Phần lớn tác phẩm vẫn nằm trong “bóng tối”
Nhà phê bình lại Nguyên Ân là người châm ngòi cho những tranh luận sôi nổi bằng ý kiến cho rằng, hoạt động phê bình gắn với việc điểm sách báo, nhưng số sách được điểm quá ít, nếu không nói phần đông nằm trong “bóng tối”. Ông cũng đặt vấn đề: Nên thấy có vấn đề gì đây trong hoạt động lý luận phê bình trên báo chí. Nhiều cuốn chẳng có giá trị bao nhiêu, ví dụ Lê Vân - yêu và sống, được báo chí nhắc đến rất nhiều. Nhưng nhiều cuốn có giá trị thực sự thì không được nhắc đến. Giải đáp một phần cho những câu hỏi của nhà phê bình Lại Nguyên Ân, nhà phê bình Văn Giá cho rằng, giải quyết được “bóng tối” là công việc nằm ngoài sức lực của nhà phê bình.
Tại Đức, chỉ có khoảng 3% số sách xuất bản được giới thiệu, Việt Nam cũng vậy, con số ấy có khi còn ít hơn. Còn theo nhà phê bình Nguyễn Hòa, “bóng tối” ấy thực sự là một câu chuyện rất tế nhị. Nếu không có sự công tâm trong nghề, rất nhiều cuốn sách hay sẽ bị khuất lấp. Thực tế cho thấy có rất nhiều lời nói dối trong những bài điểm sách để marketing cho tác giả chứ không phải vì người đọc. Và theo ông, không thể tránh khỏi những thói thường của công việc mưu sinh. Nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan cũng đồng cảm với ý kiến của Nguyễn Hòa. Theo nhà phê bình này, không phải chỉ ở ta mà ở nước ngoài cũng vậy, rất nhiều công trình nghiên cứu lớn không được nhắc đến. Nguyễn Chí Hoan khẳng định: Đó là bất công, mà bất công thì luôn tồn lại.
Không phải là diễn giả của chương trình, nhưng trước những bức xúc của nhà phê bình Lại Nguyên Ân, đạo diễn kiêm nhà phê bình thơ Đỗ Minh Tuấn cũng “có ý kiến với anh Ân”. Đạo diễn này khẳng định, thực ra ở đây hoàn toàn không có “bóng tối” theo nghĩa cấm đoán. Nguyên nhân dẫn đến những “bóng tối” chính là võ “lờ”, coi như không biết, ngại chạm vào những vấn đề gai góc của các nhà phê bình. Rất nhiều nhà phê bình hiện nay đang đứng “bên trên” nên không thể nhìn thấy những tác phẩm hay, lấp lánh để giới thiệu với bạn đọc, xuyên thủng “bóng tối”.
Phát hiện tài năng: không phải công việc của nhà phê bình!
Một trong những chức năng quan trọng của các nhà phê bình là phát hiện cái mới, phát hiện những tài năng trẻ. Nhưng với thực tế là các nhà phê bình chỉ thích nhắc tới những cuốn bán chạy thay vì những cuốn có giá trị như hiện nay, chức năng phát hiện ấy thật sự mờ nhạt. Nhà phê bình Văn Giá cho rằng ở Anh, có 2 loại nhà phê bình, một chuyên nghiệp (chuyên điểm sách cho những tờ báo lớn) và một tài tử là những nhà văn, nhà báo đi viết phê bình.
Và theo ông Giá, Việt Nam mới chỉ có những nhà phê bình tài tử, không sống toàn tâm toàn ý cho công việc phê bình. Chính vì thế, các nhà phê bình này chỉ có thể phát hiện một số cuốn chứ không thể bao quát toàn bộ các tác phẩm. Phát hiện tài năng là câu chuyện không hề đơn giản và khó có thể tìm được những Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài như nhà văn Nguyên Ngọc đã từng tìm ra. Trước câu hỏi vai trò của các nhà phê bình ở đâu, nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan lại đổ trách nhiệm tìm nhân tài cho các NXB. Theo nhà phê bình này, nếu không đáp ứng được các tiêu chí của các NXB, bản thảo của các nhà văn sẽ không bao giờ ra mắt bạn đọc.
Phê bình trên báo chí mới phát triển bước đầu, chưa đủ sức chịu đựng những con dao mổ lớn. Trong khi đó, hoàn toàn không đồng ý với quan điểm trên, nhà giáo kiêm nhà phê bình Phạm Xuân Thạch cho rằng, nhà phê bình hoàn toàn có thể đưa tác phẩm ra đời sống bằng những con đường khác nhau. Họ hoàn toàn có thể phát hiện ra tài năng, lăng xê và chỉ ra những giá trị làm nên tác phẩm đó, tác giả đó.
Ảnh : Buổi hội thảo phê bình văn học