Như tên gọi của nó, Ban này chỉ có nhiệm vụ bảo tồn khu phố cổ, gần như nằm gọn trong quận Hoàn Kiếm trong "biên giới" phố Hàng Bông - phố Cầu Gỗ, đường Bờ sông và phố Quán Thánh giáp với Hàng Ðậu, Hàng Than.
Nhưng theo nhiều nhà hoạt động văn hóa, Hà Nội có thể chia thành ba khu vực: khu phố cổ, khu phố cũ mà nhiều người quen gọi là khu phố Tây (được xây dựng từ đầu thế kỷ 20), và khu phố mới, hình thành từ sau năm 1954, nhất là cuối thế kỷ 20 sang đầu thế kỷ 21, cứ lan dần ra bốn phía ngoại thành và đang bùng nổ phát triển.
Bài này chỉ lạm bàn về khu phố cũ, còn gọi là khu phố Tây.
Có người nói, chỉ cần ai đó một tháng không ra phố là đã lạc hậu với sự biến thiên. Vẫn là phố ấy nhưng hai bên đường, nhà cửa đã xây dựng lại khác trước nhiều quá, đến nỗi có cảm giác như có ai đó đặt một đường phố mới lên con phố cũ. Nếu cụ Phạm Ðình Hổ sống lại, viết lại "Vũ trung tùy bút", thì hẳn phải thêm hàng nghìn trang nữa; không phải là câu "Nhà ta ở phường Hà Khẩu mà phải viết về Khu phố Cũ và khu phố Mới thay đổi ra sao, với niềm vui và nỗi đau, cảm tình và buồn rầu thế nào...
Khu phố cũ, gần đây có bài báo của một kiến trúc sư so sánh rằng, với hơn một nghìn biệt thự kiểu Pháp từ thời Ðông Dương, tài sản này còn quý giá hơn Ðà Lạt, và Hà Nội là thành phố duy nhất ở Việt Nam có vốn quý đó. Không có lý do gì chúng ta rẻ rúng, thậm chí đang hủy hoại nó như hiện nay. Cứ đà này, nếu không có một cơ quan được phân cấp đứng ra quản lý, tương tự như Ban quản lý phố cổ, có thể là Ban quản lý phố cũ, thì chỉ vài chục năm nữa, chúng ta sẽ mất đi một kho di sản, di tích quý báu không gì bù đắp được.
Ðể xây dựng một ngôi biệt thự như thế phải mất nhiều tiền bạc công sức và thời gian, có khi hàng mấy năm trời, vậy mà phá nó đi, làm méo mó biến dạng, thay đổi hình dáng và chức năng nó đi hết tuần này, tháng khác, cứ làm ào đi về ban đêm, bất chấp luật lệ, thì chỉ mất vài ba đêm là xong.
Ðã có bao nhiêu biệt thự cổ của một Hà Nội hào hoa và duyên dáng mà không kém tôn nghiêm ở các phố Trần Hưng Ðạo, giữa và cuối phố Lý Thường Kiệt, phố Nguyễn Du và nhiều phố khác, đã biến mất, tan vào những móng ngôi nhà mái bằng cao lênh khênh, vô cảm, thiếu thẩm mỹ, chỉ có chức năng làm nơi kinh doanh hay sinh hoạt một cách thực dụng.
Nhiều biệt thự đứng riêng biệt trong một khuôn viên xinh xắn, có cây cổ thụ, có luống cỏ xanh, có cổng ra vào tạo một không gian tĩnh lặng thâm trầm thanh thoát ngay giữa phồn hoa ồn ã, đã bị phá hỏng bởi sự cơi nới gian mái bằng, xây thêm phía sau ba bốn tầng xi-măng cục mịch như chặt chém không gian. Còn đâu vẻ đẹp hài hòa của nét mi nhà cong lượn, chiếc cửa mắt bò, bậc tam cấp dẫn lên tiểu sảnh, mái hàng hiên che nắng, chiếc bao lơn mơ mộng, khung cửa sổ có bức rèm che bí mật như một niềm e lệ để từ đó buông ra thánh thót tiếng dương cầm những đêm trăng hay du dương một khúc vĩ cầm chiều thu rỉ rả... Còn đâu thấp thoáng đâu đó trong khoang sân nhỏ hẹp, một người nào đó đi vào đi ra lặng lẽ, bước đi khoan thai đầy chất Hà Nội dịu dàng tha thướt.
