Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.865 tác phẩm
2.760 tác giả
582
123.273.564

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Bút Tre Đặng Văn Đăng - một công dân đặc sắc
Nhiều người Việt, dù ở bất cứ nơi nào trên thế giới tự dưng đều thuộc dăm ba câu thơ Bút Tre, thuộc mà không biết vì sao mình thuộc...

Những năm cuối cấp III, khi tôi tập tọng làm thơ viết văn, thì một người trong họ làm giáo viên cấp I đã chòe môi bảo: Thơ phú không khéo lại là thơ Bút Tre mất thôi. Tôi không hiểu thơ Bút Tre là thơ gì. Tôi gặng hỏi thì người họ hàng ấy cao đạo phẩy tay bỏ đi.

 

Ấm ức, nhưng tôi biết hỏi ai khi ở một nơi núi rừng vây quanh của khu khẩn hoang, cách huyện lỵ cả buổi cuốc bộ. Rồi sau tôi đi lính, trong giờ nghỉ giải lao tập xạ kích, viên thượng uý vốn tổng động viên từ trường Đại học Tổng hợp Văn vừa về quê cưới vợ, nằm đè trên đám cỏ tế ngửa mặt lên trời dưới tán cọ chẹp miệng ê a: Chị em du kích tài thay/ bắn máy bay Mỹ rơi ngay cửa mình. Hỡi anh đang tập bắn bia/ sao anh cứ ngắm về phía chúng em...

 

Những năm cuối thập kỷ bảy mươi của thế kỷ hai mươi cả nước rùng mình xanh xao thiếu đói, thì cảm khoái do trận cười  khi nghe những câu thơ ngộ nghĩnh, đối với đám lính tò te chúng tôi như một liều thuốc bổ cho sức khỏe.

 

Huy động hết can đảm, tôi mới dám hỏi viên sĩ quan rằng ai đã sáng tác những câu thơ đặc biệt ấy.

 

Thượng úy nhỏm dậy, nhìn tôi xa lạ rồi hất hàm.

Cậu quê đâu?

Dạ Phú Thọ.

Phú Thọ mà không biết Bút Tre thì nghĩa là làm sao.

Thưa thủ trưởng, Bút Tre là ai ạ.

 

Ngần ngừ chau mày hồi lâu, thủ trưởng đáp.

Tất nhiên là nhà thơ... là… là... là… rất không bình thường. Thơ của ông ta có lẽ là thiên tài mà cũng có thể là một thứ  vớ vẩn nào đó. Không, Bút Tre là thiên tài thật đấy, hiếm có ai lại biến mọi thứ nghiêm túc đạo mạo thành hài hước vui vẻ yêu đời đến thế mà vẫn không làm suy giảm ý nghĩa tuyên truyền giáo dục hiện thực của vấn đề...

 

Cậu còn trẻ, lại cùng quê với Bút Tre. Đánh đấm xong mà còn sống trở về thì chắc suất gặp Bút Tre đấy... Trong khía cạnh nào đấy, Bút Tre là một công dân đặc sắc không những của Đất Tổ mà là của cả nước...

 

Khoảng năm 1980 tôi tình cờ được gặp trực diện nhà thơ Bút Tre, trong một hội nghị của Hội VHNT Vĩnh Phú. Vì còn trẻ, lại là bộ đội giữa những cán bộ dân sự, tôi ngồi cuối hội trường. Bỗng bên tai tôi có tiếng xì xào: Ông Bút Tre, nhà thơ Bút Tre Đặng Văn Đăng hôm nay cũng đến kia kìa.

 

Nảy như bị điện giật, tôi nhớn nhác nhìn quanh, thì thấy ông già nước da vàng ủng, tầm thước, tinh anh, áo đại cán màu phù sa nhạt cổ sờn lốm đốm vết nhựa cây, nước chè cặn, quần ka-ki phẳng phiu sạch tinh gấu lơ-vê, dép rọ nâu, mũ cọ, bên hông lắc lẻo chiếc xà-cột của quân đội, thứ chuyên đựng tài liệu và bản đồ, ông già đó đang được nhạc sỹ Cao Khắc Thùy, nhà văn Văn Chinh mỗi người ôm giữ một cánh tay, kẹp ông vào đi giữa đang ở ngoài sân gạch.

