Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.865 tác phẩm
2.760 tác giả
308
123.275.476

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Vĩnh biệt nữ sĩ Mộng Tuyết
Nữ sĩ Mộng Tuyết, người còn lại của “Hà Tiên tứ tuyệt” (gồm Đông Hồ, Mộng Tuyết, Lư Khê, Trúc Hà) đã ra đi vào 8g05 sáng 1-7-2007 tại Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang sau một thời gian lâm bệnh nặng.

Di hài của bà được đưa về Hà Tiên quàn tại Nhà lưu niệm Đông Hồ. Đây cũng là nền cũ của Trí Đức học xá do thi sĩ Đông Hồ sáng lập năm 1926 mà nữ sĩ Mộng Tuyết chính là người học trò xuất sắc hơn cả.

 

Nữ sĩ Mộng Tuyết tên thật là Thái Thị Sửu - còn có các bút danh Hà Tiên Cô, Thất Tiểu Muội, Nàng Út, Bách Thảo Sương - sinh ngày 9-1-1914 ở làng Mỹ Đức, Hà Tiên, nay là tỉnh Kiên Giang.

 

Ngoài nhiều truyện ngắn, thơ, kịch, tùy bút đăng trên các báo, bà còn dịch thơ và viết khảo cứu văn học. Sau tập thơ Phấn hương rừng (1939, được tặng giải “Khen tặng” của Tự Lực văn đoàn), Đường vào Hà Tiên (tùy bút, 1960), Nàng Ái Cơ trong chậu úp (tiểu thuyết lịch sử, 1961), Truyện cổ Đông Tây (1969), Dưới mái trăng non (thơ, 1969)…, năm 1998, Mộng Tuyết xuất bản cuốn hồi ký Núi mộng gương hồ (ba tập, NXB Trẻ) ghi lại cuộc đời, sự nghiệp, những hoạt động văn học, văn hóa của bà và chồng là thi sĩ Đông Hồ, cùng nhiều văn nghệ sĩ thân thiết khác.

 

Viết nhiều thể loại, nhưng Mộng Tuyết được biết chủ yếu như một nhà thơ. Thơ của bà, như Hoài Thanh từng nhận xét, “có một vẻ yêu kiều riêng” với rất nhiều cung bậc, lúc bàng bạc sương kính như trong Dương liễu tân thanh, khi hồn nhiên nhí nhảnh với Làm cô gái Huế, Em xấu hổ, Em trả thù…

 

Và đặc biệt, khác với ông thầy Đông Hồ, cô học trò Mộng Tuyết lại rất “thời sự”. Có thể tìm thấy trong thơ Mộng Tuyết những sự kiện đau thương mà anh dũng của dân tộc như trong Mười khúc đoạn trường, Dưới cờ (1945), Chiếc lá thị thành (1947). Chất thời sự đó chính là tấm lòng của Mộng Tuyết đối với đất nước, là những rung động của một trái tim nhạy cảm trước lòng quật cường và những đau thương của dân tộc.

 

Cùng với chồng là thi sĩ Đông Hồ, bà là một trong những nhà thơ mới tiêu biểu của miền Nam, là báu vật không chỉ của Hà Tiên, Kiên Giang mà còn của cả Nam bộ.

 

Ảnh : Nữ sĩ Mộng Tuyết

VÕ VĂN NHƠN - TTO
Tin tức khác