Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.865 tác phẩm
2.760 tác giả
320
123.277.357

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Vui đêm thơ nữ Sài Gòn
Một sân chơi thơ dành riêng cho phái nữ với tên gọi "Thơ với nàng thơ" vừa quy tụ hơn 30 giọng thơ nhiều thế hệ của TP.HCM vào đêm 12-10 tại Cung văn hóa Lao Động TP.HCM.Đêm thơ do Hội nhà văn TP.HCM, CLB Thơ Cung Văn hóa Lao Động cùng tổ chức.

Ý tưởng một đêm thơ nữ dành cho các cây bút thơ của thành phố kỷ niệm Ngày Phụ Nữ Việt Nam (20-10) xuất phát từ Hội Nhà văn TP.HCM. Nói như nhà thơ Lê Minh Quốc - MC của đêm thơ - “tôi luôn ngưỡng mộ những nhà thơ nữ hơn các nhà thơ nam, bởi người phụ nữ làm thơ thì ngoài ra còn phải làm các việc nội trợ vân vân khác…”. Cũng từ tâm sự đó, đêm thơ của những nhà thơ nữ thấm đẫm chất trữ tình và ngọt ngào của nhiều vùng miền hội tụ.

 

Mở đầu, nhà thơ 8X Ngô Thị Hạnh đọc một bài thơ với phong vị day dứt của một người nữ đang yêu. Và trong phần trả lời phỏng vấn của MC Lê Minh Quốc, Hạnh tự nhận “cớ sự vào đời bằng ngả của thơ cũng khiến em nhiều lần tự hỏi, nhưng dường như thơ đã chọn em chứ không hẳn là em chọn thơ”.

 

Nói thế cũng là tự tin, và không khí đêm thơ nữ thêm phần sôi nổi, khi nhà thơ trình bày một bài thơ lục bát với đầy đủ hương vị về tình quê, sự nổi trôi của kiếp người và niềm hoài hương man mác…

 

“Với tôi, làm thơ là một niềm hạnh phúc, do vậy, dẫu cho hệ quả của thơ có khi nào đó mang lại khổ đau cho tôi, thì tôi cũng hạnh phúc khi được khổ đau như vậy”, Tôn Nữ Thu Thủy nói như vậy.

 

Có một giọng thơ đời thường nhưng ấn tượng, bởi chất phụ nữ trong từng tâm sự qua thơ, đó là chị Ánh Huỳnh - một giọng thơ quen thuộc của TP.HCM. Chị tâm sự: Gần đây bỗng bắt gặp một câu nói “quá khứ được nuôi dưỡng bằng hiện tại”, tôi thấy hay quá, và viết một bài thơ…

 

Chị chia sẻ bài thơ với mọi người, nội dung là những suy tưởng về khát vọng giữa các thế hệ, những vần thơ gợi sự trăn trở về mất - còn, về thân phận làm người giữa cha - con và lịch sử, và nhấn mạnh: “Những buổi tối bây giờ/ nuôi lớn những buổi tối ngày xưa…”.

 

Ở một phương diện khác, Ánh Huỳnh lại rất đỗi cảm tình, khi tuyên bố “người phụ nữ làm thơ luôn dạt dào cảm xúc tình yêu”, và chị đọc bài Mùa thu ở quán với những câu lay động lòng người:

 

“Nửa đời đi trốn đắm mê

Ngờ đâu trong bọt  cà phê gặp mình…”

 

Hay:

 

“Khởi hành đã khác đường ray

Làm sao níu được bóng cây thụt lùi…”

 

Triết lý rất chân phương mà gợi cảm hồn nhiên.

 

Và đêm thơ nữ bỗng lắng lại để mọi người ngấm theo chiều sâu lịch sử và cộng hưởng với thời sự của Sài Gòn khi nhà thơ Lê Tú Lệ trình bày bài Khóc một dòng kênh. Đây là những tâm sự chân thành của một cư dân quận 6 viết trước những biến thiên ngút ngát của Sài Gòn.

 

Chị khóc dòng kênh Hàng Bàng từng là đường thủy lưu thông quan trọng của thành phố xưa kia, được ghi tên trong sử sách. Chị cảm khái trước những đổi thay “của triều cường, nước ngập, của sự biến mất những chiếc cầu quen thuộc một thời làm nên sắc dáng của vùng đất thấp quận 6, quận 8:

 

“Vết mực xưa chảy giữa dư đồ

Dòng kênh ấy bây giờ không còn nữa

Triều cường với nền hẻm

Ký ức với phôi pha…”.

 

Nhà thơ Lê Minh Quốc gọi thơ Lê Tú Lệ có chất bi hùng bi tráng, nhưng dường như đó là một nỗi đau ngầm trước dâu bể cuộc đời đang đo đếm được từng ngày, nơi ta vẫn thường ra vào đụng chạm đấy thôi.

 

Và giọng thơ của Hồ Đắc Thiếu Anh cũng góp phần nhìn về thành phố trong tác phẩm Đêm Sài Gòn trầm lắng, với những tâm sự trẻ trung:

 

“Đêm Sài Gòn, đêm vui không cần ngủ

Người phương xa nhòa lệ rủ nhau về…”.

 

Và chương trình thơ còn dài, còn sự góp mặt của nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương, của Lê Thị Kim, của nhiều tâm sự về một không khí thơ nhân ngày phụ nữ. Cũng như câu thơ của Hồ Đắc Thiếu Anh, Sài Gòn là nơi hội tụ, và những hồn thơ đâu đó cũng đang gọi nhau về…

 

Nhà thơ Ngô Thị Hạnh (phải): "Dường như thơ đã chọn em...". Ảnh: L.Điền

LAM ĐIỀN - TTO