"Từ giải thưởng Văn học tuổi hai mươi năm 1995 đến cuốn sách đầu tiên xuất bản trên blog, tôi đàn bà hơn và cũng đời hơn" đó là lời thú nhận của Trang Hạ. Chị hiện là phóng viên thường trú của Báo Tiền Phong ở Đài Loan. Ở đây, ngoài cuộc chuyển mình của một đại diện lứa văn học tuổi mới lớn còn là sự chuyển động của một mảng văn học còn khá mới mẻ ở Việt Nam: văn học mạng.
Một sự cố nhỏ, tập truyện ngắn Những đống lửa trên vịnh Tây Tử của Trang Hạ được giải thưởng NXB Thanh Niên 2004 song lại bị chính NXB này từ chối in với với lý do có truyện ngắn chính viết về đồng tính (!). Nhưng bạn đọc thì vẫn có thể đọc truyện ngắn ấy trên internet. Nhiều truyện ngắn được Trang Hạ giới thiệu trên các diễn đàn văn học mạng ttvnol, evăn và khi có blog, chúng quy tụ độc giả vào blog Trang Hạ với hàng ngàn lượt bạn đọc mỗi ngày.
Không phải là một mà là hai cuốn sách của Trang Hạ ra mắt vào cùng một thời điểm do NXB Hội Nhà văn phát hành đã đưa nhà văn trẻ này trở lại với văn đàn: Những đống lửa trên vịnh Tây Tử (chuyển từ blog sang sách) và Xin lỗi, em chỉ là con đĩ do Trang Hạ dịch của Bảo Thê - cũng là một tác giả 8X Đài Loan sáng tác trên diễn đàn mạng. Sự trở lại gây khá nhiều luồng dư luận. Hai cuốn sách này đang bán chạy và tâm điểm của vài cuộc trao đổi trên mạng.
Trang Hạ kể: "Tôi liên hệ mua bản quyền Xin lỗi, em chỉ là con đĩ bằng cách gửi tin nhắn qua mạng cho blogger Bảo Thê. Thật mừng vì sau thời gian dài trao đổi và theo sát tiến độ những công việc tôi làm ở Việt Nam, tác giả đã đồng ý cho tôi độc quyền dịch toàn bộ 5 tiểu thuyết của cô để xuất bản ở Việt Nam cùng thời điểm với cuốn nguyên bản xuất bản".
Hiện Trang Hạ đang dịch tiếp Huynh và Muội, một tiểu thuyết về xã hội đen và tình yêu của Bảo Thê. Tháng tới, chị sẽ in Mẹ điên, tập hợp nhiều tác giả Hoa ngữ vô danh chưa từng được dịch ra tiếng Việt. Đây cũng đều là các sản phẩm của văn học mạng, mà theo Trang Hạ: "Có tới hàng ngàn các nhà văn trẻ, nhiều người rất nổi tiếng ở đại lục là những nhà văn ẩn danh, họ công bố tác phẩm trên diễn đàn văn học. Họ có điều kiện để tạo ra dư luận bằng internet. Họ đã quyết định phong cách, công chúng và tác phẩm ngay từ lúc khởi sinh tác phẩm".
Tại Trung Quốc đã có những cuộc bình chọn, giải thưởng dành riêng cho dòng văn học mạng. Còn tại Việt Nam, đã rải rác có vài tác giả trẻ khai sinh từ internet. Và cũng đã đến lúc cần có một cái nhìn đúng đắn và thiện cảm hơn về những sản phẩm từ internet. Có những thứ không thể gọi là văn, nhưng ngược lại cũng có nhiều người vô danh góp những dòng viết bất ngờ. Những con mắt xanh cũng có thể tìm thấy nhiều tác giả, biết đâu là tác gia cho mai sau từ đây?