Trong thế giới văn nghệ thường có những “bí ẩn” mà nhiều năm sau vẫn thực - hư không tường. Như ai mới thật là người yêu của Hàn Mặc Tử? “T.T.Kh.” thật ra là ai?...
Những năm gần đây, nhân vật “Em” trong Trăng hoàng cung - tiểu thuyết tình 13 chương của Phùng Quán là một cô gái Huế nào đó có thật hay chỉ là “nàng thơ” tưởng tượng của thi sĩ?
Cô gái Huế ấy là ai mà đến nỗi Phùng Quán sau “Một đời lao lực /Một đời cay cực...” (chương 7), khi đã ngoài 50 tuổi, vẫn bị “tiếng sét” ái tình thu mất hồn vía, ngày đêm bám theo nàng đến nỗi khi nàng tức giận không muốn cho anh ngồi lâu thì tôi xin đứng/Cùng với cây chổi em dựng ở xó nhà.../Đứng trong xó nhà cũng không được đứng/ Thì tôi xin ra đứng trước hiên…; vẫn không được thì xin ra ngoài ngõ, rồi ra đầu đường; không được nữa thì “... xin chết/Nhưng tôi không nói lời vĩnh biệt/Vì tôi tin tôi sẽ hồi sinh…” (chương 13).
Ngay từ câu kết chương 2, tác giả cũng đã thốt lên: Cảm tạ em/Tôi đã hồi sinh...
Một số độc giả có thể đã đọc Trăng hoàng cung trong tập Thơ Phùng Quán (NXB Hội Nhà Văn, 1995) hoặc trong tập Nhớ Phùng Quán (NXB Trẻ, 2003). Lần này, tiểu thuyết tình hiện ra như mới, lộng lẫy và sâu thẳm hơn, không chỉ nhờ có thêm những minh họa đẹp của họa sĩ Đinh Cường và những bức ảnh của Phạm Bá Thịnh, mà chính nhờ từng trang sách còn được chiếu rọi, óng ánh qua hồi ức “Phùng Quán viết Trăng hoàng cung” của nhà văn Hà Khánh Linh (tác giả của Thúy và nhiều tiểu thuyết khác).
Mấy năm trước, khi thấy rất nhiều văn hữu viết về Phùng Quán (sau tập hợp thành cuốn Nhớ Phùng Quán), Hà Khánh Linh, với nụ cười khá điệu đàng và cặp mắt lim dim (Nắng cố đô nàng cười dim mắt/Ôi nụ cười nghiêng thành cổ hoàng cung - chương 6), bảo: “Linh chưa viết nhưng rồi sẽ có lúc...”.
Cho đến hôm nay, với tình thương yêu và quí trọng nhà văn - chiến sĩ - đồng hương vừa được tặng Giải thưởng Nhà nước, bằng những trang hồi ức chân thật, xúc động, chi tiết đến từng ngày, từng giờ những lần gặp Phùng Quán trong thời gian ông viết Trăng hoàng cung ở Huế, Hà Khánh Linh không chỉ đã giải mã bí ẩn “cô gái Huế trong Trăng hoàng cung là ai” mà còn giúp chúng ta có thêm một chân dung “cận cảnh” của Phùng Quán.
Cuộc gặp gỡ thân thiết giữa bộ ba Phùng Quán - Vũ Bội Trâm - Hà Khánh Linh về sau làm cho tác phẩm quả là một chuyện tình lãng mạn và thật đẹp.
Trong tình yêu, Phùng Quán cũng “quyết liệt” như từng tuyên ngôn về sứ mệnh Đi trọn đời trên con đường chân thật của nhà văn. Đặc biệt, dù Trăng hoàng cung có thể gọi là một chuyện... “ngoại tình”, thi sĩ vẫn tỏ ra là người chung thủy trong tình yêu cũng như trong con đường sáng tạo của mình.