Nhật ký được dịch bởi Andrew X.Pham với lời giới thiệu của Frances Fitzgerald, người từng đoạt giải Pulitzer Prize.
Năm 2005, cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm do Công ty truyền thông Nhã Nam ấn hành đã được đón nhận nồng nhiệt trong nước và có tiếng vang ra nhiều quốc gia trên thế giới, nhiều nhà xuất bản nước ngoài đã tiếp xúc với gia đình bác sĩ Đặng Thùy Trâm và đề nghị được xuất bản ở nước ngoài, trong đó có một số đề nghị dịch ra tiếng Anh.
Ngay sau khi cuốn sách được xuất bản ở Việt Nam, nhiều dịch giả - cả người Việt Nam lẫn người nước ngoài đã đến gặp gia đình bác sĩ Đặng Thùy Trâm, bày tỏ sự yêu mến và đề nghị được dịch ra tiếng của họ, trong đó có một số người bạn thân thiết của VN như nhà văn Lady Borton, giáo sư Hàn Quốc Ahn Kyong Hwan, cựu Đại sứ Trung Quốc ở Việt Nam Lý Gia Trung. Gia đình hoan nghênh và đáp ứng đề nghị của tất cả các dịch giả đó, song cũng nêu rõ rằng bản dịch của họ có xuất bản được hay không là còn tùy ở nhà xuất bản sau này.
Với bản tiếng Anh, do vấn đề hoàn toàn mới mẻ đối với gia đình, đồng thời theo thông lệ quốc tế, gia đình bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã thuê hãng Carol Mann làm đại diện để giải quyết các vấn đề với các nhà xuất bản. Trong số các nhà xuất bản có Tập đoàn Random House, một trong những tập đoàn xuất bản lớn nhất trên thế giới. Họ đã tiếp xúc với người đại diện tác giả Đặng Thùy Trâm và được đồng ý với điều kiện gia đình có quyền xem xét và yêu cầu sửa chữa bản dịch nếu cần thiết. Nhà xuất bản Random House chỉ chấp nhận bản dịch của dịch giả sau khi có xác nhận sự đồng ý của gia đình. Cuối cùng, thông qua đại diện của mình tại Mỹ, gia đình đã ký hợp đồng xuất bản với Random House. Theo thông lệ, việc chọn dịch giả là quyền và trách nhiệm của nhà xuất bản. Tuy nhiên họ cũng ưu tiên cho gia đình đề xuất dịch giả, nếu thông qua kiểm tra, tuyển chọn đáp ứng được yêu cầu của nhà xuất bản. Gia đình đã giới thiệu 3 dịch giả là nhà văn Lady Borton, Robert Whitehurst và một dịch giả Việt Nam có uy tín. Sau thời gian xem xét, Nhà xuất bản Random House quyết định chọn dịch giả tiếng Anh là Andrew X.Pham, người Mỹ gốc Việt, một tác giả quen biết với độc giả Mỹ.
Với sự giúp đỡ của người cha vốn là sĩ quan trong quân đội của chế độ cũ, Andrew X.Pham đã hoàn thành bản dịch trong thời gian ngắn nhất. Trong bài viết của mình in trong cuốn sách, Andrew X.Pham coi việc được dịch cuốn nhật ký là một vinh dự và tỏ lòng ngưỡng mộ người nữ bác sĩ đã sống, phục vụ và hy sinh một cách cao quý và đầy lý tưởng.
...Bác sĩ Thùy Trâm viết nhật ký dưới một sức ép ghê gớm. Cô ghi những dòng nhật ký trong chiến hào, trong hầm trú bom, giữa cảnh hoang tàn và trong những phòng bệnh đầy ắp những bệnh nhân đang hấp hối. Cô ghi nhật ký giữa cảnh tàn phá, giữa cái đói, giữa lúc mệt mỏi tột độ, giữa cô đơn, giữa những đau buồn về tâm lý. Vậy mà người phụ nữ trẻ thật đặc biệt này vẫn đủ tỉnh táo để đạt đến độ văn học và uy nghi đến tuyệt vời. ...Bất kể cuốn sách này được đọc và lĩnh hội ra sao, về tác giả cuốn nhật ký có ba điểm không thể phủ nhận được. Thứ nhất, cô vô cùng cao quý. Thứ hai, cô sống theo lý tưởng. Thứ ba, sự hy sinh của cô thật anh hùng mà cũng thật bi thảm. ...Những điều chưa được cô viết ra cũng nói lên nhiều như những gì đã viết. Andrew X.Pham (trích lời dịch giả in trong sách)
Bìa sách Last Night I Dreamed of Peace của NXB Random House