 

Hai người cố ép Bút Tre ngồi lên phía hàng ghế đầu của hội trường, nhưng ông thì lại cố trằn ra, đứng khựng bên ngoài cửa sổ. Bút Tre mấp máy đôi môi, hình như chỉnh lại hàm răng giả, nói một câu tiếng Pháp rồi tự dịch, đượm hài hước:

 

- Đúng là ta có thời là kép chính, nhưng kép chính mãi cũng thành kép phụ, huống hồ ta bây giờ dẫu có mong làm kép phụ cũng không xong thì ép nhau lên trước phông nền sân khấu làm gì cho tanh dơ danh phận.

 

Ông tấp tểnh quay gót rất nhanh. Tôi tò mò đi theo ba người. Chiếc xe đạp dựng bên hàng rào gạch, vỏ yên nhựa đứt ngậm, vếch lên như mõm chó, không chắn bùn, chắn xích, lốp buộc khúc lồi khúc lõm như rắn cạp nong, poóc-ba-ga buộc một bó sắn tươi bọc lá cọ.

 

 

Chân dung Bút Tre của họa sĩ Trần Văn Cẩn

 

Bút Tre hào hứng chỉ vào bó sắn củ.

 

- Này đây sắn cao sản mới được các anh ở Sở Nông nghiệp cho trồng thử ở quê. Các cậu có thèm không, tớ cho tất luộc tất mà ăn. Bở tắc cổ họng...

 

Nhà văn Chinh đặt lên bó sắn;

 

- Sắn Bút Tre trồng có khác, củ nào củ nấy múp míp như lợn con. Thôi thì chúng con chỉ dám xin bố hai củ gọi là nếm thử. Để bố còn mang đi cung tiến chứ... Con cam đoan với bố, ông tỉnh nào hôm nay nhận bó sắn này của bố thì thế nào cũng phải ký nhoằng gia ân cho xã Đồng Lương một món hớ...

 

Nhà thơ Bút Tre cười khơ khơ.

 

- Chịu các thầy, chả là cái trạm xá xã mới bị tốc mái... các lão biết vậy thì tớ không cho các lão nữa. Hôm nay các lão có hội nghị, được ăn no, ăn tươi rồi...

 

Bút Tre chợt ngẩng lên, và thấy tôi. Ông lại gần, chìa bàn tay nhăn khô lem nhem mực, loại mực tím gia công từ thuốc nhuộm thời đó, một bàn mềm và ấm.

 

- Đồng chí bộ đội trẻ quá nhỉ... cậu có ăn sắn thì tôi cho. Tôi chỉ cho cậu thôi...

 

Nhạc sỹ Cao Khắc Thùy phấn khởi khoe với Bút Tre, theo giọng điệu Bút Tre.

 

- Báo cáo bác, cậu lính đây là mầm măng non văn học của tỉnh nhà, chúng em mới sưu tầm được để bồi dưỡng trong trại viết đợt này đấy ạ...

 

Bút Tre nheo nheo mắt nhìn tôi thân thiết. Sự hóm hỉnh bỗng rực lên trong mắt tinh anh của ông.

 

- Là mầm măng, nhưng thế hệ các cậu không thể là tre nứa bương diễn được. Phải là đinh lim sến táu, là sắt là gang là đồng mới ổn...

 

Nói rồi ông dậm nhảy lấy đà để ngồi lên chiếc yên xe nhựa rách. Chiếc xà cột, chiếc xe đạp và hình như cả những khớp xương của ông cùng một lúc rung lên sòng sọc...

