Ngoài những tác giả có tên tuổi đã bước lên "chiếu thơ" được các nhà phát hành chiếu cố, hiện không ít người làm thơ còn lại bỏ tiền in thơ nhưng chẳng biết gửi nơi nào để bán lấy lại chút vốn còm cõi. Vì thế, nhiều người tự đứng ra in thơ mình sẵn sàng chấp nhận "gởi gió cho mây ngàn bay" cả tiền vốn đem in và đôi khi sứt mẻ cả chữ "tình" mong ước nữa...
Thật vậy, ở thời này các nhà phát hành sách, dù ở khu vực nhà nước hay tư nhân, đều rất "dị ứng" khi nghe nhắc đến phát hành... thơ! Điều đó không trách họ được vì thơ vốn bán rất chậm, lại kén người đọc, mà tác giả hàng hàng lớp lớp xuất hiện "vượt thời gian", ngày càng đông đúc. Dĩ nhiên, cũng có nhiều tập thơ và tác giả thơ được yêu mến, bán chạy, song để đặt hàng in thơ thì có lẽ hiếm lắm. Bạn hỏi, thôi được, bán chậm khó thu hồi vốn, tiền mượn in thơ rò rỉ dần, tới chỗ mất trắng luôn, nợ luôn, "tiền" là thế nhưng tại sao lại dây dưa đến "tình" nữa? Xin thưa cái tình ở đây là tình cố cựu, tình đồng điệu, đồng cảm giữa những người làm thơ với bằng hữu của họ, như sinh thời cụ Giản Chi đọc thơ cho bạn tri âm là học giả Nguyễn Hiến Lê nghe những bài tâm đắc chẳng hạn. Hoặc trong hồi ký nhiều văn nhân thi sĩ như Huy Cận, Quách Tấn, đều có nhắc đến lai lịch một số bài thơ, với "cái tình" thơ trong bạn hữu khi đọc cho nhau nghe, với hồi ức về Tản Đà, Xuân Diệu, Bích Khê, Tương Phố, Đông Hồ, Phan Văn Dật... Qua đó, không thấy ai chê thơ của nhau là... dở. Nhưng ngày nay không ít người làm thơ bị rơi vào vòng "thi nạn", nghĩa là in thơ ra, mang thơ đi tặng, bỏ tiền mua bia mua rượu đọc thơ mình cho người khác nghe, để rồi bị người khác khen chỗ này, chê chỗ khác, thậm chí phán cho một chữ: dở! Như thế có đáng buồn không?
Không. Nếu thơ mình thực sự lưu xuất từ trái tim thơ, thì chẳng buồn chút nào, ai chê chẳng qua chưa gặp tri âm, ai khen chắc gì đã cảm hết. Đến đây chợt nhớ trong nhiều tập thơ hiện có Cộng sinh với những khoảng trống của Thi Hoàng với mấy câu: Ta có thể làm thơ về nhọc mệt. Để cho trữ tình xin gọi mệt là... em. Thi Hoàng còn cho: Thơ thì có gì là quan trọng. Như bông hoa đẹp mà không quan trọng. Hễ quan trọng chắc đóa hoa rừng sẽ mất tự nhiên, nếu dùng kỹ thuật nhiều có thể sẽ biến thành... hoa nhựa, tuy không tàn nhưng chẳng bao giờ nở. Bây giờ có thể nghe phát biểu bằng thơ của một tác giả nữ: chị Thúy Vinh trong tập Năm tháng phù sa, qua bài mở đầu chị đã tuyên ngôn: Thơ - Ẩn trong tôi - Đâu hình đâu bóng - Mà sóng đôi không thốt một lời - Đi cùng người - Tôi quên mất phần tôi. Những tiếng nói tự khẳng định như thế sẽ vượt lên những đàm luận vu vơ, sẽ chẳng phải bỏ tiền ra để được đọc thơ, hoặc bị xúc phạm khi chân thành đọc thơ mình cho người khác nghe.
Có lẽ những điều đó thuộc về chuyện "hành lang" trong làng thơ. Vậy thì chuyện chính thống của làng thơ năm nay có gì đáng ghi nhận? Ở đâu không biết, chứ ở TP.HCM sáng ngày 3.3 nhằm Nguyên tiêu Đinh Hợi 2007, sẽ bắt đầu Ngày thơ Việt Nam khu vực 2 với khai từ của nhà văn Lê Văn Thảo, có đánh trống thượng cờ đọc bài Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt, sẽ có đáp từ của bà Thế Thanh, sẽ có múa, minh họa bài thơ Nhớ Bắc của Huỳnh Văn Nghệ, các bài thơ phổ nhạc khác của Viễn Phương - Hoàng Hiệp, Bảo Định Giang - Nguyễn Văn Tý. Lần này, sẽ có 4 vườn thơ chính bài trí các sách thơ, cây thơ, bàn thơ, lều thơ tại 5 khu vực nằm trong khuôn viên Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - TP.HCM và đền Hùng. Năm khu vực đó sẽ lập vườn thơ đương đại thể hiện dòng chảy thơ mới từ giai đoạn trước 1945 xuyên qua hai thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đến giai đoạn xây dựng phát triển đất nước và vườn thơ trẻ thể hiện tác phẩm của các cây bút sinh viên học sinh. Thành viên ban tổ chức 11 người gồm các nhà thơ: Lê Thị Kim, Trương Nam Hương, Trần Hữu Lục, Lê Minh Quốc, Vũ Xuân Hương, Tôn Nữ Thu Thủy, Bùi Thanh Tuấn, nhà văn Đoàn Thạch Biền, bà Lê Tú Lệ và bà Hồ Thị Ngọc Chuyến, dịch giả Nhật Chiêu. Người sẽ khép lại ngày thơ sẽ là nhà thơ Chim Trắng. Và bài thơ cuối của ngày thơ sẽ đọc là bài Tạ ơn của nhà thơ dân tộc Chăm Inrasara do tác giả tự trình bày, trong đó có câu: Tạ ơn không gian vô cùng, thời gian bất tuyệt. Dẫu không là cái đinh gì cả. Tôi vẫn cần thiết có mặt.
Thêm vào đó, với tấm lòng thơ phơi phới trong Ngày thơ Việt Nam, một bạn thơ viết đùa mấy câu tự tặng mình: Ai bảo thơ tôi là dở - Tôi vẫn cứ làm thơ...