Không phải ngẫu nhiên mà người ta ví Viện Hàn lâm Thụy Điển như một căn hầm “boong ke” bí hiểm. Họ kín tiếng đến độ, thậm chí không ai có thể biết trước ngày sẽ diễn ra lễ trao giải, mà chỉ biết rằng nó sẽ rơi vào một ngày thứ 5 của tháng 10.
Mỗi năm vào đầu mùa thu, tại các nhà xuất bản từ New York cho đến Luân Đôn, Bắc Kinh…, việc tiên đoán người giành giải thưởng Nobel luôn là đề tài bàn tán sôi nổi. Tuy nhiên, giải thưởng luôn là bất ngờ. Từ đầu tiên mà các phóng viên chầu chực trước cửa tòa nhà Hội đồng Stockholm vào cái ngày giải này được công bố, luôn luôn là: “Ai? Ai?”.
Năm nay cũng không là ngoại lệ. Trò chơi tiên đoán đã được khởi động rôm rả. Joyce Carol Oates? Antonio Tabucchi? hay Hugo Claus? Và tại sao không phải là Clézio?
Khi tìm kiếm thông tin và đưa ra đoán định, người ta thường không quên tìm hiểu kỹ lưỡng thân thế, sở thích, khuynh hướng của 14 thành viên trong Hội đồng, những người có vai trò quyết định.
Có lời đồn đoán rằng, Viện hàn lâm có thể trao thưởng cho một tác giả Ả rập - nhà thơ Ahmad Saïd Esber, người Syri. Nhưng cái tên Amos Oz, mang quốc tịch Israel, người bạn thân của chủ tịch Ủy ban trao giải Nobel là Per Wästberg, cũng trở lại đầy ấn tượng trong giải năm nay.
Người ta còn nói đến khả năng lần đầu tiên các nước Baltic được vinh danh với tác giả tiểu thuyết lịch sử tiêu biểu người Estonia, Jaan Kross.
Nhưng có một luồng gió mới mang hơi thở thời đại đang thổi vào Nobel 2007. Vào năm 2004, tác giả Elfriede Jelinek đã vinh dự được nhận giải thưởng cao quý với tiểu thuyết đã được dịch ra tiếng Việt, Tình ơi là tình. Tuy nhiên, việc bà được lựa chọn đã gây ra nhiều tranh cãi trong nội bộ Viện hàn lâm. Có một số ý kiến cho rằng Elfriede Jelinek chưa đủ tuổi nghề và vì thế không xứng đáng nhận giải.
Thư ký thường trực Horace Engdahl, người được mệnh danh là “nhân vật chìa khóa của giải Nobel”, và nữ thành viên trẻ tuổi Katarina Frostenson của Viện hàn lâm, từng ủng hộ nhiệt tình cho Elfriede Jelinek. Tuy nhiên, năm nay 2 nhân vật này lại thích lựa chọn một thí sinh đã có tầm ảnh hưởng rộng lớn và đã được khẳng định trong làng văn chương thế giới.
Vì thế, cái tên Tomas Transtömer, nhà thơ tầm cỡ người Thụy Điển luôn được nhắc đến đầu tiên trong danh những ứng cử viên "nặng kí".
Nhưng có vẻ như những thành viên khác trong Viện hàn lâm Thụy Điển tỏ ra đắn đo khi chỉ định người đồng hương này. Hay như Harry Martinson, một cây viết lỗi lạc người Thụy Điển đã giành giải Nobel văn học năm 1974, cũng không lọt vào "tầm ngắm" của Viện. 4 năm sau khi nhận giải, Harry Martinson đã tự tử (bằng cách lấy kéo mổ bụng) vì phải chịu đựng quá nhiều lời chỉ trích.
Tất cả sẽ có câu trả lời vào một ngày thứ 5 trong tháng 10 này. Ngoài vinh dự ghi tên vào bảng vàng uy tín bậc nhất của văn chương thế giới, Nobel văn học sẽ đem đến cho người chiến thắng một tờ sec trị giá 10 triệu cua-ron Thuỵ Sĩ, tương đương khoảng 1 triệu euro.
Ảnh : Huy chương giải Nobel Văn học