 

Bẵng hơn năm, hoạ sỹ Nguyễn Đài được một tờ chuyên san ở Sài Gòn điện ra đặt ký hoạ chân dung Bút Tre Đặng Văn Đăng và nếu có loạt phóng sự ảnh thêm vào thì càng tốt. Báo miền Nam có khác, gửi kèm theo luôn cả tiền đặt cọc, tôi không nhớ chính xác là bao nhiêu, nhưng cỡ tiền triệu bây giờ. Họa sỹ Nguyễn Đài mò đến trại viết văn của quân khu II rủ tôi đi theo làm thằng hỉ đồng, dắt xe đạp, ôm cặp vẽ, đeo máy ảnh.

 

Từ Việt Trì băng qua phủ Lâm, vượt phà Gềnh sông Thao hai chúng tôi đến trước hàng rào dâm bụt và cây cúc tần luồn vào những đoạn tre gai làm bờ rào nơi cổng nhà thơ Bút Tre thì nắng cũng sắp đứng bóng. Làng Đồng Lương trưa hè xao xác những tiếng gà lẻ. Khóm chuối, hàng tre, lá cọ ỉu sìu.

 

Căn nhà ngói năm gian thì khép cửa hờ hai gian bên, ba gian giữa cửa để thông thống. Con chó mực nằm úp ruỗi bốn chân nơi góc hè, thấy động hé mắt nhìn chúng tôi giây lát rồi nhắm lại. Trên tấm phản gian bên, Bút Tre trong bộ pi-gia-ma kẻ, trước kia có lẽ sáng màu lắm, chân vắt cao lên gờ cửa sổ, lộ hai ống chân như hai ống tre khô lóp lép, chiếc quạt lá cọ uể oải lạch xạch... đầu kê lên chiếc gối gỗ nâu bóng.

 

Nguyễn Đài hắng giọng, Bút Tre lật người ngồi phắt dậy, lia chiếc quạt lá cọ vào góc nhà, dường như ông đã nằm đó chỉ để mà chờ đợi ai đó đến thăm mình.

 

- Ôi, các lão đấy à ? - Bút Tre ôm chầm Nguyễn Đài - Ôi ông họa sĩ Nguyễn Ra-đi-o, lại cả ông bộ đội nữa kia à? Cậu lính này tôi nhìn quen quen... Nắng chó le lưỡi mà các lão cũng lặn lội giỏi nhỉ? Cơm nước gì chưa... Các lão mò lên tận đây hẳn phải có việc cần. Hôm nay có mỗi tớ ở nhà thôi, cứ ở yên đây nhé...

 

Nhộn nhạo lẹp xẹp đôi dép nhựa gia công nâu sần trong nhà mấy lượt, một giây trầm lắng, Bút Tre cao hứng giơ hai tay lên hỉ hả.

 

Hoan hô văn nghệ chúng mình/ Sướng lên là bất thình lình việc công...

 

Hai chúng tôi ngồi giữa nhà kéo vạt áo lau mồ hôi. Thấy tôi ngó nghiêng hồi lâu căn nhà, Bút Tre đi ra ngoài sân còn ngoái lại:

 

- Nhờ có ông nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn, viết một bài bút ký từ những năm bảy bảy ôn nghèo kể khổ hộ tớ, nào là gia đình liệt sỹ, cán bộ lão thành nên tớ mới được các ông tỉnh cấp vật liệu cho xây cái nhà này đấy.

 

Năm gian nhà tuềnh toàng, tường xây vênh váo, mái ngói lượn sóng lọt cả khe trời, cửa sập sệ, mạng nhện chăng như trận đồ bát quái. Trông tựa mấy gian kho để phân đạm hay thuốc trừ sâu của HTX Nông nghiệp bất kỳ. Nếu không có căn bếp nối liền bên gian buồng, thì không thể nghĩ đây là nhà tư.

