Tiểu thuyết Sống đọa thác đày (đã được công ty Văn hóa Phương Nam mua bản quyền) của nhà văn Mạc Ngôn đã được đề cử giải thưởng Văn học châu Á xuất sắc nhất trong số 23 tác phẩm hay nhất.
Tác phẩm của Mạc Ngôn đã được dịch ra 18 thứ tiếng. Ông cho rằng nhà văn có một tác động nhất định tới tư tưởng và hướng đi của xã hội. Vì vậy theo ông, nhà văn cần có một tín ngưỡng kiên định. Nếu mất tín ngưỡng, tác phẩm sẽ như mất linh hồn. Nhưng tín ngưỡng được thể hiện ra sao và được duy trì như thế nào? Đối với Mạc Ngôn, nhà văn cần phải “viết cho nhân dân”, hòa nhập vào dân thường, đặt vị trí của mình ngang bằng với vị trí bình đẳng với người dân. Tuy nhiên ông không tán thành quan điểm “viết hộ dân, nói hộ dân”, vì ông cho rằng như vậy nhà văn sẽ thoát ly ra khỏi hiện thực xã hội sinh động. Do muốn “sáng tác cho người dân” nên Mạc Ngôn chủ trương “miêu tả cuộc sống từ chính mình”. Phương châm của ông là tác phẩm miêu tả cuộc sống cá nhân vừa có cá tính, phong cách và giá trị riêng. Một tác phẩm nhận được phản ứng tốt do nỗi đau của cá nhân và nỗi đau của thời đại là một và có tính tiêu biểu. Chẳng hạn nếu một nhà văn xuất thân từ anh công nhân thất nghiệp, các tác phẩm của anh tất yếu sẽ có tác động tới đám người cùng giai cấp.
Bên cạnh việc phản đối “viết hộ dân”, Mạc Ngôn cũng không tán thành quan điểm “nhà văn phải đi thâm nhập thực tế”. Ông cho rằng trước khi trở thành một nhà văn, cuộc sống của người đó là chân thực nhất. Nguồn cảm hứng sáng tác của ông cũng bắt nguồn từ cuộc sống nông thôn từ 20 năm trước. Tuy nhiên sự tiếp xúc của cá nhân với xã hội là có giới hạn. Cội nguồn cuộc sống cũng có lúc cạn kiệt. Trong tình huống đó, phải tiếp tục sáng tác ra sao? Mạc Ngôn có quan điểm rằng: khởi nguồn sáng tác bắt nguồn cảm hứng từ ba phương diện: kinh nghiệm cuộc sống cá nhân, văn hóa dân gian và văn hóa ngoại lai. Nhà văn cần phải có năng lực “đồng hóa cuộc sống người khác”. Khi không có gì để viết, cần phải mở rộng nguồn cội cuộc sống như nghe kể chuyện, đọc sách báo, vận dụng đầy đủ sức tưởng tượng. Mấy năm gần đây, tiểu thuyết của Mạc Ngôn bước vào cao trào mới, hầu như khiến độc giả không kịp thở. Mãi tận ngày nay, giới phê bình các nước vẫn luôn đánh giá ông rất cao. Giải thích về những sáng tác gần đây của mình, ông cho biết: “Bắt đầu từ một năm qua, tâm trạng sáng tác của tôi có bước thay đổi đột ngột. Trước đây, tôi rất nỗ lực viết, như một anh thợ mộc mới vào nghề, động tác rất khoa trương, kỹ xảo lấp lánh. Vì thế sản phẩm làm ra tuy khô khan nhưng rất chắc chắn. Nhưng trong những sáng tác gần đây, tôi đã thả lỏng mình, viết rất thoải mái”. Sống đọa thác đày đã ra đời trong hoàn cảnh như vậy và nhanh chóng chiếm được tình cảm của đông đảo độc giả các nước.