Quê ông cũng là vùng đất của Dinh trấn Quảng Nam, thủ phủ của xứ Đàng Trong, của chữ Quốc ngữ trước đây. Ông viết văn từ năm 16 tuổi với nhiều truyện ngắn đăng trên các báo Tiểu thuyết thứ Bảy, Thế giới, Bạn dân, Văn Lang ở Hà Nội trước năm 1954 và từng được giải thưởng.
Trong tổng tập văn học Việt Nam giai đoạn 1930-1945, ông là một trong số ít những nhà văn được tuyển chọn với hai truyện ngắn tiêu biểu, với giọng văn chân phương, nhưng đầy ắp những chi tiết tinh tế về sự bất hạnh của phận người. Hai tập truyện Bão rừng và Khi những lưu dân trở lại của ông trong thập kỷ 60 thế kỷ trước đã gây được tiếng vang trong đời sống văn học miền Nam.
Ngoài sáng tác, ông còn có những tác phẩm nghiên cứu lịch sử, văn học xuất sắc như Phong trào Duy Tân, Chinh phụ ngâm diễn âm tân khúc, Ngô đình Diệm - ông là ai (bản thảo đã thất lạc)… Bên cạnh lao động nghề văn, Nguyễn Văn Xuân còn là một nhà giáo tâm huyết, nhiều năm dạy học tại nhiều trường trung học, ĐH Văn Khoa Huế và ĐH cộng đồng Đà Nẵng; ông còn hoạt động không mệt mỏi trong lĩnh vực nghiên cứu nghệ thuật Tuồng, bảo vệ văn hóa dân tộc dưới chế độ cũ ở miền Nam…
Sau năm 1975, ông tiếp tục tham gia nghiên cứu lịch sử địa phương với nhiều bài nghiên cứu đa dạng, cộng tác với hầu hết các báo, tạp chí trong Nam ngoài Bắc; ngoài ra ông vẫn tiếp tục sáng tác nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết lịch sử mà tiêu biểu là Kỳ nữ họ Tống, được trao giải A về văn học năm 2003 của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.
Nhìn vào khối lượng tác phẩm đồ sộ của nhà văn, ít ai nghĩ là ông đã phải vượt qua một cuộc sống gia đình không mấy xuôi thuyền mát mái. Người vợ và các con ông luôn bị bệnh, khiến ông phải cáng đáng mọi việc nhà - từ miếng cơm manh áo đến những chuyện không tên khác - bằng chính những đồng nhuận bút ít ỏi và sức lao động của mình. Những năm 70 tuổi, lần duy nhất trong đời ông bộc bạch: “Riêng phần mình, ở tuổi này còn phải đi trên chiếc xe đạp cọc cạch để chạy gạo cho cả nhà kể cũng dễ sụn xương sống lắm! Nhưng cũng phải cố viết thêm vài cuốn sách nữa…”. Còn có ai hỏi về trước tác của mình, ông bảo: “Cứ viết đi đã, còn nhiều việc lắm, đang đi mà nhìn lại thì sẽ chẳng đi tới đâu cả!”.
Thế nhưng khi nhắc đến Phong trào Duy Tân, dường như ông quên hết tuổi tác và mọi nhọc nhằn. Đôi mắt dưới vầng trán rộng của ông bỗng như ẩn chứa nhiều tâm sự: “Có lẽ vì mình còn nặng nợ với thời cuộc, với nỗi đau đời của người dân nhược tiểu về kinh tế, văn hóa lẫn giáo dục. Những bài học duy tân trong lịch sử luôn là tiền đề cho đất nước tiến vào khoa học kỹ thuật, biết được đâu là căn bệnh trầm kha khiến dân ta bị tụt hậu và đâu là những ưu điểm để phát huy…”. Có lẽ, bài nghiên cứu tâm đắc Tỉnh quốc hồn ca của ông về nhà cách mạng Phan Châu Trinh được nhiều báo in lại đã khiến ông vui là vì tâm sự ấy!
hững năm cuối đời, khi đã bị bệnh tai biến mạch máu não đánh gục rồi hồi phục dần, nhưng ông vẫn không viết được mà chỉ đọc những suy nghĩ của mình cho chú Quang, người con trai út chép và gởi cho các báo, ông vẫn nhắn các tòa soạn gởi báo biếu để ông theo dõi thời sự. Hàng ngày, trên chiếc xe lăn, một “thầy Xuân”, một “già Xuân” với bộ râu trắng như Papa Hemingway vẫn được các con và những bạn văn đàn em ở Đà Nẵng đẩy đi quanh phố.
Một tháng trước ngày mất, nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng chở ông bằng ô tô qua hầm Hải Vân, ông thích quá bèn bắt anh Hạng phải quay lại để ông ngắm nhìn thêm lần nữa. Trước đó, khi nhà dân tộc học Nguyễn Tùng từ Pháp về ăn Tết đã đến thăm ông, ông nói với anh Tùng rất nhiều tâm sự về văn hóa Quảng Nam, về dinh trấn Thanh Chiêm và xứ Đàng Trong, những điều ông chưa viết hết. Hình như trong tâm khảm của ông, vùng đất quê hương này là một phần máu thịt luôn rộn chảy trong huyết quản của ông vậy!
“Thầy Xuân” ơi, điều còn lại sau cùng khi tôi đứng bên quan tài thầy chính là suy nghĩ này: Trong con người nhà văn Nguyễn Văn Xuân dường như không bao giờ có sự tị hiềm hay giận dỗi. Ông bao giờ cũng tìm thấy ở người khác - ở con người nói chung - cái vẻ đẹp của tạo hóa, của nhân tính. Điều đó, ông không nói ra, nhưng hễ ai gần ông chắc chắn đều thấy mồn một! Từ đây, trong văn giới xứ Quảng đã vắng mãi một tấm lòng, một tài năng, một phẩm giá không có gì thay thế được!
Xin thầy hãy yên nghỉ.
Nhà văn Nguyễn Văn Xuân - Ảnh: T.L