Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.054
123.234.594

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Quốc hội thảo luận dự án Luật Xuất bản (sửa đổi): Cấp phép xuất bản, nên phân cấp!
Sáng 30-10, Quốc hội dành thời gian thảo luận về dự án Luật Xuất bản (sửa đổi). Thảo luận chi tiết các điều khoản, đại biểu Phạm Phương Thảo (TPHCM) cho rằng Điều 34 quy định việc in gia công xuất bản phẩm cho nước ngoài cần phải xin giấy phép Bộ VHTT thì hơi cứng nhắc. Có trường hợp chờ giấy phép quá lâu sẽ làm mất cơ hội cho các cơ sở in, vì vậy, theo bà Phạm Phương Thảo là nên phân cấp cấp giấy phép. Chúng ta không thả nổi nhưng cũng không nên quá phức tạp.

Điều 20 dự thảo quy định “Nhà xuất bản được liên kết với tác giả, chủ sở hữu tác phẩm, cá nhân có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh in hoặc phát hành xuất bản phẩm và tổ chức có tư cách pháp nhân để tổ chức bản thảo, in và phát hành từng xuất bản phẩm”.

 

 

Đây là quan điểm mới được ban soạn thảo tiếp thu sau khi nghiên cứu nhiều luồng ý kiến khác nhau, thực tế hiện nay và xu hướng phát triển. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, theo quy định của luật hiện hành, tư nhân được phép liên kết trong lĩnh vực in và phát hành xuất bản phẩm. Tuy nhiên, trên thực tế tư nhân đã tham gia trực tiếp vào cả ba khâu là tổ chức bản thảo, in và phát hành xuất bản phẩm và tỷ lệ nhà xuất bản liên kết với tư nhân là khá cao.

Một số tư nhân không chỉ có khả năng huy động vốn mà còn có đội ngũ biên tập có trình độ, được trang bị phương tiện kỹ thuật hiện đại và đã xây dựng được nhiều tác phẩm có giá trị. Ngoài ra, Điều 20 còn quy định tổ chức, cá nhân liên kết với nhà xuất bản phải đứng tên trên xuất bản phẩm và liên đới chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với xuất bản phẩm liên kết. Vì vậy, dự thảo điều này được đa số đại biểu đồng tình.

* Tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội, dự thảo Luật Cạnh tranh đã được các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến để ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh sửa và trình dự án luật để Quốc hội chuẩn bị thông qua vào kỳ họp thứ 6 này. Trong buổi thảo luận chiều qua 30-10, dự thảo luật lại ghi nhận thêm nhiều ý kiến khác.

Bộ Thương mại thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cạnh tranh có phải là “vừa đá bóng vừa thổi còi”? Ý kiến của một số đại biểu cho rằng Bộ Thương mại là bộ chủ quản của nhiều doanh nghiệp nhà nước (DNNN) quan trọng, vì vậy khó có thể đảm bảo tính độc lập, công bằng, khách quan trong chức năng quản lý.

Tuy nhiên, giải trình trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho biết tới đây Bộ Thương mại không còn là cơ quan chủ quản của nhiều DNNN nữa.

 Mặt khác, hiện số DNNN do bộ quản lý không nhiều và sau khi thực hiện cổ phần hóa thì chỉ còn hai doanh nghiệp 100% vốn thuộc sở hữu nhà nước. Vì vậy trong giai đoạn trước mắt, để sớm triển khai thực hiện Luật Cạnh tranh, việc giao Bộ Thương mại quản lý nhà nước về cạnh tranh là cần thiết. Về lâu dài, việc hình thành một cơ quan độc lập sẽ được thực hiện.

Việc xác định tỷ lệ thị phần doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường và vị trí độc quyền được các đại biểu đề nghị cân nhắc. Điều 19 quy định doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan; nhóm doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh khi có tổng thị phần liên quan từ 50% trở lên đối với 2 doanh nghiệp, 65% trở lên đối với 3 doanh nghiệp, 75% trở lên đối với 4 doanh nghiệp.

Đại biểu Võ Quốc Thắng (Long An) bày tỏ ý kiến: quy định như vậy là chưa hợp lý với thực tế. Nước ta hiện nay doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm đến 96% tổng số doanh nghiệp. Các doanh nghiệp này có vốn dưới 10 tỷ đồng. Do đó, một doanh nghiệp thật khó có được thị phần đến 30%. Bằng chứng là vừa qua, một doanh nghiệp dược phẩm chỉ chiếm 26% thị phần liên quan mà đã gây lũng đoạn thị trường. Vì vậy, ông Thắng đề nghị chỉ quy định chung tỷ lệ 30% cho cả nhóm doanh nghiệp. Điều này vừa hợp lý, vừa dễ quản lý.

Chung quanh quy định loại hình bán hàng đa cấp thu hút sự chú ý hơn bởi dự luật lần này dành hẳn Điều 48 điều chỉnh việc bán hàng đa cấp. Điều này cũng có nghĩa là phương thức bán hàng đa cấp được thừa nhận như là một phương thức kinh doanh bình thường. Tuy nhiên, điều luật quy định cấm các hình thức bán hàng đa cấp bất chính vốn đang diễn ra trên thực tế hiện nay mà các nước gọi là hình thức bán hàng “kim tự tháp ảo” để lừa người tiêu dùng.

Khoản 2 Điều 48 cấm “yêu cầu người muốn tham gia phải đặt cọc hoặc phải mua một số lượng hàng hóa ban đầu để được tham gia bán hàng đa cấp”. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị không nên cấm người tham gia bán hàng đa cấp đặt cọc. Vấn đề này, ông Nguyễn Đức Kiên giải thích: “Trong phương thức kinh doanh đa cấp, việc đặt cọc không giống đặt cọc trong quan hệ buôn bán bình thường. Người tham gia trong phương thức này không trực tiếp bán hàng hóa cho người tiêu dùng mà chỉ giới thiệu người tiêu dùng đến công ty để mua sản phẩm. Vì vậy, yêu cầu người tham gia phải đặt cọc là không hợp lý”.

Thế nhưng, đại biểu Trần Huy Hậu (Tây Ninh) lại lập luận ngược lại. Ông cho rằng hình như ban soạn thảo có sự nhầm lẫn chỗ này, bởi việc đặt cọc và mua lượng hàng hóa ban đầu chính là phần “hồn” của bán hàng đa cấp. Điều cần thiết cấm ở đây là “Cấm yêu cầu người tham gia bán hàng đa cấp mua hàng hóa theo số lượng mà một người bình thường rõ ràng không thể bán ra trong một thời gian ngắn, trừ khi doanh nghiệp bán hàng đa cấp cho phép người tham gia trả tiền sau khi hàng hóa đã được bán” như dự thảo nghị định về giám sát hoạt động bán hàng đa cấp của Chính phủ. Ý kiến này được ban soạn thảo ghi nhận. 

Gia Anh - Nguyễn Nhật - Theo Sài Gòn Giải Phóng Online
Tin tức khác