Hôm qua, nhân Tết Nguyên Tiêu, Ngày thơ Việt Nam lần thứ V với chủ đề “Đất nước - Mùa xuân” đã được Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức long trọng tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội).
Sân thơ “già” vui vầy với nghi lễ
Tại sân Thái Miếu, tiết mục múa rồng đã mở màn cho những hoạt động lễ hội của Ngày thơ, vang lên sau đó là những âm hưởng ca ngợi vẻ đẹp cổ kính của đất Thăng Long qua trích đoạn bài thơ “Nhớ Bắc” của Huỳnh Văn Nghệ, tiếp đó là bài thơ truyền thống “Nguyên Tiêu” (Hồ Chí Minh) và “Đất nước” (Nguyễn Đình Thi).
Cảnh sắc rộn ràng hơn khi những quả bóng bay cao, bay xa, đưa những câu thơ của hơn 50 nhà thơ ca ngợi Tổ quốc, ca ngợi vẻ đẹp của mùa xuân cũng như những thành tựu đổi mới của đất nước lên bầu trời qua màn thả thơ.
Sân bái đường Thái Miếu như thông lệ vẫn là sân khấu dành cho các nhà thơ đã thành danh (gọi là “thơ già”). Giữ nguyên lối cũ, vẫn là nghệ thuật trình diễn thơ của các nhà thơ nam và nhà thơ nữ, giao lưu thơ giữa các nhà thơ với bạn đọc, thi câu đối, đọc thơ cổ, họa thơ, nghệ thuật thi pháp, giới thiệu tác phẩm thơ mới... Xen vào đó là sự xuất hiện của bạn yêu thơ tham gia bằng hình thức làm thơ tặng, hay người yêu thơ ra câu đối thơ.
Và có lẽ, để khẳng định rằng thơ già đến nay vẫn có âm hưởng trong lòng công chúng chính là những bài thơ được phổ nhạc. Vì thế mà cùng với việc ngâm thơ, đố thơ, những bài hát liên tục được các nghệ sĩ, diễn viên trình bày như: “Việt Bắc” (Tố Hữu), “Đất nước tôi” (thơ Tạ Hữu Yên, nhạc Phạm Minh Tuấn), “Thời hoa đỏ” (Thanh Tùng), “Tây Tiến” (thơ Quang Dũng, nhạc Nguyễn Thành)... Tại đây, BTC đã công bố 100 bài thơ hay nhất của thế kỷ.
“Thành phố thơ” rất trẻ!
Chương trình bán đấu giá thơ trong Ngày thơ 2007 tại TPHCM.
Khác biệt với sân “thơ già”, trong sân Thái Học - nơi các nhà thơ trẻ gọi là “Thành phố thơ” lại rôm rả ngay màn khai hội với những bài hát cũng mang phong cách trẻ trung của các nhóm nhạc. Có lẽ thế hệ làm thơ trẻ đã biết tự tìm những cách thức “tiếp thị” thơ của mình. Thành phố thơ trẻ được chia thành hai xóm, bên trái của sân Thái Học là “Xóm một thời liều (với thơ)” hội tụ các gương mặt: Thanh Thảo, Inrasaba, Lâm Thị Mỹ Dạ, Bế Kiến Quốc, Nguyễn Quang Thiều... Phía bên phải sân Thái Học là “Xóm liều (với thơ)” giới thiệu những gương mặt thơ trẻ như: Ly Hoàng Ly, Vi Thùy Linh, Bình Nguyên Trang, Nguyễn Bình Phương... Mỗi nhà thơ trẻ tự giới thiệu mình trên một poster thơ và tự bạch về việc làm thơ.
Không dừng lại ở những poster thơ, những nhà thơ trẻ lại còn khẳng định mình trên sân khấu bằng cách ngâm thơ, hát những bài hát được các nhạc sĩ phổ nhạc thơ mình. Không khí thực sự sôi động khi độc giả có cơ hội được thưởng thức màn trình diễn thơ phổ nhạc độc đáo của nhóm Ngọc Đại - Linh Dung - Thanh Lâm qua các bài thơ của Vi Thùy Linh, Ngọc Đại... Khách thơ lại có cơ hội trò chuyện với các nhà thơ trẻ, được nghe kể về cái duyên đến với thơ cũng như cuộc đời và sự nghiệp.
“Ngày thơ vẫn là một sinh hoạt tinh thần rất mới mẻ ở nước ta. Và đến năm nay, Ngày thơ lần thứ V đã thực sự mang lại niềm vui mới, sáng tạo mới để thu hút đông đảo công chúng đến với thơ hơn”, nhà thơ Hữu Thỉnh đã nói như vậy.
Hòa chung không khí cả nước, chủ trương tổ chức Ngày thơ Việt Nam năm nay ở thành phố Cần Thơ được chuẩn bị rất sớm từ trước Tết Nguyên Đán. Thành ủy Cần Thơ giao cho ba đơn vị Hội Văn học–Nghệ thuật Tp. Cần Thơ, Trung tâm Văn hóa TP. Cần Thơ, Phòng Văn hóa Thông tin và Thể thao quận Ninh Kiều phối hợp tổ chức. Hầu hết các tiết mục dự tính sẽ trình diễn đều đã được lựa chọn, tập dợt chu đáo.