 

Ghế mộc kập kiễng, bàn viết chất cao lộn xộn bản thảo, sách, báo, tạp chí. Chiếc đèn dầu thông phong ám muội khói ma-rút. Chiếc kính lão dày cộp, gọng nhựa Đức nhờn nhờn cặn rỉ đen, buộc dây đồng một bên khớp gập. Mực lọ nút lá chuối, bút ngòi chấm, quản tre. Thứ chữ trên bản thảo, mới nhìn thì tưởng dễ đọc, nhưng nhìn kỹ thì chỉ có thể đọc được ký tự đầu tiên còn lại cứ như là mớ rau muống khô đóng hộp nơi trại lính mà Bút Tre vừa tẩm mực tãi ra trên giấy. Người ta còn nói, nhiều văn bản viết trong lúc cao hứng, Bút Tre còn không đọc nổi mình viết những gì, không ít lần ông đã phải cho gọi cô văn thư của Ty Văn hóa (vợ nhạc sỹ Cao Khắc Thùy - Chánh văn phòng Hội Nhạc sỹ VN bây giờ) lên phiên dịch lại chữ của chính mình.

 

Tôi đã cố đọc được bản danh sách những tác phẩm ông đã sáng tác sau khi về hưu, mà ông đã lên kế hoạch. Địa chí xã Đồng Lương. Nguyễn Trãi - người anh hùng dân tộc (bốn phần đầu đã gửi báo cáo Thủ tướng Phạm Văn Đồng).  Nguyễn Quang Bích. Nhật ký thơ (Đường luật).

 

Lẫn trong mớ bản thảo lá thư từ của bạn đọc và thư của nhiều văn nghệ sỹ nổi tiếng trong cả nước tâm giao với ông. Và, một điều quan trọng trên bàn làm việc tờ bìa ghi lại câu nói của Bác Hồ khi về thăm Đền Hùng, mà chính Bút Tre là người chấp bút: "Các Vua Hùng có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước."

 

Tôi xoay người nhìn giá sách, những từ điển bọc da gáy chữ mạ vàng, vô số các loại sách từ văn học, lịch sử, hồi ký, địa lý, kinh tế… dễ đến hàng ngàn cuốn, sắp xếp không theo một trình tự, chứng tỏ chúng luôn được chủ nhân sử dụng. Về kho sách quí giá này thì tôi được biết, những năm cuối đời khi mắt kém không thể đọc sách, và các con cháu không ai nối nghiệp, Bút Tre đã thuê hai chuyến xe bò vượt sông Thao tặng hết cho thư viện thị xã Phú Thọ.

 

Lát sau ông lão Bút Tre cầm đâu về ba quả trứng vịt.

 

Bữa trưa của chúng tôi được mang ra là cả một nồi súp thập cẩm, hạt bo bo, củ từ, loáng thoáng hạt gạo, khuỷu xương  lợn nguyên cả móng giò và xương ống, rau mồng tơi, rau ngót, rau đay. Và, thêm cả ba quả trứng vịt đập vào, Bút Tre luôn tay quấy đều đũa cả nồi xúp nóng bốc hơi ngùn ngụt, lăm dăm váng mỡ. Tôi nhìn đôi đũa cả tre cật già ám ảnh, chẳng biết đã dùng bao nhiêu năm, phía đầu ghế cơm đã mòn thắt cổ chày, Đồng Lương đâu có thiếu tre, kể cả tre để làm củi làm bờ rào, mà ông lại không chịu vót đôi đũa mới nhỉ.

 

Múc súp ra ba cái bát loa, cái nào cũng mẻ sứt đặt sẵn ba thìa nhôm mòn vẹt, hai bát đầy, một bát vơi, Bút Tre kéo lại lòng mình bát vơi, dùng lưỡi đẩy tới đẩy lui hàm răng giả hỉ hả:

- Các lão ăn thật lòng đi nhé. Có vậy thôi, tớ ăn nhẩn nha ăn từ sáng tới giờ.

Ông lão lại lăng xăng chạy vào bê ra bày trên bàn đĩa muối nướng và mấy quả ớt chỉ thiên vàng hung hung.

- Lão nào chưa đủ đặm đà thì cho thêm vào. Nếu mà mặn quá rồi thì đổ thêm nước phích nhé. Khẩn trương rồi nghỉ ngơi chu đáo ta mới làm việc.

