Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.865 tác phẩm
2.760 tác giả
315
123.275.516

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Hai cuộc Bàn tròn, Cà phê văn học tại Tp.HCM :Có mở đầu còn lâu kết thúc
19 giờ thứ sáu (6-7) và 8 giờ thứ bảy (7-7) đã diễn ra hai cuộc “hội thảo” về văn học do Hội đồng Anh và Chi nhánh Hội Nhà văn VN tổ chức tại TPHCM. Hội đồng Anh với “Cà phê văn học tháng 7 mang chủ đề: Phê bình văn học trên báo chí - Lý tính và cảm tính?”.

Chi nhánh Hội Nhà văn VN với Bàn tròn về loại hình blog văn chương tiếng Việt. Nhưng cả hai đều mang đến cho người dự khán cảm giác có mở đầu nhưng không biết bao giờ rút ra được kết luận gì, nói chung là hụt hẫng...

Phê bình – Lý tính hay cảm tình?

Cuốn hút khá đông người tham gia lắng nghe trong khán phòng của quán cà phê Zenta (41 Mạc Đĩnh Chi, Q.1) nhưng dường như đông người vẫn không lấp đầy “không khí loãng” của các diễn giả.

Mở đầu, MC Lê Hoàng giới thiệu ba diễn giả, với Nguyễn Thanh Sơn là người Lê Hoàng quen biết, Ngô Thị Kim Cúc thì có đọc trên báo, còn Inrasara khiến ông MC này bất ngờ vì ngỡ đó là con gái và thú thật chưa đọc tác phẩm nào cả. Sau đó là màn điểm sách, Nguyễn Thanh Sơn ca ngợi tác phẩm Vương quốc ảo của Quách Kính Minh bên Tàu; Ngô Thị Kim Cúc hết lời khen tiểu thuyết Giữa vòng quay trần gian của Nguyễn Danh Lam và Inrasara phê bình theo kiểu “lập biên bản” tập truyện ngắn Khu vườn lưu lạc vừa xuất bản của Nguyễn Vĩnh Nguyên. Tiếp đó, đến phần tọa đàm (theo kịch bản dài khoảng 1 giờ 30 phút), tất nhiên cả khán phòng đều “tọa”, chỉ riêng đạo diễn Lê Hoàng phải thường xuyên đứng lên để “hâm nóng” mọi người. Tuy nhiên, MC vẫn không thể hướng diễn giả và cử tọa vào đúng chủ đề.

Buổi tọa đàm “suýt” chạm vào chủ đề với vài ý như: Phê bình trên báo không thể viết dài vì khổ báo có hạn; nhuận bút một bài đọc sách thấp không bõ công nghiền ngẫm; viết điểm sách phần nhiều do PR hay quen biết, cảm tình... Một khán giả gây chú ý nhiều là nhạc sĩ Dương Thụ, ông phát biểu khi gần hết giờ: “Ban chủ tọa đã lạc đề. Phải nói thêm, phê bình văn học trên các tờ báo chuyên ngành đã mất hết uy tín, còn trên báo “phổ thông” thì hoặc là thương mại hoặc là “đánh đập” tác phẩm văn học...”. Rất tiếc còn nhiều ý kiến từ hàng ghế công chúng yêu văn học chưa kịp “giơ tay” thì đã... tạm chia tay lúc 21 giờ 30.

Blog văn chương tiếng Việt-các cụ nói

Hơn 40 nhà văn kiêm blogger đã tề tựu tại Hội Nhà văn TPHCM để nói chuyện viết văn trên blog.

Khởi xướng, chủ trì kiêm MC lần này là hai nhà văn Trần Quốc Toàn và Hoàng Đình Quang. Nhưng cách đặt và dẫn vấn đề của hai nhà văn này khiến người nghe cứ nghĩ “hai ông này” đang “quảng bá” cho thế giới blog. Còn riêng các nhà văn trẻ rất sành điệu về công nghệ thông tin đứng ngoài cửa thấp thỏm lắng nghe thì: “Biết rồi, khổ lắm các cụ ơi”. Nhưng trước nhiệt tình “chơi” blog của các nhà văn “sồn sồn”, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã bị thuyết phục: “Tôi có lập một bolg nhưng để đó ít viết vì thiếu thời gian, sau buổi hôm nay tôi sẽ cố gắng viết lại thật đều”.

Ấy vậy, các câu hỏi chờ giải đáp trong bàn tròn vẫn chưa được trả lời thích đáng. Vì sao nhà văn chọn blog mà không chọn trang web? Ông Nguyễn Hòa SCL, Giám đốc Công ty Tin học ITI (Vũng Tàu), ngắn gọn: “Blog miễn phí còn web phải có tiền”. Nhà văn viết gì trên blog? Bó tay, không ai biết đang viết gì trừ blog của chính họ và của bè bạn. Blog kết nối nhà văn ra sao? Câu hỏi này chỉ cần nhìn vào các blogger bạn bè của nhà văn Hoàng Đình Quang thì rõ, các blogger “xinh đẹp” đã “offline văn nghệ” với ông tham dự khá nhiều. Hiện có bao nhiêu blog văn chương tiếng Việt đang tồn tại, làm sao quản lý? Ông Nguyễn Hòa SCL cho biết có thể làm được: “Quản lý Internet thì phải dùng chính nó chứ không thể dùng công cụ nào khác. Với blog, chỉ cần viết một chương trình để xâu chuỗi tất cả những trang chủ blog về một mối thì người quản lý sẽ nắm được nội dung blogger kiêm văn sĩ viết gì trong này”.

Cà phê văn học do Hội đồng Anh tổ chức. Từ trái qua: Nguyễn Thanh Sơn, Ngô Thị Kim Cúc, Inrasara, Lê Hoàng (MC). Ảnh: L.Đ

THANH KIỀU - NLD.COM.VN
Tin tức khác