“Như thế, với cuộc đời, tôi đã ôm một nỗi cuồng si bất tận. Mỗi đêm, tôi nhìn trời đất để học về lòng bao dung. Nhìn đường đi của kiến để biết về sự nhẫn nhục. Sông vẫn chảy đời sông. Suối vẫn trôi đi đời suối. Đời người cũng để sống, và hãy thả trôi đi những tị hiềm”. Đây là những dòng tự sự anh viết năm 1972, nghĩa là lúc anh mới 33 tuổi, lúc anh đang phải từng ngày sống trong sự trốn chạy.
Anh phải uống thuốc cho người gầy đi dưới 30 kg để không phải cầm súng bắn lại đồng bào mình. Nhưng cũng chính những tháng ngày ấy là những ngày anh sáng tác nhiều nhất, yêu cuộc đời trong một tình yêu vừa tuyệt vọng vừa hy vọng.
Vừa buồn như bóng đêm mà vẫn ngẩng cao đầu để “ Ta phải thấy mặt trời”…. Mâu thuẫn trong suy tư, yêu đời mà lòng buồn rượi… Nhưng trong nỗi buồn lặng của Đêm, bao giờ nhạc Trịnh cũng có ánh ngời giọt Nắng. Và chính vì thế anh mới là anh. Là tất cả những gì mà con người có thể tìm thấy một chút gì của mình trong từng lời ca anh rót xuống cuộc đời…
Kỷ niệm ngày anh ra đi mãi mãi, Trung tâm ca nhạc Lan Anh tổ chức đêm nhạc “Tình yêu muôn thuở” ngày 31-3; Quán Hội ngộ, Bình Quới vẫn có đêm tưởng niệm Trịnh Công Sơn hàng năm với chương trình “…Nhẹ nhàng như mây…” ngày 4-4; Phòng trà Sóng Nhạc với “ Có một dòng sông đã qua đời” và phòng trà ATB với 4 đêm nhạc “ Như một lời chia tay” từ 29-3 đến 1-4…
Thực ra, ATB dường như đã sống cùng nhạc Trịnh suốt trong nhiều năm qua. Mỗi tuần, cứ vào đêm thứ sáu, những bài hát trữ tình của anh lại vang vọng nơi đây… Và mỗi tuần trôi qua, lời ca trầm mặc của anh như bước vào tâm hồn những người nghệ sĩ . Họ đã hát nhạc anh bằng cả tâm hồn qua nhiều năm tháng, và khán giả mỗi khi muốn tìm chút tĩnh lặng tâm hồn, họ lại đến đây để cùng đắm chìm vào những giọng ca quen thuộc: Ánh Tuyết, Vân Khánh, Thùy Dương, Quỳnh Lan, Nguyên Thảo, Xuân Phú, Đức Tuấn, Khắc Dũng, Thụy Long…
Những đêm thứ sáu ở ATB, những đêm của những khúc hát tự tình, những tâm sự lặng lẽ trong từng lời ca da diết buồn… Đó dường như là Một cõi riêng của tâm hồn, và người nghe nhạc đến đây như được sống cùng với anh, cùng đắm chìm trong trong từng nét nhạc của anh, bền bỉ, thủy chung… Với nhạc Trịnh, ATB không chỉ tưởng niệm anh trong những ngày tháng tư trong năm, mà đó là thứ tình yêu vĩnh cửu. Những ca khúc quen thuộc của Trịnh, người nghe gần như đã thuộc, nên người hát và người nghe như có cùng chung một nỗi đồng cảm, như ngồi kề bên nhau, tâm sự với nhau bằng ca khúc của anh.
Ánh Tuyết từ lâu vẫn hát “Hãy khóc đi em”, lay động như nhỏ từng giọt nước mắt trên từng nốt nhạc…, nhưng với “ Vết lăng trầm” lại mang phong cách jazz dữ dội…; Xuân Phú nhẹ nhàng, thanh thoát như phút tự sự cùng “ Chiều một mình qua phố” ; Thùy Dương quyến rũ với “ Ướt mi”; Nguyên Thảo như bay lên cùng “ Rừng xưa đã khép”; Đức Tuấn với “ Phúc Âm buồn”… Thanh Long Bass mạnh mẽ, tình cảm cùng “Xin trả nợ người”… Và cuối cùng, họ nắm tay nhau từ biệt khán giả với lời chia tay nhẹ nhàng: “Những hẹn hò từ nay khép lại. Thân nhẹ nhàng như bay…”.
Lời chia tay của Trịnh cũng là lời chia tay của ATB cùng địa chỉ thân thiết (rạp Long Phụng) trong suốt 4 năm qua. Và dù họ đã hẹn gặp khán giả ở địa chỉ mới (197/4 Nguyễn Văn Trỗi, Q.Phú Nhuận), nhưng trong từng lời hát, vẫn thấy đọng trong mắt mỗi người nỗi buồn vương vấn…
Ánh Tuyết trong đêm nhạc “Như một lời chia tay”.