 

Ông lão mút mút từng thìa súp khó nhọc.

Tự dưng tôi thấy buồn. Bữa ăn diễn ra trong sự ắng lặng. Tôi liền gợi lại những gì tôi được biết về ông với một sự thận trọng rón rén như đi trên thủy tinh vỡ, chọn lựa từng từ để khỏi làm ông mếch lòng.

- Hồi mới mười lăm tuổi cháu đã được nghe người ta nói nhiều đến bác...

Bút Tre sáng ngời liền vung tay chém chém:

- Thiên hạ sẽ còn phải nói lâu, nói nhiều đến Bút Tre... Thì sao ai cũng thích nghe/ Cứ nghe mà biết Bút Tre là cười/ Bao nhiêu bút sắt mòn rồi/ Bút Tre vẫn để cho đời nguồn vui...

 

Hoạ sỹ Nguyễn Đài tủm tỉm thêm vào: Cuộc đời dù có tối thui/ Đuốc tre thắp sáng rút lui kẻ thù....

 

Bút Tre buông phịch bát súp vỗ bàn cười ha ha.

- Các lão thấy chưa. Giá trị thơ Bút Tre là ở chỗ, khi đã nắm rõ cung cách thì ai cũng có thể tập được như tập Kiều.

 

Bát đũa dọn đi, ông lão cầm ca nước chè tươi ra đầu hè ý tứ rửa hàm răng giả, lúc trở vào uống nước, bỗng trầm ngâm.

 

- Thời điểm tớ làm Trưởng ty Văn hóa TT, nhiệm vụ của ngành lúc đó mục đích số một là phải tuyên truyền nhanh, kịp thời, sâu sắc đường lối chính sách của Đảng là xây dựng CNXH ở miền Bắc, cổ vũ cho đồng bào miền Nam đấu tranh giành độc lập thống nhất đất nước. Tớ chẳng có thời gian tuyên truyền kiểu hàn lâm. Dân chúng thì phải gây sốc thì họ mới nhớ được. Bởi chính sách của ta nhiều cái cứ na ná nhau rất khổ cho việc phổ biến...

 

Nguyễn Đài chỉ vào giá sách:

- Cụ đọc đông tây kim cổ chẳng thiếu sách nào.  Sao khi sáng tác, cụ lại viết mang nặng tính phong trào thế ạ...

Bút Tre gườm gườm hứ một cái.

- Nước mình nó thế, danh dự một người không quan trọng bằng danh dự của nhiều người. Văn chương bác học thì hẳn như cụ Nguyễn Du, Nguyễn Tuân... không thì bút tre hoặc bút nứa còn có ích hơn. Nửa nạc nửa mỡ khó lắm thay...

 

Sau này chuyển ngành về chính cơ quan Bút Tre phụ trách ngày xưa, tôi có dịp tiếp cận một số tác phẩm của ông khi được cùng nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn biên soạn cuốn "Giai thoại Bút Tre". Những thứ đó có thể gọi là thơ, là vè, là diễn ca, thơ văn xuôi cũng ổn, hình thức lúc thì lục bát, đường luật, thất ngôn, tự do chen cài lẫn lộn, nó không cần cấu tứ, bố cục. Nghĩa là dù nội dung hay hình thức đều phụ thuộc vào tâm trạng Bút Tre lúc đó thăng hoa tùy theo biên độ nào đó. Người đọc vừa bực vừa buồn cười. Mệt nhưng thích. Tò mò. Đã cầm đọc thì phải cố mà đọc hết. Những chỗ tức cười, ngang ngang thì lại có những chỗ nội dung quan trọng của vấn đề mà Bút Tre muốn hướng người đọc tới.

 

Làng Đồng Lương hầu như ai cũng thuộc vè biết đặt vè, nơi Bút Tre sinh ra thuộc vùng văn hóa cổ ở Phú Thọ. Làng Đồng Lương liền kề với làng Văn Lang, một Gabrovo của Đất Tổ và làng Thanh Uyên, cái nôi của hát Ghẹo có từ thời Hùng Vương, tạo nên một địa tam giác văn hóa đặc sắc.

