Trong khi những đoạn phóng sự ngắn về Ký sự Amazon vẫn còn đang phát sóng trên màn ảnh nhỏ thì hãng phim truyền hình TPHCM-TFS-đã chuẩn bị xuất quân đến hai đảo quốc xa xôi New Caledonia và Vanuatu để thực hiện loạt phim Ký sự Tân Đảo. Có thể nói, chưa bao giờ thể loại phim tài liệu ký sự lại “được mùa” như hiện nay.
Một cách làm phim tài liệu mới
Ở các nước khác trên thế giới, dòng phim tài liệu khám phá (discovery) đã có từ lâu. Tuy nhiên ở VN, vì điều kiện kinh phí làm phim eo hẹp nên dạng phim thực hiện theo kiểu du lịch khám phá này chưa phổ biến. Năm 2000, TFS lên đường đến Trung Quốc làm bộ phim Trung Hoa du ký, đây được xem là phim tài liệu đầu tiên ghi hình ở nước ngoài. Chuyến hành trình 21 ngày theo kiểu du lịch và chỉ sử dụng máy quay bán chuyên dùng nhưng đã cho ra lò đến 24 tập phim và được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Thành công ngoài dự đoán của bộ phim đã tiếp thêm niềm tin cho các nhà làm phim mạnh dạn dấn bước vào thể loại phim khá mới mẻ này. Bốn năm sau, những tập phim đầu tiên của Mê Kông ký sự bắt đầu lên sóng đã tạo nên cơn sốt thực sự trong dư luận khán giả. Kinh phí 300.000 USD, thời gian ghi hình 5 năm và độ dài 70 tập đã giúp Mê Kông ký sự đi vào sách kỷ lục Guinness VN (bộ phim tài liệu hoành tráng nhất) và trở thành “đỉnh cao” của thể loại phim từ trước đến nay vốn bị xem là “khô khan, cứng nhắc” này.
Tiếp nối thành công của Mê Kông ký sự, Ký sự hỏa xa-hành trình xuyên lục địa đã mang đến cho người xem những hiểu biết về nền văn hóa, cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp của 15 quốc gia từ Á sang Âu, nơi có hệ thống giao thông xe lửa đi qua. Kinh phí chuyến đi ngốn khoảng 180.000 USD. Và mới đây là Ký sự Amazon (đang phát sóng trên HTV7 lúc 21 giờ từ thứ hai đến thứ năm) với không gian trải rộng qua 5 quốc gia
Brazil, Venezuela, Colombia, Peru và Bolivia, những đoạn phim phóng sự ngắn mà đoàn phim gửi về đã giới thiệu cho khán giả cái nhìn khái quát về con sông lớn thứ hai trên thế giới-sông Amazon. Ngoài ra, khán giả còn được biết thêm về cuộc sống của cộng đồng người Việt ở các nước Nam Mỹ. Ông Huỳnh Văn Nam, Giám đốc Đài Truyền hình TPHCM, khẳng định: “Ký sự Amazon là một bước cải tiến, nâng cao của Mê Kông ký sự và Ký sự hỏa xa-hành trình xuyên lục địa”. Tiếng vang của loạt phim ký sự của TFS còn lan rộng đến độ ý tưởng làm phim Ký sự Tân Đảo lại xuất phát từ lời mời của chính phủ hai nước New Caledonia và Vanuatu. Bắt đầu từ ngày 27-7 tới, những đoạn phóng sự ngắn của phim sẽ lên sóng, hứa hẹn mang đến cho người xem những thước phim sinh động về đất nước có “chỉ số hạnh phúc cao nhất thế giới (Vanuatu) và “Paris hoa lệ” ở Nam Thái Bình Dương (New Caledonia) cũng như cuộc sống người Việt ở hai nước này. Sau Ký sự Tân Đảo, tháng 11, đoàn phim Ký sự sông Hằng lên đường (đi qua 3 nước: Ấn Độ, Bangladesh và Nepal). Kế hoạch năm 2008 sẽ là Nga, vùng Los Angeles-Mỹ và sông Nil, Ai Cập.
Khám phá thế giới bằng cái nhìn VN
Trong thời buổi công nghệ bùng nổ như hiện nay, khi mà truyền hình cáp và máy vi tính đã phổ biến đến hầu hết người dân thì chỉ cần một cú nhấp chuột, người xem chẳng khó khăn gì để có thể tìm hiểu, khám phá các vùng đất trên thế giới, hơn nữa với người VN, đất nước Trung Quốc láng giềng hay dòng sông Mê Kông kỳ vĩ đâu có gì xa lạ. Kênh Discovery cũng không thiếu những thước phim tài liệu nước ngoài về dòng sông Amazon bí ẩn. Thế nhưng vì sao Trung Hoa du ký, Mê Kông ký sự hay Ký sự Amazon vẫn lôi cuốn khán giả VN? Ông Nguyễn Việt Hùng - Giám đốc TFS- lý giải: “Thành công của các bộ phim này chủ yếu vì nó phản ánh mọi sự việc dưới góc nhìn của người VN, chính vì vậy khán giả trong nước xem phim thấy gần gũi”. Do đó, Mê Kông ký sự lên sóng không được vào giờ vàng như loạt Ký sự hỏa xa-hành trình xuyên lục địa, Ký sự Amazon, nhưng vẫn thu hút đông đảo người xem.
Ngoài thế mạnh phản ánh sự vật gần gũi với cái nhìn của người VN, một lý do nữa khiến dạng phim tài liệu khám phá này được người xem hồ hởi đón nhận là sự kỹ lưỡng trong việc lên đề cương kịch bản và sự chỉn chu, chăm chút cho từng khuôn hình, lời bình. Không còn những số liệu lạnh lùng, những hình ảnh minh họa cứng nhắc và lời văn “khô như ngói”- đặc trưng lâu nay của phim tài liệu VN, thay vào đó là hình ảnh sống động, lối hành văn mềm mại, giàu chất văn học và nhất là luôn theo cảm xúc của người viết lẫn người đọc lời bình.
Ngoài ra, tính phiêu lưu, mạo hiểm lẫn những tình tiết bất ngờ xảy ra trong quá trình đoàn phim ghi hình cũng là yếu tố tạo nên sự hấp dẫn của dạng phim khám phá này. Chẳng hạn, trong tập 23, một thành viên của đoàn phim Mê Kông ký sự bị chó Ngao Tây Tạng cắn đến ngất xỉu và một thành viên khác dìu người này đi cấp cứu, sau đó cũng bất tỉnh vì không khí loãng khi đoàn đang tác nghiệp trên một độ cao vài ngàn thước, ở Trung Quốc.
Phim tài liệu VN đã hái ra tiền
Mức độ ăn khách của phim Mê Kông ký sự còn thể hiện ở lượng tiêu thụ trên thị trường băng đĩa hiện nay, đã lên đến con số 80.000 đĩa DVD (14 đĩa/bộ, 30.000 đồng/đĩa) trong khi thông thường phim tài liệu bán chạy nhất cũng chỉ đạt 3.000 đĩa. Cũng theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ Truyền hình, bộ phim Trung Hoa du ký đã bán ra 30.000 đĩa VCD (8 đĩa/bộ, giá 25.000 đồng/đĩa) và Ký sự hỏa xa: 7.800 đĩa DVD (5 đĩa/bộ). Mê Kông ký sự còn bị giới băng đĩa lậu trong nước và ở Mỹ “luộc”. |
Đoàn phim Mê Kông ký sự ghi hình trên một chi lưu sông Mê Kông. Ảnh: CTV