Chương trình có sự tham gia của hơn 100 nghệ sĩ, diễn viên và các nhạc sư nổi tiếng như: GS- TS Trần Văn Khê, GS-TS Nguyễn Thuyết Phong, nhạc sư Vĩnh Bảo, soạn giả Viễn Châu, nhạc sĩ Thanh Hải...
Trở về cội nguồn văn hóa dân tộc
Tâm sự về quyết định thực hiện chương trình này, chị nói trong niềm hạnh phúc: “Trong lần online gần đây, bỗng dưng con trai tôi chat với tôi rằng: “Nhiều khi, con thèm khẩy lên một tiếng đàn bầu lắm đó mẹ!”. Như một sự ám ảnh và thôi thúc, khá tình cờ, tôi buột miệng gọi tên chương trình là Cội nguồn Việt. Cội nguồn của văn hóa phương Nam là nghệ thuật cải lương, cội nguồn của mỗi đời người là văn hóa dân tộc...”.
Từ sau thành công gây cơn sốt vé của chương trình Tự tình quê hương lần 1 (ngày 4-10-2006) cũng tại Nhà hát TPHCM, thương hiệu “Tự tình quê hương” đã gắn liền với tên tuổi Bạch Tuyết. Không dừng lại ở đó, chị đưa chương trình sang Mỹ lưu diễn, lần đầu tiên đêm diễn quy tụ hơn 100 nghệ sĩ, diễn viên, ca sĩ trong và ngoài nước. Cải lương đã thật sự được tôn vinh trên đất Mỹ, không phải là sự lắp ghép những tiết mục lẻ mà có sự đầu tư, tập dượt nêu cao chủ đề chính. Khán giả kiều bào đã có một đêm diễn say đắm cùng nghệ sĩ, DVD Tự tình quê hương 1 của Bạch Tuyết do Hãng phim Trẻ thực hiện đã trở thành món quà lưu niệm của đông đảo kiều bào về thăm quê, món quà mang nặng tình yêu dân tộc thông qua những bài ca cổ, những vai diễn để đời của một thế hệ nghệ sĩ vàng mà Bạch Tuyết là người lĩnh xướng.
Những ngày qua, trên sàn tập, chị đã dốc hết sức rèn luyện cho 2 trong số 6 HCV triển vọng giải Trần Hữu Trang lần 10, đó là Hoàng Quốc Thanh và Hồ Ngọc Trinh vào 2 vai diễn gai góc (trích đoạn Mùa thu trong mắt mẹ). Hơn ai hết, chị ý thức rất rõ việc tạo điều kiện cho diễn viên trẻ sau khi đăng quang có đất diễn để khẳng định nghề nghiệp. Bản thân chị cũng không dừng lại ở việc hoài niệm về những thành quả cũ mà luôn hướng đến cái mới, góp phần làm sang đẹp cải lương thông qua cách dàn dựng, bố cục chương trình Cội nguồn Việt. Ý nghĩa của đêm diễn này không phải nhắm vào việc “nâng cấp cải lương”, bởi theo chị: “Bản thân loại hình nghệ thuật cải lương không cần (và cũng không nên gọi ) “nâng cấp”. Cái cần là “nâng cao” trình độ và trách nhiệm làm nghề của chính những người trong cuộc. Và chúng tôi, những anh chị em nghệ sĩ cùng các cộng sự chung sức chung lòng vì sự tự nâng mình ấy trước nghệ thuật cải lương”.
Đưa nhạc Trịnh vào cải lương
Chính vì thế, nhìn qua dàn kịch mục, thật bất ngờ khi thấy cải lương sẽ phối hợp với nhạc thính phòng - lần đầu tiên NSƯT Bạch Tuyết và nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 sẽ đưa nhạc Trịnh Công Sơn vào một live show cải lương đậm chất dân tộc, với cách ca diễn, bè phối nhạc cụ: dương cầm, violon, tranh, sáo, bầu... Chị khẳng định: “Bản chất của cải lương là mở và động, với tính năng hội nhập cực kỳ nhạy bén. Do đó, trong quá trình tìm tòi, chúng tôi thử nghiệm sự sáng tạo bằng nhiều ngôn ngữ biểu đạt khác nhau. Và nhạc Trịnh - với ca từ và giai điệu trữ tình, đầy chất triết học là một trong những ngôn ngữ nghệ thuật mà tôi cảm nhận để giao thoa cùng âm nhạc ngũ cung. Lúc sinh thời, có lần Trịnh Công Sơn bảo với tôi: “Đời là một cuộc chơi, tội cho những ai không biết cách bày trò để làm cho cuộc đời thêm vui, thêm đẹp”. Và tôi tin, những tâm hồn như Trịnh Công Sơn, như Nguyễn Ánh 9 hay những ai còn biết nâng niu cái đẹp sẽ không ngần ngại đi tìm cho mình những thanh âm mới”.
tạo cơ hội cho diễn viên trẻ.- Hòa cùng với nỗi niềm được làm mới cho cải lương, một chiến lược xây dựng thương hiệu “Làn điệu phương Nam” của Nhà hát TP sẽ đi vào việc dàn dựng các kịch bản cải lương nổi tiếng như: Suối mơ rền pháo cưới, Khói sóng tiêu tương, Tiếng hạc trong trăng và cả những kịch bản cải lương tâm lý xã hội, ca ngợi truyền thống đấu tranh yêu nước như: Nguyễn Thị Minh Khai, Mùa thu trong mắt mẹ... nhằm tạo cơ hội cho thế hệ diễn viên trẻ (nhất là 9 nghệ sĩ vừa đoạt HCV giải Trần Hữu Trang lần 10). Chị tâm sự: “Thành công của mùa giải Trần Hữu Trang chính là nhờ thay đổi phương thức tổ chức, kết hợp rất khoa học giữa Hội Sân khấu TPHCM và Đài Phát thanh - Truyền hình Hậu Giang, đưa giải thưởng về cái nôi, về nguồn cội, nhờ thay đổi cách tuyển chọn, mở ra một hướng đi mới cho sân khấu cải lương thời gian tới để trẻ hóa lực lượng và kế thừa những thành quả đạt được của các thế hệ đi trước”.