Trong cuộc tọa đàm của Báo Phụ Nữ TP.HCM về vấn đề nhà văn Việt Nam có sống được bằng tác phẩm hay không thì hầu hết các nhà văn tên tuổi đều cho rằng họ chưa sống được bằng tác phẩm của mình. Trong khi đó, ở nước ngoài, có không ít nhà văn sống được và thậm chí làm giàu với nghề văn. Lý giải về sự khác biệt này có nhiều nguyên nhân.
Nhưng có một thực tế là hiện nay, với số tiền nhuận bút dao động trong khoảng 10-12% số lượng bản in (thường chỉ 1.000 đến 2.000 bản) nhân với giá bìa thì mỗi quyển sách tâm huyết của các nhà sáng tác chỉ đem về cho họ khoảng vài ba triệu đồng. Việc mua bản quyền sáng tác chỉ mới xuất hiện rất ít ở đôi ba công ty làm sách và cũng chỉ có các nhà văn tương đối có danh tiếng mới bán được bản quyền.
Trước thông tin có sự xuất hiện của sàn giao dịch bản quyền này, một số nhà văn tỏ ra hồ hởi nhưng cũng không ít nghi ngại. Một nhà văn trẻ xin giấu tên nói: "Ý tưởng thì quá hay nhưng vấn đề là thực hiện như thế nào? Chúng tôi cũng rất mong làm thế nào để công sức lao động của nhà văn được đánh giá cao hơn, để đời sống đỡ vất vả hơn".
Theo ông Lê Trần Trường An, Tổng giám đốc Công ty Vietbook thì: "Chúng tôi muốn mở thêm một kênh đầu ra cho các tác phẩm. Đây sẽ là nơi gặp gỡ của người mua và người bán trên tinh thần công khai, giúp đời sống văn hóa văn nghệ thêm một hoạt động phong phú hậu sáng tác. Hiện có khoảng 10 nhà sản xuất phim và các công ty phát hành đăng ký tham gia giao dịch".
Sàn giao dịch bản quyền lần này đã có thể làm an tâm những người tham gia bán với việc bán các tác phẩm hoàn chỉnh chứ không phải là ý tưởng. Hơn thế nữa, với việc xuất hiện các kịch bản phim như thông báo từ phía Vietbook cũng có thể là một tín hiệu vui cho tình trạng khan hiếm kịch bản phim truyền hình hiện nay. Trong điều kiện truyền hình xã hội hóa rất mạnh và các hãng phim đang "trăm hoa đua nở" thì sự thiếu thốn kịch bản phim đang là nỗi đau đầu của các nhà sản xuất. Nếu ban tổ chức sàn giao dịch bản quyền thực hiện tốt các mục tiêu đề ra thì đây sẽ là một hoạt động góp phần thúc đẩy chất lượng kịch bản phim truyền hình nâng cao.
Ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Hãng phim TFS cho biết: "Tôi rất quan tâm đến sàn giao dịch bản quyền này. Tôi nghĩ rằng đây sẽ là cơ hội tốt để hãng có thể tìm kiếm được các kịch bản phim truyền hình tốt trong tình trạng khan hiếm kịch bản hay như hiện nay. Chúng tôi sẽ có mặt tại phiên giao dịch đầu tiên với tư cách là người đặt hàng, cùng với Vietbook tìm kiếm những người chế tác cho một dự án phim truyền hình". Nhà báo Lê Minh Quốc nói: "Đây là việc làm có tính chất tiên phong trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, rất cần sự ủng hộ của dư luận xã hội. Từ sàn giao dịch này, các ý tưởng sáng tạo và sản phẩm văn hóa nghệ thuật sẽ được sự quan tâm nhiều hơn, đúng với các giá trị của nó".
Như vậy, bước đầu đã có khá nhiều sự ủng hộ sàn giao dịch bản quyền từ phía những người sáng tác. Vấn đề còn lại chính là ban tổ chức sẽ thực hiện như thế nào và duy trì ra sao. Nhưng dẫu sao, đây cũng là một tín hiệu vui. Nói theo nhà thơ Lê Minh Quốc thì: "Đứng ở góc độ người sáng tác, tôi nhận ra một điều với quy chế nhuận bút và thực trạng của quản lý xuất bản hiện nay thì sàn giao dịch sẽ mở ra một cơ hội tốt cho người viết. Nếu được đầu tư đúng mức thì họ sẽ yên tâm gắn bó công việc sáng tạo lâu dài của mình".
Sẽ có nhiều phim truyền hình gây chú ý như Hương phù sa từ sàn giao dịch bản quyền? - Ảnh: TFS