Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.865 tác phẩm
2.760 tác giả
476
123.271.707

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Sự thật sau bức ảnh thời sự báo chí xuất sắc nhất thế giới 2006
Năm nay giải World Press Photo (Ảnh báo chí thế giới, viết tắt WPP) vừa được cống bố vào tháng trước. Nhà nhiếp ảnh Spence Platt của hãng Getty Images Inc đã được trao Giải ảnh thời sự báo chí xuất sắc nhất. Đó là bức ảnh chụp ngày 15-8-2006 trong chiến tranh Lebanon -Israel.

Thế nhưng, một số đồng nghiệp của Platt cho rằng việc trao giải này là "sự sỉ nhục" đối với những cố gắng phi thường của các phóng viên ảnh chiến tranh.

 

Xuất xứ bức ảnh

 

Khi ấy là khoảng 1g trưa 15-8-2006, ngày thứ hai kể từ khi thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah có hiệu lực. Một tháng chiến sự đã làm quận Dahiye do Hezbollah kiểm soát trở nên tan hoang bởi bom đạn của Israel, đẩy hàng vạn người vào cảnh màn trời chiếu đất hoặc phải sơ tán đến các khu vực an toàn của Beirut.

 

"Từ 7g sáng tôi ra đường, sục sạo trong khu Dahiye", phóng viên Platt người New York nhớ lại. "Đúng lúc tôi định quay về khách sạn thì một chiếc xe mui trần chở một nhóm thanh niên hiện ra tận phía xa. Tôi bấm máy 4, 5 phát, chỉ có một ảnh vừa ý, vì nó khác với những hình ảnh khác mà tôi đã ghi lại ở Beirut". Platt gửi nó cùng 25 hình khác về hãng và quên đi sự kiện ấy, cũng không hề có cảm giác đã chụp được một cảnh có giá trị thời sự lớn.

 

Cho đến khi được tin nhận giải, Platt không biết những người ngồi trên xe, không định dùng bức ảnh làm một phát ngôn chính trị nào hay đưa ra nhận định gì. Nó đơn giản là một cảnh khá khác thường trong đống đổ nát của Beirut, vì những người Lebanon trong ảnh không giống các nạn nhân như người ta vẫn thường thấy trên các bức ảnh khác về cuộc chiến tranh này.

 

Ban giám khảo (BGK) WPP chọn tác phẩm này là bức ảnh báo chí xuất sắc nhất thế giới 2006, sau khi đã xem xét 78.083 ảnh của 4.460 tác giả thuộc 124 quốc gia tham dự cuộc thi, với nhận xét: "Nó chứa đựng sự phức hợp và mâu thuẫn của cuộc sống thực giữa những hỗn loạn. Bức ảnh khiến cho bạn biết được nhiều hơn những gì bạn thấy".

 

Cuộc sống thực?

 

Bức ảnh chụp một chiếc xe mui trần màu đỏ ớt sang trọng, chở một nhóm thanh niên Lebanon trong trang phục sạch sẽ đúng mốt, một người lấy khăn bịt mũi, một người khác chụp ảnh bằng điện thoại di động - hoàn toàn tương phản với hình ảnh đằng sau nó là một đống nhà cửa hoang tàn đổ nát, đầy không khí chết chóc.

 

Tác phẩm này của Platt xuất hiện trên tờ Paris Match và mấy hôm sau được in trên nhiều tờ báo lớn vòng quanh địa cầu. "Người Lebanon giàu có đi ngắm chiến tranh ở ngoại ô Beirut bị tàn phá", tờ Paris Match chú thích. Tờ Angeles Times cũng nói về "những người Lebanon giàu có", còn Washington Post nhấn mạnh chi tiết "cô gái nhăn nhó bịt mũi", để cho thấy ý tưởng ẩn chứa đằng sau sự tương phản đầy trái ngược.

 

Nhưng sau khi công bố bức ảnh của Platt được giải, nhiều phóng viên công khai phản đối quyết định của BGK. Vì theo họ, bức ảnh đó chỉ là một khoảnh khắc rất ngẫu nhiên, không lột tả được thực tế chiến tranh ở Lebanon. Trước đó không lâu, nhà nhiếp ảnh Salem Daher đã lướt qua làn mưa đạn để chụp lại hình ảnh xác những đứa trẻ được lôi ra từ đống gạch vụn ở Lebanon. Theo ý nhiều người, đó mới là những tấm hình báo chí xứng đáng nhận giải, và việc trao giải cho Platt không khác gì coi rẻ những phóng viên khác liều mình đi làm những phóng sự chiến tranh.

 

Sự thật

 

Họ cho rằng bức ảnh làm người xem phương Tây hiểu sai lệch về cuộc chiến tranh kinh hoàng ở Lebanon. Cũng vì thế Gert Van Langendonck, một nhà báo Bỉ quyết tâm đi tìm các nhân vật trên bức ảnh để khám phá sự thật. Mới đây, ông đã ngồi nói chuyện với họ ở Beirut.

 

Lana AL-Kahlil, chủ chiếc xe mui tần, chỉ ra đúng điểm yếu của giải WPP 2006: "Bức ảnh này là một phiên bản vừa mắt phương Tây, nó xa rời thực tế đẫm máu mà người Lebanon trải qua trong mùa hè vừa qua". Lana AL-Kahlil năm nay 25 tuổi. Chị làm việc tại một tổ chức cứu trợ Samidoun và trực tiếp chứng kiến những gì chiến tranh đem lại.

 

Khi Gert Van Langendonck tìm ra được số điện thoại của những thanh niên ngồi trên xe, ông vẫn tin rằng mình đang nói chuyện với những người Beirut giàu có: "Tôi mang một định kiến về bức ảnh này, như hàng ngàn người khác. Nhưng cuộc nói chuyện với họ đã đem lại cái nhìn khác về bức ảnh".

 

Bản thân 5 người trên xe, trong đó có Maroun và hai cô em gái của anh, là những người phải chạy trốn bom đạn và trong 33 ngày chiến sự họ phải dạt sang quận Hamra (Beirut). Ở đó, Maroun làm quen với hai người bạn nữa, và khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, 3 anh em Maroun cùng hai người bạn vội mượn chiếc ô tô của AL-Kahilil để đến quận Dahiye và không muốn gì khác hơn là đi tìm lại ngôi nhà cũ của mình, xem có bị tàn phá không. Dễ hiểu là họ rất bất bình khi đọc những tin đăng trên báo chí phương Tây: "Quan sát kỹ bức ảnh thì phải nhận ra rằng chúng tôi xúc động khi thấy cảnh tàn phá. Và không ai trong chúng tôi thuộc lớp giàu có ở Lebanon cả. Chúng tôi còn trẻ và giới trẻ ở Lebanon ai cũng ăn mặc như vậy, nếu không có cảnh đổ nát hậu trường thì chẳng ai để ý đến chuyện đó".

 

Câu chuyện đằng sau bức ảnh thì ra đơn giản hơn ta tưởng. Mọi chuyện báo chí phương Tây tự suy diễn nhiều hơn.

 

Bức ảnh của Nhà nhiếp ảnh Spence Platt đã được trao Giải ảnh thời sự báo chí xuất sắc nhất 2006

 

ĐỨC LÊ - TTO Theo Thể Thao & Văn Hóa
Tin tức khác