Công tác đào tạo đội ngũ chuyên viên được chú trọng về chất lượng, theo hướng nâng cao năng lực quản lý và điều hành TV hiện đại; cập nhật những vấn đề về chuyên môn, nghiệp vụ. Các chỉ số đầu tư cho TV đều tăng so với 3 năm trước. Hiện hệ thống TV cộng đồng đã và đang trở thành "trung tâm văn hoá tri thức, trung tâm thông tin - khoa học ở địa phương"...
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Ngọc Thuần - Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTT-DL) - thì hệ thống TV cộng đồng trên toàn quốc hiện vẫn còn rất nhiều hạn chế, bất cập. Cụ thể, một số TV tỉnh vẫn còn khó khăn kéo dài về cơ sở vật chất, trụ sở làm việc của các TV tỉnh Hoà Bình, Hà Nam, Bắc Cạn, Đắc Nông, Lào Cai, Gia Lai, Quảng Bình vẫn phải ghép chung với các cơ quan, đơn vị trong tỉnh.
Nhiều TV ở miền núi, vùng sâu, vùng xa của các tỉnh Hà Giang, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Sơn La, Kon Tum có trụ sở chật chội, dột nát. Thậm chí có TV như TV huyện Cao Lộc và TP.Lạng Sơn của tỉnh Lạng Sơn phải... đóng cửa, vì chính quyền địa phương thu hồi trụ sở để chuyển mục đích sử dụng. TV huyện Bến Cầu (Tây Ninh) nhiều năm liền không được cấp kinh phí. Một số TV ở Quảng Nam được cấp kinh phí rất hạn hẹp, như mỗi năm chỉ được 1 triệu đồng để mua sách và vài đầu báo! Có TV chỉ có cán bộ kiêm nhiệm. Trong 3 năm qua, có hàng nghìn TV, phòng đọc sách cấp xã và cơ sở được xây dựng. Tuy nhiên, rất ít số TV, phòng đọc sách duy trì được hoạt động lâu dài.
Hiện tốc độ triển khai công nghệ thông tin ở mạng lưới TV cấp huyện quá chậm. Hiện cả nước còn khoảng 20% số TV tỉnh chưa được hưởng thụ công nghệ thông tin.
Thư viện làng Kế Môn - thuộc xã Điền Môn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế - do một số tư nhân đầu tư.