Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.865 tác phẩm
2.760 tác giả
567
123.272.692

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Thám sát khảo Cổ Học khu Khâm Thiên Giám thuộc kinh thành Huế: Thầy bói xem voi!
Không phải là Trung tâm BTDTCĐ Huế, hay một đơn vị có liên quan nào khác, mà là Cty du lịch Hương Giang vừa tổ chức buổi báo cáo kết quả điều tra thám sát khảo cổ học khu di tích Khâm Thiên Giám - thuộc hệ thống di tích kinh thành Huế (!).Nhiều nhà nghiên cứu gọi cuộc thám sát khảo cổ học này là "thầy bói xem voi" bởi kiểu làm mang tính... "minh hoạ".

Nhiều chuyện lạ

 

Trước khi có cuộc điều tra thám sát khảo cổ học ở di tích Khâm Thiên Giám, cuối tháng 8.2006, Báo Lao Động đã có loạt bài phản ánh việc UBND tỉnh TT-Huế đồng ý cho Cty du lịch Hương Giang hoán đổi 2 cơ sở để lấy khu đất có di tích Khâm Thiên Giám xây dựng nhà hàng, khu lưu trú.

 

Sau khi báo nêu, đầu tháng 9.2006, UBND tỉnh đã yêu cầu chủ đầu tư tạm thời đình chỉ thi công để xin ý kiến của Bộ VHTT. Tháng 12.2006, Cục Di sản văn hoá đã có văn bản đồng ý với đề nghị của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế về việc "thám sát khảo cổ học tại khu di tích Khâm Thiên Giám và Tham tri Bộ Lễ (khu Lục bộ) để "phục vụ nghiên cứu và làm cơ sở khoa học cho việc bảo vệ và phục hồi di tích sau này".

 

Tuy nhiên, tại bản "báo cáo sơ bộ kết quả điều tra thám sát khảo cổ học khu 85 Nguyễn Chí Diểu", tức Khâm Thiên Giám, như đã dẫn ở trên, không hiểu sao những người thực hiện lại ghi trong "lời nói đầu" là "thu thập thông tin khoa học và các giai đoạn văn hoá hiện đang nằm sâu trong lòng đất nhằm giải phóng mặt bằng bàn giao cho Cty du lịch Hương Giang sử dụng" (!?).

 

Bởi vậy không khó lý giải khi ngay sau buổi báo cáo kết quả thám sát khảo cổ học khu 85 Nguyễn Chí Diểu, ông Nguyễn Hữu Đông - Tổng GĐ Cty du lịch Hương Giang đã tự tin, trả lời với báo giới rằng: "Thời gian tới (chúng tôi) sẽ xúc tiến xây dựng ở đây một hệ thống nghỉ dưỡng, ẩm thực du lịch với kiến trúc phù hợp với cảnh quan kinh thành Huế".

 

Nên mở rộng phạm vi thám sát, khảo cổ

 

Việc điều tra thám sát khảo cổ học di tích Khâm Thiên Giám được chia làm hai giai đoạn (giai đoạn 1 từ 9.2 - 14.2, giai đoạn 2 từ 23.2 - 6.4). Tại đây, đoàn khảo cổ của Bảo tàng Lịch sử VN do ông Nguyễn Tuấn Lâm làm trưởng đoàn đã mở 3 hố khai quật trên diện tích cho phép là 987m2 trên tổng diện tích khu đất hơn 4.600m2.

 

Sau đó, đoàn khảo cổ đã nhận định: "Các vết tích kiến trúc xuất lộ trong lần khai quật này lẻ tẻ, không rõ ràng, nên không đủ cơ sở khoa học để trùng tu, tôn tạo hay phục hồi mà chỉ có giá trị nghiên cứu lịch sử. Do vậy, nên lập hồ sơ hoá, tư liệu hoá để phục vụ cho việc tham khảo nghiên cứu sau này".

 

Đồng thời, đoàn khảo cổ kiến nghị: "Đây là khu vực bảo vệ cấp 1 theo Luật Di sản văn hoá" và "đối với công trình kiến trúc cụ thể được phép xây dựng trên mặt bằng khu vực nên thiết kế phù hợp với cảnh quan môi trường của quần thể di tích Đại Nội như: Công trình xây dựng bố trí theo phía đông của khu đất, nhà ở chỉ nên làm 1 tầng móng không sâu quá 1m để tránh gây ảnh hưởng tới các vết tích phía dưới; phần tiếp giáp với phía tây khu đất nên thiết kế hệ thống sân vườn ngoài trời".

 

Theo nhiều nhà nghiên cứu văn hoá ở Huế, kết quả khảo cổ này vẫn chưa được rõ ràng, thậm chí như "thầy bói xem voi" bởi đoàn khảo cổ chỉ tiến hành điều tra thám sát gần 1/4 tổng diện tích khu đất.

 

Họ đề nghị các cơ quan hữu quan cần mở rộng phạm vi điều tra thám sát khảo cổ học trên toàn bộ diện tích khu Khâm Thiên Giám để làm xuất lộ rõ ràng hơn những vết tích, đưa vào hồ sơ phục vụ công tác nghiên cứu sau này. Bởi Khâm Thiên Giám triều Nguyễn là di tích khí tượng thiên văn duy nhất còn sót lại trong lịch sử Việt Nam và kiến trúc công trình này ít được miêu tả kỹ trong sách sử.

 

Thám sát khảo Cổ Học khu Khâm Thiên Giám thuộc kinh thành Huế

Hoàng Văn Minh - LĐO
Tin tức khác