Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.865 tác phẩm
2.760 tác giả
566
123.272.384

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Festival mỹ thuật trẻ 2007: Mới và chưa mới
Hội Mỹ thuật TPHCM vừa đứng ra tổ chức Festival Mỹ thuật trẻ 2007 trong khuôn viên và nhà bảo tàng của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (42 Yết Kiêu- Hà Nội). Cuộc trưng bày nhận được sự tài trợ và đóng góp của nhiều cơ quan đoàn thể, các quỹ văn hoá nước ngoài và quan trọng nhất là được sự ủng hộ của Bộ VHTT. Một sự công nhận thẳng thắn và mới mẻ sau nhiều năm luận bàn, nghiên cứu và không ít nghi kỵ…

Cuộc chơi có gì mới?

 

Nhiều người cho rằng nghệ thuật sắp đặt, trình diễn ở ta đã từng có trong đình chùa, tín ngưỡng và diễn xướng dân gian từ nhiều trăm năm trước. Đứng ở góc nhìn này sẽ dễ dàng phủ nhận sự tìm tòi mới mẻ của mỹ thuật trẻ. Nhưng thật sai lầm! Sắp đặt, trình diễn, video art đương đại trước hết là những tác phẩm độc lập, có kỹ thuật, nội dung, hình thức cụ thể không dùng cho việc gì khác ngoài ý định tạo hiệu quả thẩm mỹ và nói lên ý tưởng của người nghệ sĩ.

 

Khái niệm đơn giản ấy giờ đây hình như đã được đa số chấp nhận hay buộc phải chấp nhận như một tất yếu của hoạt động mỹ thuật thế giới. Với chúng ta, đây là một bước tiến mới trong nhận thức dù rằng những loại hình này trên thế giới đã có tuổi đời ngót nghét trăm năm.

 

Trong một không gian mở hoàn toàn (tuy hơi nhỏ), cuộc trưng bày nghệ thuật ở Trường Đại học Mỹ thuật VN đã đem đến cho người xem một bữa tiệc thị giác thịnh soạn. Nhiều tác phẩm chiếm những không gian lớn ngoài trời tạo cảm giác áp đặt tâm thế tìm hiểu và thưởng thức. Đó là một thế mạnh thủ pháp của loại hình sắp đặt mà hầu như nghệ sĩ toàn thế giới đều phải sử dụng.

 

Phần trưng bày trong nhà cũng được các nghệ sĩ trẻ sáng tạo khá thông minh bằng cách sử dụng những mảng tường, nền nhà, những khoảng đặc, rỗng bất ngờ phong phú trong  ngôi nhà bảo tàng. Không gian phòng trưng bày cũng vì thế không còn bị bó hẹp bởi diện tích căn phòng.

 

Một chuyển biến đáng mừng ở cuộc trưng bày này dễ nhận thấy là vấn đề kỹ thuật xử lý vật liệu đã được các nghệ sĩ trẻ đặc biệt quan tâm. Cũng chính vì vậy, hiệu quả thẩm mỹ của các tác phẩm đã được đẩy lên đủ sức hấp dẫn người xem.

 

...và chưa mới!

 

Nghệ thuật sắp đặt, trình diễn, video art thế giới đang ở vào giai đoạn thoái trào. Những nghệ sĩ lừng danh của các loại hình này thậm chí còn hiếm hoi hơn cả hoạ sĩ dù công việc của họ có vẻ nhộn nhịp hơn rất nhiều. Đặc biệt, những loại hình nghệ thuật này đòi hỏi một tư duy sáng tạo chuyên biệt và là tổng hoà của rất nhiều kiến thức, từ văn chương, triết học, sân khấu điện ảnh cho đến vật lý, quang học, âm thanh và thậm chí cả tay nghề của một ông thợ mộc!

 

Đó là một trở ngại lớn đối với các nghệ sĩ tuổi đời còn trẻ, vốn sống và thời gian trau dồi chưa có bao nhiêu. Không khó khăn để nhận ra sự lúng túng của họ trong cách diễn giải ý đồ sáng tạo. Khi thì phức tạp hoá một vấn đề hết sức đơn giản, dạng như tác phẩm “Đến từ tương lai”. Những túi rác đen treo dày đặc một không gian lớn trong nhà được tác giả trình bày: “Thông qua ấn tượng tạo hình của tác phẩm, với tư cách là nghệ sĩ tôi muốn thêm một lần nữa đặt vấn đề về hiểm hoạ từ rác thải trong đời sống hiện đại”.

 

Hiệu ứng thị giác của ngần ấy túi rác treo trong nhà không bao giờ có thể mạnh bằng những bãi rác ta thường thấy! Hay có khi lại đơn giản hoá, cô đọng đến mức không đủ để nói lên bất cứ điều gì như các tác phẩm “Những cái chai”, “Nhà kén”. Một dạng khác là sự kỳ công chế tác như tác phẩm “Đồ chơi trung thu”. Toàn bộ đồ chơi, con giống, đèn ông sao được phất bằng giấy trắng treo trong phòng tối với âm thanh phát ra là tiếng ồn của một phiên chợ tết đã làm người xem không đủ sức liên tưởng đến một nuối tiếc hay mất mát nào cả!

 

Có thể nói linh hồn của một tác phẩm sắp đặt, trình diễn, video art chính là ý tưởng chứ không phải vật liệu làm ra nó. Bởi thế muốn làm mới nó buộc phải có ý tưởng mới là thứ rất hiếm hoi không riêng gì ở Việt Nam. Tác phẩm gây ấn tượng về chiều cao nhất là một chiếc đầu trâu thật buông vải đỏ bày giữa sân có thể chỉ mới dừng ở hiệu quả thị giác. Tác phẩm video art có tên là “Sự bất tử” được tác giả chiếu hình hai người đàn bà đang chải tóc (bắt chấy?) qua một tấm vải màn tạo hiệu quả như bóng người ngồi trong màn là chuyện có thật, nhưng nếu gọi đó là “sự bất tử” e rằng nhiều người phải phì cười.

 

Cũng như rất nhiều triển lãm sắp đặt quy mô nhỏ trước đây, đề tài môi trường luôn chiếm một số lượng lớn và cũng chính vì thế sự lặp lại là khó tránh khỏi. Đề tài tưởng chừng như “ngon ăn” này hoá ra lại vấp phải một thách thức khác. Đó là vật liệu và kỹ năng xử lý chỉ quanh quẩn ở những rác và phế thải, chưa nói đến việc những tác phẩm như vậy hiện đang tràn ngập trong triển lãm của nhiều nước trên thế giới!

 

Nên chăng, đã đến lúc cần phải có sự giao lưu hợp tác giữa nhiều thế hệ nghệ sĩ. Thậm chí có thể phải hình thành cả một cái “chợ” bán mua các ý tưởng một cách phân minh rạch ròi mới mong tránh được những trùng lặp nhàm chán.

 

Mai Anh Dũng - Sự chuyển động của các con số. Thời “số hoá” con số ở khắp mọi nơi, bao vây ta bốn bề và luôn chuyển động trong chính con người chúng ta!  Ảnh và lời bình của Nguyễn Quân.

Tưởng Văn Bàn - Lao Động Cuối tuần số 11
Tin tức khác
Sẩm Hà thành (12.03.2007)