Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.073
123.233.884

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Văn học tuổi mới lớn: Ngày càng trẻ hơn
Phần lớn tác giả của văn học tuổi mới lớn hiện nay đang ở tuổi sinh viên. Tác phẩm của họ, vì vậy, phản ánh nhịp sống của lớp trẻ. Không thể phủ nhận tầm quan trọng của văn học dành cho tuổi mới lớn với chính đối tượng này. Có ý kiến cho rằng dòng chảy này hẹp và thiếu tính đột phá. Nhưng đã qua rồi thời mà khi nhắc đến lứa độc giả này, người ta chỉ nghĩ đến những tạp chí thơ văn như Hoa Học Trò, Áo Trắng, Mực Tím... Lướt qua tủ sách dành cho tuổi mới lớn tại các nhà sách, người đọc dễ dàng nhận thấy văn học tuổi mới lớn đang nở rộ về số lượng cùng những tác giả còn rất trẻ.

Nở rộ những cây bút trẻ

 

Khi thành lập tủ sách Tuổi mới lớn, NXB Kim Đồng đã kêu gọi sự cộng tác từ những tác giả đã thành danh như Nguyễn Quang Sáng, Bùi Chí Vinh, Mường Mán, Đinh Tiến Luyện, Nguyễn Thái Hải, Từ Kế Tường, Nguyên Hương... Sự khởi đầu đã tạo dấu ấn đẹp trong lòng bạn đọc và dần dần tủ sách này đã thu hút nhiều cây bút trẻ tham gia.

 

Đến nay những cây bút trẻ đã chiếm 80% đầu sách trong tủ sách này, trong đó nhiều gương mặt đang ở tuổi sinh viên như Huỳnh Tài, sinh viên ĐH Ngoại thương, với Khi người ta lớn; Đoàn Phương Huyền, sinh viên ngữ văn – báo chí với Khoảng biếc; Đỗ Thanh Vân với Chuyện của chúng mình; Đinh Thùy Hương với Mùa hoa gạo đi qua; Võ Thu Hương với Bóng thuyền xa...

 

Tuy là những cây bút không chuyên nhưng một số tác giả trong số họ đã đoạt được một số giải thưởng. Nguyễn Thúy Loan, sinh năm 1976, từng đoạt giải tư cuộc thi truyện ngắn Sáng tác văn học vì trẻ thơ, giải 3 cuộc thi truyện ngắn của tạp chí Văn nghệ Quân đội; Nguyễn Thị Thanh Bình, sinh năm 1976, đã hai lần đoạt giải cuộc thi Văn học thiếu nhi vì tương lai đất nước, giải 4 cuộc thi Văn học tuổi 20 lần II; Phạm Thị Hồng Vân, sinh viên Khoa ngữ văn -báo chí ĐH KHXH&NV được giải khuyến khích cuộc thi viết Chân dung tuổi mới lớn của Báo Mực Tím; Ngô Thị Hạnh, cũng là sinh viên ngữ văn, đã từng đoạt giải thưởng cuộc thi Bút hồng.

 

Vừa qua, cuộc thi viết truyện ngắn cho thanh niên, học sinh, sinh viên do NXB Giáo Dục và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức cũng thu hút 1.800 tác giả tham gia dự thi, trong đó học sinh, sinh viên chiếm tỉ lệ trên 45%.

 

Nhịp sống thời đại

 

Cảm nhận chung về sáng tác của các cây bút tuổi mới lớn là hơi thở hồn nhiên, mang nhịp sống của thời đại. Không quá kỹ lưỡng, trau chuốt hay nặng về tính giáo dục như những nhà văn chuyên nghiệp, tác phẩm của họ là những lời tâm sự về con người, cuộc sống quanh mình với ngôn từ hết sức trẻ trung. Có thể qua đây bạn đọc trẻ dễ tìm thấy một sự đồng cảm, sẻ chia hơn bởi đó là những rung động từ chính những người bạn cùng trang lứa.

 

Tập hợp những tác phẩm này lại sẽ thấy một màu sắc chung với những tiết tấu tương đối gần nhau. Điều này là đương nhiên bởi vốn sống của họ còn rất hạn chế. Chủ yếu họ viết về cuộc sống quanh mình như gia đình, thầy cô, bạn bè, vì vậy những sáng tác mạng đậm tính tự truyện. Cũng không thể đòi hỏi phải mở rộng đề tài sáng tác nếu những đề tài này không thuộc về chính họ.

 

Viết vì đam mê

 

Một gương mặt còn rất trẻ trong số này là Minh Nhật (còn có bút danh Lê Minh), học sinh lớp 12 chuyên lý Trường Hà Nội - Amsterdam. Bắt đầu viết truyện ngắn từ năm học lớp 10, nay ngoài hai tựa sách được in là Bỗng một ngày đẹp trờiSự lựa chọn của bầu trời, Nhật còn có một tập bản thảo đang nằm đợi ở NXB Kim Đồng. Nhật có lối hành văn khá phóng khoáng, cách dẫn truyện hấp dẫn phù hợp với tuổi học trò.

 

Nhật cho biết, ngoài viết truyện ngắn, anh còn làm thơ và đang tập viết tiểu thuyết. Còn tiểu thuyết, Nhật mới viết được khoảng 500 trang, chỉ là sự làm quen. Nhật có ý định thi vào ngành quan hệ quốc tế nhưng sẽ viết văn cho đến khi không thể viết được nữa. Theo Nhật, học và làm việc ở những ngành nghề khác nhau cũng là cách mở rộng đề tài, cảm hứng sáng tác.

 

Các bạn trẻ viết văn trước hết vì niềm đam mê, vì sự thôi thúc muốn sẻ chia tâm sự chứ không ai dám chắc mình sẽ trở thành nhà văn, cũng như có thể theo đuổi nghiệp viết lâu dài.

 

Nhiều người trong số này sau khi ra trường làm những việc không liên quan gì đến văn chương nhưng khi có cảm hứng thì liền sáng tác. Một số khác làm báo như Phan Hồn Nhiên, Hoàng Anh Tú... Dòng văn học tuổi mới lớn vẫn tiếp tục lớn thêm và đội ngũ các cây bút học sinh, sinh viên sáng tác cho chính mình ngày càng đông. Tuy vậy, số tác giả trẻ này tập trung chủ yếu ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Để tủ sách này thêm phong phú, cần sự tham gia của đông đảo tác giả trên khắp mọi miền.

- Theo Người lao động
Tin tức khác