trong khi tại quê hương của Trịnh Công Sơn là Huế một ngôi nhà như vậy hãy còn trừu tượng, có thể đã chớm thành hình, nhưng chỉ trong ý định hoặc may mắn hơn, trong thiện chí mà thôi.
Thiện chí có thừa, chỉ thiếu hành động.
Có lẽ mọi người, từ những người có quyền hành phê duyệt cho tới người ái mộ và công dân bình thường, ai nấy đều đồng ý rằng một ngôi nhà lưu niệm Trịnh Công Sơn trên đất Huế là điều hợp lẽ. Hợp lẽ về mọi phương diện mà không ai hoài công phủ nhận hay bài bác.
Trịnh Công Sơn là người con của Huế, lớn lên tại đất này, sống trọn vẹn tuổi thanh niên của mình ở đây và nhờ phong thể văn hóa Huế viết nên những tác phẩm để đời cho hôm nay và mai sau. Đến nỗi, về cuối đời, anh ra đi sống nơi khác, người ta vẫn tìm thấy trong ca khúc của anh những câu chữ, ý tình được hun đúc dày năm từ mảnh đất quê hương.
Những năm cuối thế kỷ, trở về Huế gặp bạn bè và chính quyền địa phương, anh đã có lần mở lòng mình về chuyện ngôi nhà nhưng lần này lại gọi tên đó là "Nhà nguyện tình yêu" mà anh cho rằng Huế đúng là nơi được dành phần tạo dựng. Và mẫu nhà này, đúng như tên gọi, sẽ không là nhà của riêng ai, của Trịnh Công Sơn cũng không nốt, đó là nhà của mọi người, của tuổi trẻ, của tình yêu.
Ngôi nhà lưu niệm Trịnh Công Sơn, vạn nhất thành sự thực, sẽ là nơi lui tới thường xuyên, hằng ngày, suốt năm, không riêng của thanh niên, bởi không chỉ thanh niên mới biết yêu thích nhạc của Trịnh Công Sơn, mà là mọi người, từ già xuống trẻ, từ trong đến ngoài nước, không những đến nơi này chỉ vì nhạc, còn vì những tư liệu kỷ vật khác, để đọc, để ngắm, để nhớ và nhất là để nuôi dưỡng tâm hồn...
Bản thân tôi cầu mong sao ý kiến thô thiển của mình không đến nỗi rát tai và lạc điệu.
Trịnh Công Sơn, Đinh Cường vẽ 2001