 

Có lẽ thơ Bút Tre là hiện tượng văn nghệ quần chúng tuyên truyền trực tiếp phục vụ chính trị duy nhất đột biến trở thành trào lưu văn nghệ dân gian ngay khi tác giả đang còn sống.

 

Xin được trở lại trưa hè  Đồng Lương tháng 4 năm 1982.

 

Hoạ sỹ Nguyễn Đài loay hoay bố cục các tư thế để Bút Tre ngồi mẫu, nhưng ông lão ngồi chưa được nửa phút đã nhấp nhổm không yên, nào ho, nào chẹp miệng làm rơi hàm răng giả xuống đất, nào gãi cổ gãi đầu. Nguyễn Đài toát mồ hôi bặm môi đưa bút. Bút Tre đưa tay cào cào mái tóc dựng ngược.

 

- Cậu nên vẽ cái portrait như cả một khối củ tre tua tua rễ thì mới ra cái thần của tớ được.

 

Chẳng hiểu có phải do ông lão mách nước hay không mà hoạ sỹ Nguyễn Đài đã dùng bút sắt ký hoạ rất nhanh bức chân dung Bút Tre tóc dựng ngược như rễ tre, nét mặt vừa khắc khổ, vừa giễu cợt với chút ít ánh mắt le lói lạc quan. Nhìn bức chân dung mình còn tươi nét mực Bút Tre móm mém cái cười gật gật. Trong lúc ngồi cho Nguyễn Đài vẽ tiếp, ông bảo tôi:

- Cậu lính vào trong gian buồng sát cửa bếp có đặt thùng lương khô đựng mỳ sợi vụn, cậu mang hộ cái nắp đậy ra đây hộ mình.

 

Một gian buồng trống không, chả có gì đáng giá ngoài chiếc giường gỗ xoan và lá màn ám khói nâu xỉn buông rủ. Lia mắt một lượt, tôi đã thấy ngay cái thùng sắt tây vuông vuông có chữ Trung Quốc. Một khung vải úp ngược to hơn cuốn sổ cái chấm công điểm của HTX, chèn nửa hòn gạch chỉ thay cho cái nắp sắt đã không còn. Tôi thận trọng nhấc nửa viên gạch lên, tức thì mùi mỳ mốc hăng sực, một vài con gián bay vụt ra ngang mặt... thì ra đây là khung toan. Bụi đóng bám không còn nhìn rõ màu sắc hình hài trên đó.

 

Ngồi trên ghế Bút Tre nhoài đỡ tấm toan, thổi bụi phù phù, kéo vạt áo pi-gia-ma lau lau xoa xoa, cảm thấy chưa ổn ông liền với chiếc khăn rửa mặt còn ẩm phơi trên dây mây căng trước thềm miết cho đến khi lộ hẳn hình hài trên toan.

 

- Đây là bức portrait của hoạ sỹ Trần Văn Cẩn (?) vẽ cho tớ từ năm 1962  khi hoạ sỹ về thăm lại khu 10 - Thủ đô Văn nghệ kháng chiến.

 

Tôi và hoạ sỹ Nguyễn Đài ngẩn ngơ nhìn người đàn ông trong tranh. Lịch lãm, đôn hậu, vẻ tự tin phảng phất nỗi buồn u uẩn, giống như một giáo sư đại học bất đắc chí. Tôi tìm chữ ký tác giả trên bức tranh mà không thấy. Nguyễn Đài buột miệng.

- Hồi xưa bác đẹp trai thế này, đi kháng chiến có làm khổ em nào không...

Bút Tre bùi ngùi thở dài.

- Tớ theo kháng chiến thì đã lấy vợ rồi. Đâu dám tý máy tý mẻ gì nữa. Mà cũng có một đám hương sắc lắm... Tôn Nữ Minh Ng..  nữ sinh Đồng Khánh. Hai bên mến cảm nhau... nhưng chỉ trò chuyện qua thư từ mươi năm rồi người ta đi lấy chồng...

