Trước khi sang Pháp, Trong một buổi họp báo, đại diện của sứ quán Pháp đã nói : Dàn nhạc giao hưởng nhạc viện Hà nội (Orchestre Philhamonique de Hanoi, gọi tắt là HPO) sang Pháp biểu diễn, đó là một giấc mơ 10 năm, nay đã trở thành hiện thực. Sau 3 đêm diễn thành công vượt cả sự mong đợi. Tất cả thành viên của dàn nhạc gồm 56 người đều cảm thấy mình như đang sống trong một giấc mơ.
Quả là ngay cả một người giầu trí tưởng tưởng nhất ,cũng không thể ngờ rằng chúng ta đã chơi rất tyệt vời và khán giả nước Pháp cũng đã đón nhận nhạc giao hưởng Việt nam nồng nhiệt đến thế. Xin cảm ơn công chúng Pháp.
Quay trở lại thời gian 2 tháng trước khi đi, dưới sự rèn rũa công phu của nhạc trưởng Xavier Rist. Cho đến buổi báo cáo trước khi lên đường (3/5/07) thực sự là dàn nhạc đã có bước tiến lớn, nhưng vẫn chẳng thể làm mọi người yên tâm, tâm trạng của tất cả vẫn là lo lắng, nghĩ rằng đây là một chuyến thăm quan nước Pháp nhiều hơn là hy vọng sẽ được chào đón.
Vậy điều gì đã thay đổi? Chỉ trong 9 ngày trên đất Pháp, được phía Pháp bố trí ăn ở và luyện tập trong một tu viện Hoàng gia (đã được cải tạo thành Trung tâm văn hoá châu Âu. Ở thành phố ST Jean D’angely). Dàn nhạc đã lột xác hoàn toàn. Nhạc trưởng Xavier Rist đã thổi hồn cho dàn nhạc, và dàn nhạc chơi cũng rung lên những dòng âm thanh dạt dào cảm xúc, có thế nói, chưa bao giờ những nghệ sĩ giao hưởng của Viêt nam lại chơi nhạc hết mình đến thế, và âm nhạc cũng cuốn hút các nghệ sĩ đến thế . Tất cả như đang ở trên mây trên gió, những lo lắng, bon chen đời thường đã ở phía sau, ở dưới hạ giới, chứ không có ở đây.
Thứ bẩy 12/5/07 tại Ruelle sur Touvre. Bạn đã dành sẵn cho ta vinh dự khai trương một nhà hát của thành phố mới được sửa chữa nâng cấp xong. Tất cả 600 ghế ngồi mầu xanh và sân khấu đều mới toanh. Khán phòng chật kín. 20h, bản Ouverture ”Ngày hội ‘’ của Đặng Hữu Phúc là tiết mục mở đầu, đây cũng là vị trí danh dự mà nhạc trưởng Xavier Rist, người thiết kế chương trình dành cho tác giả Việt nam. Lần đầu tiên, một tác phẩm viết cho giao hưởng của của một nhạc sĩ Việt nam, do chính dàn nhạc của Việt nam đã vang lên trên đất Pháp, đất nước của văn hoá, của giao hưởng. Bản nhạc đã được nhạc trưởng Xavier Rist nhận xét ‘’Ngắn gọn và xuất sắc’’. Sau bản ‘’Ngày hội’’ là tác phẩm giao hưởng với người dẫn chuyện ‘’Pechia và chó sói’’ của Prokofiev. Nghệ sĩ kịch Serge Le Lay người Pháp đã chứng tỏ tài năng của mình bằng tài dẫn chuyện hấp dẫn, kịch tính. Đăc biệt bản nhạc này có rất nhiều đoạn solo khó. Các nghệ sỹ Lê Thư Hương (Flute). Phan Việt Cường (Oboi). Quốc Bảo (Clarinette) Thanh Hà ( Fagoto). Quốc Trung (cor)… đã đảm nhiệm xuất sắc vai trò của mình.