Nguyên Tiêu ,đêm Thơ Cần Thơ
Ngoài các tiết mục truyền thống có tính chất nghi lễ
Phần còn lại là của các nhà thơ địa phương thuộc nhiều thế hệ gồm có Nguyễn Bá, Lê Chí, Hoàng Ngân, Lê Đình Bích, Hoài Nam Tử, Trần Thị Linh Chi, Nguyễn Ngọc Tuyết, Thanh Lan, Minh Nguyệt, Phan Nguyệt Ảnh. Sự góp mặt của nhà thơ trẻ Quân Tấn là một dấu nhấn của lễ hội năm nay. Một số tiết mục đã thử nghiệm trong liên hoan văn nghệ tất niên.
Khó khăn lớn nhất năm nay là tất cả các tỉnh thành đều tổ chức cùng ngày, vì vậy lực lượng văn nghệ sĩ phải phân tán. Tuy nhiên, cũng không phải vì lý do đó mà đêm công diễn không thu hút khán giả và bạn yêu thơ từ khắp nơi. Đại diện cho Thành ủy Cần Thơ, Quận ủy, UBND Quận Ninh Kiều; các cơ quan thông tấn, phát thanh, truyền hình TW và Địa phương; các CLB thơ ca trong địa bàn thành phố; các thầy cô giáo, học sinh, sinh viên và đông đảo bạn yêu thơ đến dự sẽ là nguồn động viên to lớn cho các tác giả và nghệ sĩ.
Khác với hai năm trước đây, thay vì được tổ chức tại đình Bình Thủy, di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, thì năm nay điểm tổ chức Ngày Thơ Việt Nam qui mô hơn tại khuôn viên Trung Tâm Văn Hóa thành phố Cần Thơ. Số lượt khách dự tính trên 600 chỗ ngồi. Sân khấu ngoài trời được trang hoàng lộng lẫy cờ thơ, băng rôn, biểu ngữ… Thơ của quan Thái Úy nhà Lý và của Bác Hồ in trang trọng bằng Hán văn trên nền vải phần phật bay trong gió như hứa hẹn một đêm hội thơ đầy ý nghĩa và đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.
Nắng Xuân
Hội văn Học–Nghệ thuật Tp. Cần Thơ (UV.Ban tổ chức)
Đấu giá thơ gây quỹ từ thiện
Sáng 3-3, trước khuôn viên Bảo tàng lịch sử Việt Nam nhộn nhịp hẳn lên với hàng trăm người yêu thơ tại TPHCM tập hợp về đây nhân Ngày thơ Việt Nam. Ngày thơ năm nay lần đầu tiên được tổ chức dưới sự phối hợp chặt chẽ của Sở VH-TT TPHCM và Hội Nhà văn TP. Trong đó Sở VH-TT chịu trách nhiệm tổ chức và duy trì riêng một trong số 5 sân thơ với chủ đề Thơ giữa đời thường.
Sân thơ này cùng với bốn sân thơ còn lại bao gồm Thơ đương đại, Thơ trẻ, Thơ di sản, Thơ dịch được kết hợp trên nền một kịch bản xuyên suốt giúp bạn yêu thơ có dịp thưởng thức trọn vẹn những vẻ đẹp khác nhau của thơ.
Mỗi sân thơ đều có nét đặc trưng thu hút người xem như 18 bàn thơ, cây thơ tiêu biểu cho 18 thi sĩ thời kỳ Trung đại (TK 10 đến TK19) của sân Thơ Di sản. Sân Thơ đương đại, Thơ trẻ là nơi bày bán tập Sài Gòn thơ tuyển chọn những bài thơ hay nhất của các nhà thơ tại TPHCM, nơi đây luôn nhộn nhịp các bạn thơ đến giao lưu với các nhà thơ trẻ như Ly Hoàng Ly, Lê Thiếu Nhơn, Song Phạm…
Phần Thơ dịch gây chú ý với cuộc tranh luận trao đổi của các dịch giả về các vấn đề dịch thuật trong thơ, bạn yêu thơ có thể tìm thấy tại sân thơ này những tác phẩm dịch các bài thơ nổi tiếng thế giới. Nhiều màu sắc và lạ mắt nhất có lẽ là sân Thơ giữa đời thường, nơi đây trưng bày các sản phẩm gắn liền với thơ như: Thơ trên gốm, đá, gỗ, quạt…
Không khí bình dịu của sáng ngày thơ được khuấy động lên với phần bán đấu giá thơ gây quỹ. Mở đầu là bài thơ Không đề của bà Nguyễn Thế Thanh, PGĐ Sở VH-TT đã được một bạn yêu thơ mua với giá 2 triệu đồng, đồng thời tặng thêm 3 triệu đồng góp vào quỹ. Bài thơ Cõi mê của nhà thơ Lê Thị Kim được một bạn thơ khác mua với giá 4,5 triệu đồng cùng với 5 trăm ngàn đồng tặng thêm.
Với số tiền trên ban tổ chức đã góp thành 10 phần học bổng để tặng học sinh nghèo. Đến buổi chiều, phần thi đố thơ “Từ trong di sản” của sinh viên khoa Ngữ văn các trường ĐH KHXH và NV, ĐH Sư phạm và ĐH Văn Hiến, sự sôi nổi của các bạn sinh viên góp phần đưa những tác phẩm, thi sĩ của dân tộc như sống lại trong ngày thơ.
Sân thơ di sản nơi những người yêu thơ tìm thấy các danh tác thơ. Ảnh: T.V.