn hóa của người Hoa, giao lưu văn hóa với các đoàn về từ các tỉnh bạn. Trong dịp này, TP cũng yêu cầu đẩy mạnh hoạt động giới thiệu văn hóa ẩm thực người Hoa trong các nhà hàng, khách sạn.
Đặc biệt trong ngày hội này, Bộ Văn hóa - thông tin sẽ tổ chức hội thảo chuyên đề: “Xây dựng đời sống văn hóa trong cộng đồng người Hoa ở VN trong thời kỳ mới”.
* Với qui mô như vậy, xin ông cho biết công tác chuẩn bị của TP.HCM như thế nào?
- Với kinh nghiệm tổ chức nhiều lễ hội lớn, TP.HCM không quá lo khi đăng cai ngày hội này. Lãnh đạo TP.HCM đã có kế hoạch và phân công cụ thể cho hơn 20 đơn vị liên quan từ cuối tháng 12-2006.
Hòa nhập cuộc sống chung, giữ gìn bản sắc riêng
* Ông Nguyễn Thành Tài (phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM):
Việc tổ chức lễ hội văn hóa người Hoa lần này có ý nghĩa tôn trọng, phát huy giá trị đặc sắc của văn hóa người Hoa. Đó là khi người Hoa đến TP này, đất nước này, định cư sinh sống thì cư dân bản địa không đồng hóa, mà tạo điều kiện để người Hoa vừa giữ gìn bản sắc riêng vừa có thể hòa nhập cuộc sống chung. Chính điều đó luôn động viên, phát huy vị trí của đồng bào người Hoa, đặc biệt ở TP.HCM không chỉ trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc mà trong thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước.
* Ông Châu Văn Hai (phó trưởng Ban công tác người Hoa TP.HCM):
Tại TP.HCM có gần 500.000 đồng bào người Hoa sinh sống, chiếm gần 7% dân số. Trước giải phóng, đồng bào người Hoa cùng đồng bào các dân tộc anh em ở VN tích cực tham gia kháng chiến, chống giặc ngoại xâm, thống nhất đất nước. Trong thời bình, người Hoa cùng các dân tộc anh em ở VN đùm bọc cùng nhau làm ăn, xây dựng đất nước.
Ngày hội người Hoa ở VN lần này sẽ là một lễ hội rất đặc sắc. Đặc sắc vì đây là lần đầu tiên có một lễ hội lớn của người Hoa sau hơn 30 năm thống nhất đất nước.
* Bạn Trần Thoại Quyên (dân tộc Hoa, 19 tuổi, sinh viên):
Những ngày này, tôi cũng góp sức cho ngày hội bằng việc ráo riết phát hành thư mời và một số việc khác. Làm sao cho nhiều người biết đến lễ hội càng tốt. Vất vả nhưng hãnh diện lắm, bởi vì đó là lễ hội hoành tráng nhất từ trước đến nay của người Hoa ở TP.HCM. Qua lễ hội, bản thân thanh niên dân tộc Hoa như chúng tôi càng hiểu sâu sắc hơn về truyền thống văn hóa của dân tộc mình.
Hiện tôi là sinh viên ngành du lịch, nguyện vọng của tôi là được giữ gìn, giới thiệu về đất nước ta nói chung cũng như đồng bào Hoa ở VN nói riêng với bạn bè quốc tế. Tôi cũng muốn nói với họ rằng: “Trong đất nước chúng tôi, không có khoảng cách giữa dân tộc này hay dân tộc khác”.
Từ thế kỷ 17 đến giữa thế kỷ 20, người Hoa đã sang Việt Nam thành bốn đợt lớn bằng đường thủy và đường bộ. Hai khu vực cư trú lớn nhất ở Gia Định là: làng Thanh Hà ở Biên Hòa và làng Minh Hương ở Chợ Lớn. Hiện nay ở Việt Nam, người Hoa sinh sống tập trung tại một số tỉnh thành như Hà Nội, TP.HCM, Hà Giang, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hưng Yên, Quảng Nam, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang, An Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau...
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 1999, cả nước có hơn 862.371 người Hoa, tại TP.HCM có 428.768 người sinh sống, chiếm tỉ lệ 54,5% người Hoa cả nước. Cộng đồng người Hoa tại thành phố chủ yếu gồm năm nhóm ngôn ngữ chính: Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến, Hải Nam và Hẹ.
(Nguồn: Ban Công tác người Hoa TP.HCM)
Trò chơi đố đèn - mang đậm nét đặc trưng của văn hóa Hoa - Ảnh: TR.N.