Với chủ đề mở rộng so với lần triển lãm ảnh trước đây, ban tổ chức đã dựng lại bức tranh toàn cảnh khái quát về ba thành phố tiêu biểu Hà Nội, Huế, Sài Gòn.
Phố phường Hà Nội xưa có giống như nhà văn Thạch Lam mô tả trong “Hà Nội băm sáu phố phường”? Ảnh và bưu ảnh chỉ là một góc của phần phản ánh muôn vẻ cuộc sống, tuy nhiên, chỉ qua một vài góc ảnh tiêu biểu, khách thưởng ngoạn sẽ thích thú khi bắt gặp cảnh quan phố Hàng Bạc được kể trước đây có ba nghề đúc bạc, nén kim hoàn, đổi tiền; góc phố Tràng Tiền và Hàng Bài với cửa hàng buôn lớn nhất Hà Nội; phố Hàng Trống, nơi xuất hiện hiệu ảnh đầu tiên của người Pháp P. Dieuleils; trại lính Khố Xanh bên đường Hàng Bài; Hà Nội với khách sạn Métropole hoành tráng; Trường Bưởi thành lập năm 1908, nay là Trường Chu Văn An; cảnh đưa đám tang cụ Lương Văn Can, người sáng lập Đông Kinh Nghĩa Thục v.v…
Phần trưng bày ảnh cố đô Huế, ngoài Kinh thành, Đại nội, Cửu đỉnh trước Hiển Lâm Các, Bình phong trước Viện Cơ Mật… là một số hình ảnh khá quý hiếm về cảnh chuẩn bị xuất cung của vua Duy Tân; cảnh đàn Nam Giao trong ngày tế hàng năm. Bên cạnh, một số ảnh khá “đời thường” về đội nữ nhạc cung đình; đội nghi trượng đang nghỉ mệt chờ tháp tùng khi vua xuất cung; cảnh tắm cho đội voi của triều đình bên bờ sông Hương…
Phần trưng bày ảnh Sài Gòn xưa lần này được bổ sung thêm 25 bức. Đối chiếu các địa điểm ga xe điện Chợ Lớn, ga xe lửa Sài Gòn ngày nay nằm ở đâu; hay “tiền thân” của dinh Norodom, Thư viện Sài Gòn, Bệnh viện Gia Định, Nhà thương quân đội… hiện là trụ sở của cơ quan nào sẽ gợi tò mò và kích thích sự tìm hiểu kiến thức lịch sử, văn hóa đối với nhiều người thưởng ngoạn…
Đặc biệt, người phụ nữ Sài Gòn xưa qua mắt các nhà nhiếp ảnh được ghi nhận là khá mới mẻ, tân tiến với hình ảnh: Phụ nữ Sài Gòn phong lưu với thú ca cầm; Các thiếu nữ Sài Gòn nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống thời trang hiện đại; Cô Ba Sài Gòn - người phụ nữ được đưa hình lên con tem bưu điện…
Thực sự, kho tàng tư liệu lưu trữ trong các viện lưu trữ, thư viện và cả những bộ sưu tập của cá nhân thật phong phú, quý báu có thể tìm thấy đến 12.000 - 13.000 bức ảnh tư liệu riêng về Đông Dương. Nhưng để tổ chức được cuộc triển lãm tiêu biểu dành cho công chúng tìm hiểu về hình ảnh các thành phố lớn Việt Nam đầu thế kỷ 20 vẫn là sự cố gắng nghiên cứu, chọn lọc, tổ chức thực hiện của Tạp chí Xưa và Nay.
Trong phần thực hiện lần này, tiếp tục có sự hỗ trợ kỹ thuật máy in HP Designjet Z2100 của Công ty Hewlett Packard Việt Nam. Để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của công chúng, sau thời gian trưng bày tại TPHCM (từ 1-9 đến 10-9), ông Nguyễn Hạnh, Phó Tổng Biên tập tạp chí Xưa và Nay cho biết toàn bộ ảnh sưu tập sẽ được mang ra Hà Nội triển lãm vào giữa tháng 10.
Vua Duy Tân chuẩn bị xuất cung (ảnh trưng bày tại triển lãm).