Sự góp mặt của hàng loạt tên tuổi mới trong các sân chơi thời trang tổ chức định kỳ gần đây như Tuần lễ thời trang xuân hè, Tuần lễ thời trang thu đông, Đẹp fashion show,... không chỉ tạo nên sự đa dạng, phong phú cho các cuộc trình diễn, mà còn mở ra một diện mạo mới cho ngành thiết kế thời trang VN. Dù còn rất trẻ nhưng hầu hết những gương mặt này đều được đánh giá cao về tiềm năng thiết kế thời trang Việt. Điều đó được thể hiện rõ nét qua cuộc thi tìm kiếm tài năng trẻ Vietnam collection grandprix được tổ chức hằng năm.
Lực lượng thiết kế dồi dào
Khác với thế hệ đàn anh, đàn chị: Minh Hạnh, Sĩ Hoàng, Minh Khoa, Kiều Việt Liên, Võ Việt Chung... ít ỏi, hiếm hoi; thế hệ thiết kế thời trang trẻ hiện nay phát triển rất nhanh về số lượng. Những cái tên như: Anh Vũ, Lê Lên, Quang Huy, Nguyễn Hữu Lợi, Quốc Bình, Châu Chấn Hưng, Nguyễn Ngọc Diệu, Nguyễn Hoàng Ngân, Quang Hòa, Tấn Phát, Lệ Hằng, Hà Linh Thư, Trọng Nguyên, Đức Hải, Thương Huyền, Việt Hà, Thu Loan, Lan Phương, Huyền Mi, Hồng Dung, Trương Thanh Long, Ngân Khai,... với tuổi đời lẫn tuổi nghề còn khá trẻ nhưng đã để lại không ít dấu ấn trên thị trường thời trang trong nước.
Nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh nhận xét: “Hầu hết các nhà thiết kế trẻ hiện nay rất nhanh nhạy và xử lý tốt những thông tin thời trang (xu hướng thời trang thế giới) mà họ cập nhật được. Từ đó, những bộ sưu tập của họ ra đời không chỉ thể hiện tính cách thiết kế của họ mà còn mang tính ứng dụng cao. Họ đã có thể kết hợp được cả yếu tố nghệ thuật lẫn tính ứng dụng vào những bộ sưu tập của mình. Điều đó rất đáng hoan nghênh”. Đặc biệt, khi quyết định đầu quân với các công ty dệt may để thực hiện những sản phẩm vừa có tính ứng dụng vừa thể hiện dấu ấn cá nhân, những cái tên này càng trở nên phổ biến hơn. Dẫu vậy, tất cả đều thừa nhận, việc đầu quân vào một công ty cũng là một quyết định khó khăn. Bởi dù sáng tạo hay bay bổng luôn là đặc tính gắn liền với nghề thiết kế thời trang nhưng khi đã đảm trách công việc thiết kế cho một công ty may mặc nào đó, đòi hỏi các nhà thiết kế phải biết dung hòa giữa tính sáng tạo của bản thân mình với nhu cầu ứng dụng mà công ty đặt ra. Tuy nhiên, “cái khó khăn nhất là việc tiếp cận với những công nghệ mới. Chúng tôi gần như phải học lại từ đầu, từ những khâu ứng dụng công nghệ đơn giản nhất” - nhà thiết kế Quang Huy cho biết. “Nhưng chính những khó khăn đó tạo cảm hứng cho chúng tôi sáng tạo nhiều hơn với những ý tưởng của mình. Chúng tôi buộc phải tìm tòi, rèn luyện tư duy sáng tạo của mình” - nhà thiết kế Hùng Việt khẳng định.
Nhà thiết kế Quốc Bình kể lại, trong một lần chuẩn bị cho bộ sưu tập mới tham gia tuần lễ thời trang, anh đã nhìn thấy sự thất bại khi toàn bộ số lụa với nhiều màu khác nhau anh vừa mua về bị lem màu (do lụa bị ngâm chung). Thế nhưng, anh quyết định thử sáng tạo một lần bằng cách sử dụng những tấm lụa lem màu ấy để thực hiện một bộ sưu tập hoàn toàn mới trên những ý tưởng ban đầu. Bất ngờ thay, bộ sưu tập “quyết không lãng phí” ấy được khán giả tán dương và được các nhà chuyên môn đánh giá cao.
Chưa tạo phong cách, lối đi riêng
Bên cạnh những ưu điểm đó, các nhà thiết kế trẻ cũng có những điểm yếu cần được khắc phục. Trong đó, khiếm khuyết lớn nhất của các nhà thiết kế trẻ bắt nguồn từ việc không được đào tạo bài bản. Phương thức học tập, nâng cao kiến thức chuyên ngành thời trang
phổ biến nhất hiện nay của các nhà thiết kế trẻ là thông qua truyền hình (các kênh thời trang quốc tế), sách vở và băng đĩa. Lợi thế từ cách thức học tập này là các nhà thiết kế có thể nắm bắt được xu hướng thời trang thế giới một cách nhanh chóng.
Theo nhà thiết kế Lê Lên: “Không có được một môi trường đào tạo bài bản khiến nhiều nhà thiết kế trẻ không thể xác định được phong cách, con đường đi riêng của mình. Tự học hỏi là chủ yếu nên việc nhiều nhà thiết kế lấy ý tưởng của bộ sưu tập này một ít, bộ sưu tập kia một ít để hình thành nên bộ sưu tập của mình là điều dễ hiểu". Đó cũng chính là lý do để giải thích vì sao nhà thiết kế thời trang trẻ ngày nay có một lực lượng khá hùng hậu với năng lực sáng tạo dồi dào nhưng số người đã định hình được phong cách riêng còn khá ít ỏi. Nhà thiết kế Quốc Bình cho biết: “Thỉnh thoảng, chúng tôi cũng được tham gia một vài khóa học ngắn hạn của các chuyên gia thời trang Pháp do Viện Mẫu thời trang VN tổ chức và nhận ra rằng mình thiếu đào tạo một cách cơ bản".
Nhà thiết kế Minh Hạnh thẳng thắn: “Với quy trình đào tạo nhà thiết kế thời trang như hiện nay (giáo trình giảng dạy chưa hoàn chỉnh, chưa chuyên sâu về lĩnh vực thời trang), các em học sinh ra trường sẽ không thể làm được nghề. Tuy nhiên, điểm khiếm khuyết lớn nhất của các nhà thiết kế trẻ là sự thiếu những trải nghiệm. Chưa trải nghiệm, chưa có những kinh nghiệm của thương trường (nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng), các nhà thiết kế chưa tiết chế được chính những sáng tạo của mình. Chính vì vậy, nhiều bộ sưu tập ra đời còn rườm rà, phức tạp, không phù hợp với ý thích của người tiêu dùng. “Nếu một nhà thiết kế có giỏi giang đến mấy mà sản phẩm của họ không được chấp nhận thì sự giỏi giang ấy cũng chẳng có ý nghĩa gì. Bởi mục tiêu cuối cùng của thiết kế thời trang là hướng đến người tiêu dùng”.
Ảnh : Mẫu thời trang của nhà thiết kế Anh Vũ