Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.055
123.234.633

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Để không phải đọc lời ai điếu cho sân khấu
TTCN - Kết quả đáng buồn của hội diễn sân khấu kịch chuyên nghiệp toàn quốc vừa qua không chỉ là thất bại của một cuộc hội diễn đơn thuần, nó đặt ra một vấn đề lớn hơn thế: đã đến lúc cần nhìn nhận một cách đúng đắn, chính xác về thực trạng của sân khấu cả nước để có thể đưa nó ra khỏi cảnh “chợ chiều” như hôm nay.

Đó là nội dung cuộc trao đổi của TTCN với nhà  lý luận phê bình Ngô Thảo, phó tổng thư ký Hội Nghệ sĩ sân khấu VN - một người vừa trong cuộc  vì hoạt động sân khấu lâu năm, vừa khách quan  vì không phải là người quản lý, không tham gia các hội đồng giám khảo.

* Thưa ông, khi báo chí đồng loạt nói về sự xuống cấp của sân khấu thì khá nhiều quan chức và người hoạt động sân khấu vẫn cho rằng nó chưa đến mức như vậy. Theo ông, thật sự sân khấu đang ở đâu?

- Đỉnh cao hoàng kim đã qua lâu rồi, sân khấu đã tuột dốc nhưng không ai thấy cần phải ngăn nó lại, và bây giờ nó đang ở tận cùng của sự xuống dốc. Hết người rồi. Đạo diễn già, biên kịch già còn có thể chấp nhận chứ đến diễn viên cũng già, không được cả thanh lẫn sắc thì còn ai đến rạp làm gì. Cứ nhìn phản ứng của khán giả là chính xác nhất.

* Điều đó mâu thuẫn với việc xã hội ngày càng có nhiều thành tựu về khoa học, kinh tế, đời sống nhân dân khá lên, tiền chi cho giải trí ngày càng nhiều. Vậy cần lý giải nghịch cảnh này như thế nào?

- Các thành tựu về kinh tế - xã hội được cụ thể hóa bằng các chỉ số. Trong nghệ thuật, các chỉ số đó là số lượng tác phẩm, tác giả, là tên các tác phẩm có giá trị, các nhân tài, tên tuổi đỉnh cao. Mà những chỉ số đó trong các ngành nghệ thuật 15 năm gần đây thì quá thấp. Theo tôi, do chúng ta chưa có chiến lược phát triển nghệ thuật. Hãy nhìn sang bên thể thao: một mầm non thể thao từ  năm tuổi đã được gửi đi đào tạo ở nước ngoài, Nhà nước bỏ ra 3.800 tỉ đồng để đầu tư cơ sở vật chất cho SEA Games, các doanh nghiệp đổ tiền đổ của vào nuôi các đội bóng để quảng bá thương hiệu. Còn nghệ thuật? Chưa nói các hoạt động biểu diễn khác, chỉ tính riêng  VTV phát năm kênh, tổng cộng mỗi ngày cũng phải dành đến 20 giờ, một năm khoảng 7.200 giờ cho nghệ thuật, không kể các đài địa phương cộng lại cũng khoảng 5.000 giờ nữa. Ngốn chương trình kinh khủng. Vậy chúng ta đã chuẩn bị lực lượng sản xuất để đáp ứng 12.000 giờ phát sóng về nghệ thuật trong nước/năm chưa? Đó hoàn toàn không phải việc riêng của truyền hình.

Chúng ta bị thúc bách bởi số lượng chương trình văn học nghệ thuật để giữ trận địa văn hóa. Nhưng không ai quan tâm đến việc làm thế nào để sản xuất được những chương trình có chất lượng, thu hút được người xem, rồi lại quay ra trách sao đài chỉ phát phim Hàn, phim Mỹ, phim Trung Quốc, trách thẩm mỹ công chúng lệch lạc.

* Vậy vấn đề cấp bách nhất của nền nghệ thuật hiện nay là gì?

- Là đào tạo con người. Chúng ta hiện có lực lượng quản lý nghệ thuật quá đông và quản lý theo kiểu “gác cửa”, còn lực lượng sáng tạo lại quá ít. Bên thể thao được phép mời huấn luyện viên nước ngoài, được phép thuê cầu thủ ngoại vào thi đấu. Các ngành khoa học khác vẫn đều đặn cử các tài năng ra nước ngoài đào tạo, trong khi ngành biểu diễn thì từ lâu rồi chỉ có vài suất học bổng đào tạo âm nhạc cổ điển, còn sân khấu, điện ảnh hầu như không hề có ai được đào tạo bài bản ở nước ngoài, thế hệ được đào tạo ở các nước XHCN đã qua thời sung sức nhất.

Trông mong vào việc xã hội hóa trong đào tạo nghệ thuật cũng là việc không tưởng: những gia đình khá giả cho con em đi học nước ngoài sẽ hướng đến các ngành nghề đảm bảo tương lai ổn định như tài chính, tin học, luật, y... chứ chưa thấy ai cho con đi học đạo diễn hay diễn viên sân khấu (!). Ngay một ngành rất gần sân khấu là đồ họa thì cũng chỉ học để làm design sản phẩm, quảng cáo chứ không ai dại gì đâm đầu vào học trang trí sân khấu. Không có người làm sân khấu thì lấy đâu ra một nền sân khấu thật sự “sống”?

* Liệu ông có quá bi quan vì hiện tại vẫn có một vùng sân khấu TP.HCM được xã hội hóa, đỏ đèn hằng đêm với những vở diễn bình dị, đời thường được công chúng chấp nhận? Và Hà Nội cũng vẫn có Nhà hát Tuổi Trẻ?

