Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.865 tác phẩm
2.760 tác giả
452
123.274.633

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Vĩnh biệt Ngô Công Đức, một tên tuổi của làng báo Sài Gòn
Cách nay 2 tháng 9 ngày, từ Singapore trở về thọ tang mẹ, Ngô Công Đức đã không thể theo sau quan tài của người mà anh rất mực yêu thương trở lại nơi sinh thành ra mình ở Trà Vinh.

Tưởng anh có thể chiến đấu với số mệnh đến chí ít kịp làm tuần 100 ngày cho mẹ, nhưng không, lúc 3h30 sáng hôm qua 22.6.2007, anh đã về với mẹ, chấm dứt vĩnh viễn một cuộc đời sôi nổi, trong đó sôi nổi nhất là nghề báo mà anh từng dấn thân theo đuổi.

 

Báo Tin Sáng mà Ngô Công Đức làm chủ nhiệm kiêm chủ bút ra đời khá muộn màng, năm 1968. Nhưng vì sự chống đối không khoan nhượng của nó với chế độ Sài Gòn lúc bấy giờ nên nó bị trù dập, thậm chí bị mạng lưới an ninh mật vụ của Nguyễn Văn Thiệu liên tục khủng bố, và cũng chính vì vậy nó được đông đảo bạn đọc trong các phong trào yêu nước ở các thành thị miền Nam  ủng hộ nồng nhiệt.

 

Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu từng chụp mũ "Tin Sáng là tay sai của Cộng sản" và từng có ý định phải "nhổ cây gai" này. Đó là thời điểm nhà báo - nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn "bắn tin" cho Ngô Công Đức "chú mày phải chuồn ngay thôi, sớm muộn chúng nó cũng thịt chú mày đó". Thế là Ngô Công Đức được người anh rể và một số bạn hữu dàn cảnh tổ chức "vượt biên" ra nước ngoài.

 

Nhắc đến Tin Sáng trước 1975, không thể không nhắc đến một chuyên mục gây xôn xao dư luận, mục "Tin Vịt nghe qua rồi bỏ" với slogan "Thiên hạ đồn rằng...", do chính chủ nhiệm Ngô Công Đức "chế tác" vào một buổi chiều ngồi nhâm nhi ở nhà hàng Thanh Thế. Phụ trách mục này là Tư Trời Biển. Bút hiệu này đã được "cầu chứng" tại Tòa Sài Gòn. Những người thay nhau ký tên bằng bút danh này là linh mục Nguyễn Ngọc Lan, kiến trúc sư Nguyễn Hữu An, dân biểu Hồ Ngọc Nhuận, anh Nguyễn Ngọc Thạch, tôi - Cung Văn... và dĩ nhiên là cả Ngô Công Đức. Nhưng mỗi khi bị "Phủ Đầu rồng" (hình tượng chỉ Dinh Độc lập do chính Ngô Công Đức đặt để mỉa mai) làm khó dễ thì chính Ngô Công Đức phải đứng mũi chịu sào vì "bản quyền" bút hiệu đứng tên anh. Ngô Công Đức rất hãnh diện với bút hiệu này, nó nghe vừa ngang tàng vừa rất Nam Bộ.

 

Dưới chế độ cũ, Tin Sáng bị bầm dập chết đi sống lại mấy lần. Hễ sống lại là nó nhằm vào chế độ "gia nô" của Mỹ mà báng bổ.

 

Ngày 10.8.1975, độ 4 tháng sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tin Sáng mới lại tái ngộ bạn đọc Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh và cả nước, cho đến 6 năm sau, ngày 29.6.1981, Tin Sáng mới "hoàn thành nhiệm vụ".

 

Trong chỗ riêng tư, anh Ngô Công Đức và tôi có những gắn kết thú vị khó quên, chúng tôi từng tổ chức sinh nhật chung trong nhiều năm, vì có cùng ngày sinh vào cuối tháng 11. Cái sự chung trong chỗ này từ nay sẽ mãi mãi không còn nữa rồi !

 

Ngô Công Đức ! Tôi viết mấy dòng vĩnh biệt này khi quan tài Ngô Công Đức chưa đóng lại, khi kỳ nữ Kim Cương đá vào người tôi bảo "ở đây không có chỗ cho thuốc lá", khi Hồ Ngọc Nhuận -  người bạn gần gũi thân thiết mà anh một mực kính trọng, đang bàng hoàng trước một mất mát quá lớn lao, và anh Sáu Hồ Ngọc Cứ vừa mếu  vừa tức tưởi: "Tao lớn hơn nó 12 tuổi, khi nó còn tỉnh tao vẫn bảo nó nếu chết để tao chết thay mày. Nó cười".

 

Vĩnh biệt anh ! Ai rồi chẳng về với đất.

Cung Văn - TNO
Tin tức khác