Không phải đợi đến cuộc bút chiến “Vị nghệ thuật hay Vị Nhân sinh” giữa hai ông Hải Triều và Phan Khôi ở giữa thế kỷ trước, người ta mới hiểu thế nào là Nghệ thuật vị nhân sinh. Mà ngay từ khi gót giày xâm lược của giặc Pháp dày xéo quê hương, tiếng thơ của cụ Đồ Chiểu đã như một bài hịch chống ngoại xâm. Và ta hiểu cái đạo trĩu nặng ắp đầy trong trái tim cụ đồ chính là đạo ái quốc, thương dân. Và cụ đã sống, đã viết như một chiến sĩ, ngòi bút của cụ vung lên sáng lòe ánh thép: Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc, linh hồn theo giúp cơ binh, muôn kiếp nguyện được trả thù kia…
Ngay cả lúc vua tôi nhà Nguyễn đầu hàng dâng đất, cái đạo vua tôi mà cụ từng học theo sách Thánh hiền đã hoàn toàn lu mờ trước đạo yêu nước, thương dân. Cụ dứt khoát rõ ràng: Chớ thấy chín trùng hòa nghị mà tấm lòng địch khái nỡ phôi pha. Đừng rằng ba tỉnh giao hòa mà cái việc cừu thù đành bỏ dở. Thành Gia Định thất thủ, triều đình ra lệnh bãi binh, một số sĩ phu, hương chức ra đầu Tây, cụ Đồ đã viết như những dòng huyết lệ: Giậm vó chẳng màng ăn cỏ Tống. Quày đầu lại hí nhớ tàu Lương. Ngựa nghĩa còn cưu nhà nước cũ. Làm người bao nỡ phụ quê hương… Và bắt đầu từ đây, cụ đã khẳng định con đường của mình là đi cùng nghĩa quân chống giặc: Hễ làm người chớ ở hai lòng, đã vì nước phải theo một phía…
Bài học trăm năm từ nhà thơ yêu nước Nguyễn đình Chiểu đối với những người cầm bút chúng ta vẫn còn sáng mãi. Ngòi bút nhà văn cũng như nhà báo đều phải trĩu nặng cái đạo làm người, cái đạo vì dân vì nước, cái đạo phục vụ nhân sinh … Nói thì nghe có vẻ to tát, nhưng thực ra nó chính là chữ Tâm của mỗi người. Thời loạn, chữ Tâm của cụ Đồ là Thà thác mà đặng câu địch khái về theo tổ phụ cũng vinh; còn hơn chịu chữ đầu tây, ở với man di rất khổ. Nên ngòi bút của cụ thương ghét rất rõ ràng, dù thực sự lúc ấy chính – tà đang lẫn lộn, không phải ai cũng nhận ra con đường chính nghĩa để đi theo: Hơi tà giăng bủa khắp nơi.
Nay còn hơi chính ở đời bao nhiêu. Nhưng trong vòng tà khí đen tối ấy, chính khí vẫn biểu hiện ở tấm lòng trung kiên với đất nước. Và từ cái chính khí yêu nước thương dân, ngòi bút của cụ đã vung lên quyết liệt: Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà. Ngày nay, hai câu thơ nghĩa khí ngất trời của cụ: Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm. Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà vẫn là chân lý bất di bất dịch cho người cầm bút. Đó là chữ Đạo gắn liền với chữ Tâm, là sự phân biệt chính tà rõ ràng, yêu ghét rõ ràng để chọn cho mình một con đường duy nhất xuất phát từ lòng yêu nước.
Phải, chỉ có lòng yêu nước và lòng tự hào dân tộc mới dẫn dắt chúng ta phân biệt được đâu là chính, đâu là tà. Thời loạn Hơi tà đã giăng bủa khắp nơi thì thời bình cái hỏa mù giữa sai và đúng càng khó lòng phân biệt. Bởi lòng yêu nước không dành cho riêng ai, chỉ có điều làm sao chúng ta có thể nhận chân được đằng sau những từ ngữ to tát, những nhân danh này nọ ấy chứa đựng cái gì? Bởi vì ở thế kỷ 21, còn nhiều lắm, rất nhiều những Tôn Thọ Tường, kẻ mà ngay từ đầu cụ Đồ đã nhận chân rõ ràng, không khoan nhượng: Sáng chi dua nịnh theo đời. Nay vinh mai nhục mang lời thị phi. Sáng chi nhân nghĩa bỏ đi. Thảo ngay chẳng biết lỗi nghì thiên luân… Và một lần nữa cụ đã tỏa sáng cái đạo trong ngòi bút của mình: Sự đời thà khuất đôi tròng thịt. Lòng đạo xin tròn một tấm gương.