- Vâng, đó là cố gắng rất đáng quí, đáng trân trọng của các nghệ sĩ TP.HCM, họ đã tự năng động làm được cái việc mà các đơn vị nghệ thuật khác ở các địa phương không làm được do vướng cơ chế và thật sự là do yếu về khả năng tài chính để đầu tư tiếp thị. Nhưng, xét trên bình diện cả nước, khán giả của sân khấu xã hội hóa TP.HCM được bao nhiêu người? Không đến 10.000 người xem tại tất cả điểm diễn một đêm, trong khi Sài Gòn gần bảy triệu dân và cả nước là 80 triệu. Lượng khán giả có tiền và có thời gian để đến rạp xem các vở diễn của họ quả là quá ít, lại có tính cố định, tức là cũng vẫn những người ấy, có tiền và yêu sân khấu, mua vé xem vở này rồi lại mua vé xem vở sau, còn tất cả công chúng khác ở các tỉnh, ở những vùng xa xôi... cũng có nhu cầu thưởng thức thì ai diễn cho họ xem? Mà có diễn thì diễn cái gì, diễn ở đâu trong khi cả nước chỉ có ba nhà hát đúng tiêu chuẩn, mà cũng chỉ là chuẩn với sân khấu cổ điển cả trăm năm trước, còn bây giờ các rạp hiện đại trên thế giới như thế nào ta cũng chưa hình dung ra nổi chứ đừng nói có ý tưởng xây dựng nó.

* Vậy theo ông, cái gọi là lối ra trước mắt của sân khấu sẽ như thế nào?

- Trước mắt sẽ phải chấp nhận đau thương. Có nghĩa là sẽ phải có một cuộc tổng duyệt lại những thứ gì của quá khứ còn có sức sống thì vun bón để ra hoa kết trái, cái gì không thể tồn tại được nữa thì đưa nó vào bảo tàng. Cũng có nghĩa là sẽ có những đoàn nghệ thuật bị giải thể vì Nhà nước không thể nuôi, mà bản thân cũng không thể tìm ra khán giả để tự nuôi mình. Nhưng khai tử rồi thì cũng phải khai sinh, phải có những đoàn nghệ thuật mới ra đời, có thể cho các doanh nghiệp đầu tư vào các đoàn nghệ thuật để quảng bá thương hiệu của họ đồng thời nuôi nghệ thuật. Từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim, nghệ thuật nào mà chẳng phải sống nhờ các mạnh thường quân trong xã hội, vấn đề là ta có làm cho các mạnh thường quân ấy hào hứng và thấy được lợi ích của mình trong việc tài trợ nghệ thuật hay không? Hiện giờ họ đang đổ tiền đổ của vào thể thao, vào các show ca nhạc thời thượng, hãy làm sao cho họ muốn đầu tư vào sân khấu.
Bước tiếp theo vẫn là chính sách của Nhà nước. Chính Nhà nước vẫn phải là người lựa chọn và bỏ tiền để các nhân tài được đào tạo bài bản ở nước ngoài, chủ yếu ở các trung tâm sân khấu lớn của thế giới: Mỹ, Pháp, Úc, Trung Quốc, Nhật Bản. Đừng sợ tốn tiền, tiền đào tạo nhân tài cho nghệ thuật không hề lớn, nếu không nói là rất nhỏ so với tất cả loại chi phí khác. Chỉ cần cử 100 người có thực tài đi học, hiệu quả sẽ trông thấy ngay. Không nên phân biệt nghệ sĩ trong và ngoài biên chế nhà nước, và nên cho họ đi học theo nhóm: có đạo diễn, có biên kịch, có diễn viên, họa sĩ, nhạc sĩ, âm thanh, ánh sáng... do trưởng nhóm tự chọn lấy êkip của mình. Như vậy khi về họ mới có thể phát huy tối đa những gì đã học được.

Tiếp theo nữa là phải giáo dục công chúng. Không phải dạy học sinh vẽ tranh, diễn kịch trong trường học thế nào mà phải dạy các em thưởng thức một vở diễn như thế nào, xem một bức tranh ra sao, nghe một bản nhạc biết thế nào là hay là dở. Và có lẽ cũng nên lấy người trên làm gương. Ngày xưa Bác Hồ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng… rất hay xem kịch, nghe hát chèo và một ngày không đọc thì không chịu được. Tôi đề nghị các báo cùng với việc đưa tin hoạt động của lãnh đạo nên mở mục “lãnh đạo xem nghe đọc” để công chúng biết hằng ngày các vị lãnh đạo đọc sách gì, xem phim, kịch gì, đấy cũng là một cách định hướng, tự nhiên và hợp lý, dễ được công chúng tán thưởng, đồng thời các vị lãnh đạo cũng vì thế mà phải quan tâm đến văn hóa nghệ thuật hơn.

* Theo ông, nếu bắt đầu ngay hôm nay thì khi nào sân khấu mới có được chỗ đứng đích thực trong lòng công chúng, và khi nào mới trở lại thời hoàng kim?

- Để có những dấu hiệu tích cực thì cũng phải năm năm nữa, còn để vực dậy cả một nền sân khấu để trở lại thời huy hoàng và để giao lưu ngang hàng với thế giới, ít nhất cũng mất 15 năm nữa. Nhưng mà muộn còn hơn không. Không ai trong chúng ta muốn đọc lời ai điếu cho nền sân khấu cả.

* Xin cảm ơn ông. 

THU HÀ thực hiện

- Theo Tuổi trẻ Online
Tin tức khác