Nhắc đến Hữu Mai, người đọc trong và ngoài nước không chỉ nhớ đến ông với tư cách một nhà văn, tác giả của những tiểu thuyết nổi tiếng về chiến tranh: Cao điểm cuối cùng, Vùng trời (3 tập), Ông cố vấn (3 tập), Đất nước hay các kịch bản phim Ông cố vấn (24 tập), Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong... mà hơn nữa, còn ghi nhớ tên tuổi ông với tư cách là một chứng nhân, một thư ký trung thực của hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, một người mà, như sử gia nổi tiếng thế giới Bernard Fall đã đánh giá: “Một nhà trần thuật Việt Minh”.
Là người có điều kiện tiếp cận với các tài liệu quí và các “chứng nhân loại 1” của lịch sử như đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà tình báo chiến lược Vũ Ngọc Nhạ, nhà văn Hữu Mai đã góp phần đem đến cho người đọc đương thời và các thế hệ sau một chân dung đích thực của những người làm nên lịch sử: giản dị hơn, chân thực hơn, nhiều góc cạnh hơn, đời hơn và “người” hơn.
Bộ hồi ký lịch sử đại tướng Võ Nguyên Giáp mà ông là người chấp bút với các tác phẩm: Từ nhân dân mà ra, Những năm tháng không thể nào quên, Chiến đấu trong vòng vây, Những chặng đường lịch sử, Một vài hồi ức về Điện Biên Phủ... đã trở thành những pho tài liệu quí có giá trị không chỉ với các nhà nghiên cứu lịch sử và nghệ thuật quân sự VN, mà còn có giá trị với các nhà nghiên cứu lịch sử và quân sự thế giới, nhất là những người ở bên kia chiến tuyến.
Là người tài hoa, đam mê văn chương từ nhỏ, chọn tư thế “nhà trần thuật lịch sử”, nhà văn Hữu Mai đã phải hi sinh một phần cái tôi nghệ sĩ bay bổng của mình. Là người giữ kỷ lục về lượng bản in một tác phẩm (400.000 bản Ông cố vấn chỉ trong năm 1989) trong văn học VN, nhưng cả cuộc đời văn nghiệp của mình ông luôn tâm niệm về sự tiết chế trong ngòi bút, lấy sự giản dị và chân thật để giữ độc giả.
Xin vĩnh biệt ông - nhà văn trầm lặng của những sự thật lịch sử nổi sóng.
Ảnh : Nhà văn Hữu Mai