LH cũng là cơ hội để các làn điệu dân ca được phát lộ ở trạng thái nguyên gốc nhất. Chặng hạn, Ví đối của người Mường Hòa Bình hóa ra rất trữ tình khi được chính người Mường hát không nhanh như ca sĩ hát trên Đài.
Hai tiết mục Quan họ hát đôi không nhạc đệm theo lối cổ, trong khi một số tiết mục của các dân tộc khác vốn không có nhạc đệm thì lại “thử nghiệm” với dàn nhạc người Kinh.Để góp phần thu hút khán giả, số lượng tiết mục được “sân khấu hóa”, có dàn dựng diễn xuất lần này nhiều hơn hẳn. Bài hát của người Chăm Ninh Thuận về việc làm bánh Xa-líh cúng thần, thì trên sân khấu có ngay người nặn bột hơ trên que nhang cháy...
Tiết mục Giã từ cha mẹ để đi ở rể của anh Mohamed ở An Giang được dàn dựng khá cảm động làm cho người xem hiểu thêm về chế độ mẫu hệ của người Chăm.Một trong những tiết mục được dàn dựng cầu kỳ là Tỏ tình của người Bahnar ở Kon Tum. Chàng trai, cô gái tỏ tình thâu đêm suốt sáng. Các diễn viên minh họa trong vai dệt cửi, đan gùi... ngủ rồi lại dậy mà họ vẫn say sưa bên nhau.
“Diễn viên chính” mình trần đóng khố là anh A Long 30 tuổi, ở thôn Kon Tum K’Pâng, thị xã Kon Tum. Người dàn dựng tiết mục chính là mẹ Long- giáo viên tiểu học về hưu. Bốn mẹ con cùng lên sân khấu, các diễn viên khác đều người trong thôn cả.
Đêm chung kết LH Dân ca VN khá nhiều ấn tượng. Như khi một cụ già lẫm liệt râu bạc như cước bước ra với một dàn nam thiếu niên áo the khăn đóng trong tiết mục Hò cửa đình Phú Xuyên Hà Tây- về sau nhận giải A.
Tiết mục đồng dao của người Mạ Lâm Đồng Sức trai lay động núi rừng nhiều lần được vỗ tay ủng hộ, vì người xem đúng là cảm thấy sức trai lay động núi rừng thật qua giọng hát, vũ điệu cũng như bộ râu quai nón của 2 anh K’Brêm và K’Wen.
Cũng trong số 10 tiết mục đoạt giải A nhưng lại hết sức giản tiện là nói thơ Bạc Liêu Kể chuyện gái hư do anh Phan Minh Đức ở TPHCM biểu diễn. Chỉ bằng 2 khúc tre làm bộ gõ, lời ca và động tác dí dỏm của anh đã làm cả hội trường vui vẻ tán thưởng.
LH thu hút nhiều hơn hẳn số lượng các tiết mục có chất lượng do các nghệ nhân tuổi “teen” trình bày. Cùng một điệu hát của người Ê-đê, LH lần trước do 2 cụ già lụ khụ biểu diễn thì lần này là hai anh em ruột H’Loan Niê 13 tuổi- hát, và Y Gel Nie 16 tuổi- chơi goong, ở buôn B’lơt- Đaklak.
Giải A của Ninh Bình là hát Xẩm của Vũ Thị Sợi 14 tuổi. Đệm trống cho Sợi chính là anh Vũ Duy Năng- mấy năm trước vốn đi theo đệm cho bà Hà Thị Cầu. Hà Thị Hằng, người Thái ở Thanh Hóa, Cao Thị Hồng Nhi, người Kh’mer Tây Ninh, hay Bàn Minh Thịnh người Dao ở Hà Giang... đều có điểm chung là múa hát rất hay những làn điệu của dân tộc mình ở độ tuổi 17-18.
LH còn là dịp để các nghệ nhân, nghệ sĩ nhiều dân tộc được gặp gỡ, hiểu biết lẫn nhau. Anh Lừ Văn Thanh 41 tuổi, người Thái Đen hóa ra thổi khèn bè cho chị Mòng Thị Ơi- người Kh’Mú. Họ giao tiếp bằng... tiếng Lào. Hai người ở 2 huyện cách nhau 200km của tỉnh Sơn La. Tiết mục hợp tác dân tộc này đã được trao giải A.
Dân tộc Nguồn rất ít người hầu như chỉ tập trung ở đại diện cho Quảng Bình gửi tới các điệu Đúng, Ví, Ru con, Hò thuốc cá... Người trình bày là bà Đinh Thị Phương Đống- 58 tuổi và cậu ruột Trần Khánh Nguyên- 60 tuổi.
Tuy rất lo vì bọn trẻ không chịu học hát, bà Đống cũng hy vọng vào cô cháu gái 5 tuổi đã hát được đôi câu. Bà Đống cho biết, dân tộc Nguồn chiếm 70% dân số của huyện Ninh Hóa, còn lại là các dân tộc Mây, Sách, Khua, Rục... Rất có thể những dân tộc cực kỳ ít người này sẽ có dịp “lên tiếng” tại LH lần tới.
Sức trai lay động núi rừng – hát đồng dao người Mạ ở Lâm Đồng. Ảnh: NMH