Sau giải lao, tác phẩm cuối cùng là bản giao hưởng 4 chương ‘’Thế giới mới’’ của Dvorak ( dài 43 phút ) đã được nhạc trưởng Xavier Rist và dàn nhạc chơi xuất thần. Âm nhạc đúng là không có biên giới. Từ trái tim nghệ sỹ đã đi thẳng vào trái tim người nghe mà không cần bất cứ ngôn ngữ nào. Nhìn dàn nhạc chơi như có gió bão trên sân khấu thật là xúc động. Bản nhạc kết thúc, tất cả khán phòng đã đứng dậy vổ tay hồi lâu, nhạc trưởng và cả dàn nhạc phải ra chào nhiều lần. Nhiều khán giả còn nán lại để xin chữ ký các nghệ sỹ. Kể cả sau khi dàn nhạc ăn tối xong, họ vẫn còn đứng đợi, đó là các khán giả đã đến từ thành phố Lyon cách xa hàng trăm cây số.
Đêm diễn thứ hai 13/5, tại thành phố Chatellerault , khán giả cũng chật cứng khán phòng gần 600 chỗ ngồi ,dàn nhạc chơi có phần thăng hoa và hoàn thiện hơn nữa. Trước buổi diễn, ngài chủ tịch vùng Poitou Charentes đã lên sân khấu phát biểu về kết quả của sự cộng tác giữa vùng và nhạc viện Hà nội. Buổi diễn kết thúc, điều bất ngờ đã xảy ra, đó là khán giả vổ tay theo nhịp hồi lâu, kéo dài cho tới lúc nhạc trưởng Xavier Rist phải quyết định chơi Bis lại mới thôi , đây là điều mà dàn nhạc không chuẩn bị trước.
Đêm diễn thứ ba, 14/5. Tại phòng hoà nhạc của nhạc viện Choisy le Roi (vùng Paris) cũng rất thành công như hai đêm trước. Đặc biệt là có khán giả là người Việt nam sinh sống ở Pháp chiếm đến 1 phần tư khán phòng (Trong đó có nhạc sỹ Tôn Thất Tiết, Trần Quang Hải…vv).
Có được thành công này, đầu tiên phải kể đến tài năng chỉ huy, thiết kế chương trình hợp lý, của nhạc trưởng Pháp Xavier Rist (người đã từng tốt nghiệp nhạc viện Quốc gia Paris với 7 giải nhất). Ông đã thổi hồn cho dàn nhạc, nâng đôi cánh cho dàn nhạc bay bổng. Trong gần 10 năm qua, ông là người thầy tận tuỵ của dàn nhạc giao hưởng nhạc viện Hà nội, kiên trì dẫn dắt dàn nhạc vươn lên. Chính ông đã mạnh dạn chọn tác phẩm ‘’Ngày hội’’ của nhạc sỹ Đặng Hữu Phúc để giới thiệu với khán giả Pháp một cách tự tin. Và 3 đêm diễn thành công của dàn nhạc đã minh chứng sự quyết đoán của ông là đúng đắn. (Ở ta, vị trí như vậy, trước kia phải là tác phẩm của các nhạc sỹ có chức có quyền)
Qua chuyến lưu diễn này. Ta có thể có thêm sự tự tin vào khả năng của người Việt nam. Người VN cũng có thể sáng tác được nhạc cho Giao hưởng chứ không chỉ sáng tác được ca khúc quần chúng. Các nghệ sỹ biểu diễn của ta cũng có thể chơi rất hay nhạc Giao hưởng, dòng nhạc đỉnh cao của trí tuệ loài người chứ không phải chỉ chơi được nhạc pop, nhạc bình dân, hay semi classique..vv
Nếu trở về Việt nam, dàn nhạc vẫn giữ được phong độ thế này, thì chắc chắn khán giả trong nước cũng sẽ không quay lưng với nhạc giao hưởng. Nhưng liệu điều có là không tưởng chăng ? Đó là điều trăn trở của tất cả chúng ta, những người mong muốn cho nền âm nhạc chuyên nghiệp của VN sẽ hoà nhập được với thế giới.
Ảnh : Dàn nhạc giao hưởng Hà Nội biểu diễn tại Pháp.