Giá vé hạng nhất lên tới 2 triệu đồng/cặp khi mà ca nhạc giá rẻ, ca nhạc miễn phí đang lạm phát, nhạc Trịnh thậm chí cũng đang lạm phát từ tụ điểm tới phòng trà, từ ngôi sao tới ca sĩ chạy sô đám cưới. Khán phòng hơn 2.000 ghế không còn chỗ trống, kết thúc đêm diễn với liên tục 19 ca khúc, anh nhân viên nhà hát chạy tìm đạo diễn để “trách”: “Chương trình ngắn quá, khán giả kêu muốn coi nữa kìa!”.
Không có trong tay kỹ xảo tân kỳ sân khấu (muốn có được phải mất bộn tiền), đạo diễn Phạm Hoàng Nam vẫn khiến khán giả bất ngờ, thích thú và cảm động trước những “kỹ xảo kịch bản” thông minh (đầu tư bằng chất xám). Đích thân anh vào phòng thu chỉ đạo phần dựng, đưa nhóm Năm Dòng Kẻ “hát cùng” Trịnh Công Sơn bản tình ca rất lạ mà nhạc sĩ họ Trịnh viết về mối tình với á hậu Vân Anh. Dẫu cho ý tưởng có được gợi ý từ hai cha con Nat King Cole, nhưng Còn hai con mắt như được viết để nhạc sĩ hát cùng bốn người bạn trẻ (Năm Dòng Kẻ) của ông vậy.
Hai phiên bản Hạ trắng - một bay bổng cùng giọng hát Quang Dũng với bản phối mới trẻ trung, mạnh mẽ pha trộn jazz và blues, một trở về vẻ đẹp xưa qua giọng hát Lệ Thu - ca sĩ đầu tiên được nhạc sĩ họ Trịnh “nhờ” Gọi nắng… cũng là một “bất ngờ thú vị có chuẩn bị”. Giọng hát Lệ Thu giờ đây không còn vẻ đẹp ngày xưa nữa, nhưng sự xuất hiện của chị trong kết-nối-ba-người-đẹp-trong-tranh (Hồng Nhung - Diễm xưa, Mỹ Linh - Biển nhớ, Lệ Thu - Như cánh vạc bay) cùng Quang Dũng với Hạ trắng đã khiến ngày trở về của chị thành công trọn vẹn.
Và thử nghiệm táo bạo trong kịch bản nhưng thành công nhất của chương trình là Thủy Tiên, cô ca sĩ “ẩn mình” đã bước ra ánh sáng. Chiếc áo dài trắng mộc mạc, giọng hát mộc mạc, bài hát như viết cho chính cô và được cô hát cho chính mình: Xin cho tôi nguyên vẹn hình hài, cho tôi nghe lời hát cỏ cây… (Xin cho tôi). Ngay sau đêm diễn, một khán giả nữ lớn tuổi cố nán lại gặp nhà tổ chức chương trình để khen: “Cô xúc động lắm, nhất là bài hát của Thủy Tiên. Cảm ơn các cháu đã tìm được cô ấy…”.
Không phải lóa mắt về những chiêu, những trò sân khấu, khán giả được nghe những ca sĩ hát với đúng nghĩa của hai từ này, mà hai giọng hát mới (với nhạc Trịnh) Đức Tuấn và Nguyên Thảo có cơ hội để “phát sáng”. Đặc biệt là Nguyên Thảo - người được giao thể hiện và đã thể hiện xuất sắc hai ca khúc rất khó và cũng là chủ đề của đêm nhạc (Có một dòng sông đã qua đời và Rơi lệ ru người). Thảo hát mộc một cách kỹ thuật và quan trọng là có cảm xúc thật.
Nhưng cũng phải nói thêm: thực hiện một chương trình theo dạng live concert (nhấn phần nghe), hướng tới phong cách “mộc” như chính đạo diễn Phạm Hoàng Nam thổ lộ, chương trình còn phải cắt nhiều chi tiết rườm rà không cần thiết. Thảo Dung dù múa đẹp cũng trở thành dư thừa khi âm nhạc của phần gian tấu đủ sức lấp đầy sân khấu. Lá (giả) rơi đầy sân khấu thành “sến” khi lá đang rơi ấn tượng hơn nhiều trên khung tranh.
Giọng đọc của nhà thơ Đỗ Trung Quân rất ấm nhưng có cần thiết phải cụ thể hóa những ca từ vốn không bao giờ cụ thể của nhạc sĩ họ Trịnh hay không? Và cái chất của một live concert bao giờ cũng nằm chính ở âm nhạc và giọng hát nên không phải ai cũng dễ dàng thành công trong một chương trình như thế. Chạy sô tới tấp để rồi khỏa lấp bằng phô diễn kỹ thuật sẽ “phô” ở những nơi này mà đạo diễn, có đến mấy Phạm Hoàng Nam, có lẽ cũng phải... bó tay!
Hồng Nhung - Quang Dũng với ca khúc Bống bồng ơi - Ảnh: T.T.D.
(*) chương trình thứ ba trong loạt Tình khúc Trịnh Công Sơn của đạo diễn Phạm Hoàng Nam và Công ty Phương Nam.