Nguyễn Đài tọc mạch hỏi tiếp:

- Thế còn cái vụ đàn piano cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì sao ạ ?

Bút Tre chép miệng:

- Thì cũng có gì đáng nói đâu, chẳng là hồi mới về làm trưởng ty tớ đã đề nghị tỉnh cho mua đàn piano cho Đoàn Văn công, nhưng tỉnh lại bảo đang cần sắn khô chứ không cần piano. Cuối năm đó Đại tướng về Phú Thọ công tác, tỉnh yêu cầu cho mang đàn piano đến để Đại tướng thư giãn. Chính ông quan tỉnh từ chối không cho mua đàn piano lại cho thư ký sang bảo tớ mang đàn đến nhà khách cho Đại tướng. Tớ đốp luôn thẳng thừng: Văn hóa chỉ có sắn thôi. Lấy đâu đàn piano...

 

Nói xong, ông bỗng ngồi bất động. Tại sao Bút Tre lại buồn thế nhỉ. Một người trải nghiệm nhiều lẽ trong đời, hiểu lắm ngóc ngách trên dưới đã dám mang thân phận tạo một cuộc chơi chữ nghĩa động trời bất chấp khen chê của người đời mà cũng phải buồn ư. Đến bây giờ thì tôi lờ mờ phỏng đoán, đêm hội đã tàn, khán giả đã về, phông màn đã gấp, ánh sáng màu đã tắt, vở diễn có thành công đến đâu, người nghệ sỹ lúc tẩy trang cởi bóc râu tóc giả làm sao mà tránh khỏi lạnh lòng khi nhìn lên trời chỉ có trăng sao suông...

 

Nguyễn Đài chụp Bút Tre hết cuốn phim đen trắng nữa thì ngả chiều. Mặc dù Bút Tre tha thiết níu giữ, hãy ngủ lại với ông một đêm cho ông đỡ "khát thèm" không khí văn nghệ, nhưng chúng tôi vẫn phải lên đường. Ông lão Bút Tre lóng ngóng buộc vào ghi-đông xe đạp của chúng tôi một nải chuối lá chín ương bắt mang về làm quà. Những ngón tay lấm mực, nhăn nheo điểm chấm da mồi cứ run rẩy lên một cách bất thường. Chỉ xuống cuối vườn chè, dưới lũy tre ngà, ông lão Bút Tre vỗ vỗ ngực bảo:

 

- Chỗ ấy là nơi chôn cái xác phàm này...

 

Cho đến bây giờ hình ảnh ông lão Bút Tre nhỏ gầy đứng nơi đầu ngõ vắng của miền thượng du heo hút có bao nhiêu là lá tre lá cọ lật ngược lên trời chiều ấy vẫn khiến tôi nao lòng. Ông đã mang lại bao nhiêu tiếng cười cho bao nhiêu lượt con người, nhưng cái buổi chiều ấy thì một mình ông đã không tìm nổi một cái cười cho mình.

 

Bút Tre tên thật là Đặng Văn Đăng. Sinh ngày 23/8/1911, tại xã Đồng Lương, Cẩm Khê, Phú Thọ. Trước năm 1945 dạy học ở Tuyên Quang, có truyện dài kỳ đăng trên trang Tiểu thuyết thứ 7 của tờ Đông Pháp, bút danh Lục Y Lang. Năm 1956, thư ký cho Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ung Văn Khiêm.

 

Năm 1962, Trưởng ty Văn hóa Phú Thọ. Năm 1968, phó ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Thọ. Năm 1970, nghỉ hưu.

 

Bút Tre Đặng Văn Đăng mất ngày 18/5/1987 trong cảnh thanh bần tại quê nhà. Ngoài những tác phẩm đã công bố ông còn để lại hơn nghìn trang bản thảo chưa kịp xuất bản.

 

Tháng 5 năm 2007.

Ảnh : Bút Tre và các cháu nội

N.T.T. K - TPO
Tin tức khác