Những ngôi biệt thự cổ kính và hiện đại ấy đã từng là một phần cuộc sống của người Hà Nội, và nét sinh hoạt Hà Nội nghìn năm, nó là hào hoa thanh lịch, không ồn ào, không ganh ghét bon chen, không bành trướng, lấn chiếm của ai, cũng không nhiễu nhương, kiện tụng.
Ðiểm lại mà xem, ngôi nhà cụ Hồ Ðắc Ðiềm ở phố Nguyễn Du trông ra hồ Thiền Quang (cụ là nhà yêu nước, Ủy viên Mặt trận Tổ quốc, Ủy viên Hội đồng Nhân dân thành phố), ngôi nhà bác sĩ Luyện ở phố Lý Thường Kiệt, nay gần Ðại sứ quán Cu-ba, người liệt sĩ chống Pháp ấy đã bị giặc Pháp sát hại không tìm thấy xác, có người cho rằng xác cha con ông đã bị vùi tại mồ liệt sĩ vô danh, nay là chợ 19-12, cạnh tòa án. Ðó là ngôi nhà họa sĩ Nam Sơn và nhà bác sĩ Nguyễn Bách cũng trông ra hồ Thiền Quang, mà nay còn có người gọi là hồ Ha-le và mở quán rượu lấy tên là quán Ha Le mà không biết rằng đó là phiên âm dân dã cái tên Halais, Công sứ Pháp, thị trưởng Hà Nội thời Pháp thuộc. Những ngôi nhà ấy, ngôi mất, ngôi còn, nhưng cũng bị "cải biên" làm xấu xí đi nhiều. Ðầu phố Lý Thường Kiệt có ngôi biệt thự khá đẹp còn có hàng cau châu Phi làm hàng rào, bỗng nhiên khoảng gần năm nay nó bị phá đi, thay bằng mái tôn, cửa nhôm, khung kính và cột sắt để buôn bán và quảng cáo xe máy với đèn ống lóa mắt. Nhiều ngôi biệt thự phố Trần Hưng Ðạo cũng đã biến mất.
Khu phố cũ nào nhà được dùng làm Ðại sứ quán, công thự thì còn đỡ bị hủy hoại, còn nhiều nơi khác, biệt thự hầu như đều bị "làm mới" nghĩa là sửa chữa, thay đổi kiến trúc, cả lối đi, cổng vào. Ngôi biệt thự từng là nhà của Xuân Diệu cũng không tránh khỏi số phận tiêu điều ấy. Nó đã bị lắp nhôm kính, vẩy thâm mái, bày bàn ghế làm quán giải khát.
Khi thành lập Ban quản lý khu phố cổ, có người cho rằng rất kịp thời, nhưng cũng nhiều người cho rằng thế là quá muộn, bởi nhiều ngôi nhà cổ hơn trăm năm đã không còn nguyên vẹn như ở Hàng Bè, Cầu Gỗ, v.v.
Khu phố cũ đang có chiều hướng ngày càng bị xâm hại, nếu thành lập một Ban quản lý khu phố cũ, có là muộn không?
Gần đây, Hà Nội đã có nhiều cố gắng bảo tồn khu Hoàng Thành cổ Thăng Long, khu Ðàn xã tắc mới phát lộ, tốn không ít công sức và tiền của, lẽ nào với khu vực có hàng nghìn di tích quý giá đang đứng trước lâm nguy, chúng ta lại không có biện pháp bảo vệ kịp thời?
Quản lý đô thị vừa là khoa học, vừa là nghệ thuật, đòi hỏi những kiến thức, kỹ năng quản lý liên ngành, trong đó, ngoài việc giáo dục ý thức của người dân còn cần cả khung pháp luật chặt chẽ, nghiêm minh. Khu phố cũ đang là một di sản khó có điều kiện để dựng lại. Chỉ lịch sử mới tạo ra được nó. Chúng ta còn nghèo, song cũng đã có dự án làm đường sắt trên cao tốn đến nửa tỷ euro, chắc rằng với những giá trị văn hóa, tinh thần của khu phố cũ, người có trách nhiệm sẽ không thể không quan tâm.
Sơ đồ giới hạn khu phố cổ Hà Nội.