Được xem là viên ngọc quý của nghệ thuật ca múa nhạc cung đình Huế và những làn điệu dân ca, tuồng gắn liền với con người sông Hương, núi Ngự, Đêm sân khấu miền Trung, diễn ra vào tối 19-8, tại Nhà hát Kim Mã – Hà Nội, sẽ tái hiện những câu chuyện lung linh, huyền diệu về con người đã làm nên cuộc chiến đấu chống ngoại xâm, thiên tai và ca ngợi lòng chung thủy của người dân miền Trung anh dũng.
Kịch thơ và múa cung đình: Điểm nhấn
NSƯT - đạo diễn Ngọc Bình, Giám đốc Nhà hát Ca kịch Huế, chỉ huy trưởng của chương trình Đêm sân khấu miền Trung, cho biết: “Có bốn đơn vị nghệ thuật miền Trung tham gia chương trình này. Mỗi đơn vị đã chọn một trích đoạn hay nhất, chuyển tải phong cách đặc trưng, tạo dấu ấn đậm nét trong quá trình xây dựng đơn vị. Hầu hết đều là những tiết mục đã đoạt HCV tại các kỳ hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, hoặc đã từng đạt doanh thu cao, thu hút sự chú ý của khán giả mỗi khi nhắc đến tên vở diễn”.
Trong đêm hội ngộ tại Hà Nội, đoàn sẽ biểu diễn trích đoạn kịch thơ nổi tiếng: Duyên kỳ ngộ (tức Hàn Mạc Tử – biên tập Minh Hường, Lê Bách Sinh, đạo diễn - NSƯT Ngọc Bình). Đây là vở kịch thơ được sáng tác dựa trên 249 bài thơ của thi sĩ Hàn Mạc Tử. Với âm nhạc do nhạc sĩ Đặng Nguyễn sáng tác, kịch thơ sẽ được các nghệ sĩ tài danh Đoàn Ca kịch Huế biểu diễn như: NSƯT Đình Dũng (vai Hàn Mạc Tử), NSƯT Kiều Oanh (vai Thương Thương), NSƯT Thu Hường, Thanh Loan, Thái Bình Bảo Dẫn... trong các vai nàng thơ. Vở được dàn dựng năm 1995, đã công diễn trên 200 suất. Tại Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp miền duyên hải năm 1996, tác phẩm này đã đoạt HCV. Câu chuyện của trích đoạn kể về giai đoạn nhà thơ Hàn Mạc Tử chớm bệnh và ông đã mơ về một thiếu nữ Huế trong giấc mộng mang tên Duyên kỳ ngộ. Ánh trăng bao quanh những vần thơ, hình ảnh xuyên suốt của trích đoạn đưa khán giả về lại với vẻ đẹp trác tuyệt của miền sông Hương, núi Ngự – nơi nhà thơ đã gặp Thương Thương. Kịch thơ hư cấu một chuyện tình thật đẹp, qua đó đưa người xem đến với nghệ thuật ca kịch được chuyển thể từ thơ của Hàn Mạc Tử.
Với 40 nghệ sĩ đã từng thể hiện những điệu múa cung đình giàu bản sắc dân tộc, từng được du khách các nước nhiệt liệt hoan nghênh khi biểu diễn tại Ngọ Môn, Tử Cấm Thành – Huế trong những đêm cung đình huyền ảo, màn múa Lục cúng hoa đăng của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế do NSƯT La Cẩm Vân dàn dựng sẽ là tiết mục độc đáo của Đêm sân khấu miền Trung.
Không thể thiếu nghệ thuật tuồng
Đoàn Dân ca bài chòi Bình Định mang đến đêm diễn trích đoạn Độc dược. Một câu chuyện thần bí về quyền được sống và được chết của những con người chuyên mang lại nỗi bất hạnh cho con người. Hai tính cách ác và thiện được đan xen, hình thành nên câu chuyện với nét đặc trưng ca diễn bài chòi của người dân Bình Định. Nhà hát tuồng Đào Tấn sẽ diễn hai trích đoạn Quang Trung và Trưng Nữ Vương, với đội ngũ những nghệ sĩ giỏi nghề, đã từng trải qua nhiều đợt liên hoan, hội diễn, thu hút sự chú ý và ngưỡng mộ của hàng ngàn khán giả. Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh – TP Đà Nẵng diễn trích đoạn Trọng Thủy – Mỵ Châu với tài năng diễn xuất của các nghệ sĩ từng đem chuông đi đánh xứ người.
NSND Doãn Hoàng Giang, tổng đạo diễn Liên hoan Nửa thế kỷ sân khấu Việt Nam, cho biết: “Sân khấu miền Trung nhiều năm qua cũng không tránh khỏi những khó khăn về mặt thu hút khán giả đến với rạp hát. Tuy nhiên, các đoàn nghệ thuật miền Trung vẫn bám trụ, yêu nghề, hết lòng vì nghệ thuật. Họ trăn trở và tìm kiếm hướng đi, mở rộng tầm hiểu biết để tiếp cận với sân khấu thế giới. Dàn dựng các chương trình chào đón du khách các nước khi đến với miền Trung là một trong những nét đặc trưng của sân khấu vùng miền này. Nhìn lại chặng đường 50 năm của sân khấu Việt Nam, công lao đóng góp của hàng ngàn nghệ sĩ, đạo diễn, diễn viên múa, nghệ nhân, nhạc công miền Trung rất to lớn. Họ chính là những “thư ký thời đại”, ghi nhận cuộc sống, lịch sử của miền đất anh hùng, chịu nhiều tang thương do thiên tai, bão lũ bằng nghệ thuật và tài năng. Một đêm diễn không đủ để khái quát tất cả những thành tựu 50 năm đạt được của bốn đơn vị nghệ thuật chủ chốt của miền Trung, nhưng qua các trích đoạn này, tôi tin khán giả cả nước sẽ bất ngờ trước tài năng ca diễn và ứng biến đầy sáng tạo của họ”.
Nhà hát Ca kịch Huế được thành lập từ năm 1957, tính đến nay đã ngót 50 năm. Những ngày đầu thành lập, Đoàn Ca kịch Huế đã được sự đùm bọc của nhân dân Vĩnh Linh và sự chỉ đạo của Ủy ban Hành chính Liên khu IV. Từ những con chim đầu đàn của bộ môn ca kịch Huế như: nghệ sĩ Ngọc Yến, Văn Lang, Mộng Điệp, Kim Oanh, Châu Thành, Hồ Sâm, Liên Minh, Nguyên Lượng, Hồng Tuyết... 50 năm qua đoàn đã đào tạo được nhiều thế hệ diễn viên trẻ nhằm phục vụ công tác dàn dựng và biểu diễn. Tính đến nay, đoàn đã có 93 nghệ sĩ, chưa kể đến số lượng ca sĩ, nhạc công của Đoàn Ca múa nhạc Huế từ khi được nâng cấp thành Nhà hát Ca kịch Huế.
Hát múa cung đình của Đoàn Ca kịch Huế. Ảnh: C.T.V