Đến ngày hôm nay (3-11) thành phố buôn Ma Thuột tỉnh Đác Lắc đã đón hơn năm trăm đại biểu gồm các nghệ sĩ, cán bộ quản lý, các nhà tổ chức sản xuất của 21 cơ sở điện ảnh trong cả nước, mang theo 37 phim truyện nhựa, 46 phim tài liệu khoa học và 18 phim hoạt hình về dự LHP lần thứ 14.
Các chuyến bay từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và các tỉnh về Buôn Ma Thuột được bắt đầu từ ngày 1-11. Thành phố cao nguyên dường như đông vui náo nhiệt hơn bởi không khí phấn chấn của nhiều nghệ sĩ lần đầu tiên được đến với vùng đất tươi đẹp, giàu tiềm năng và mang bản sắc văn hóa riêng, đa dạng của 44 dân tộc anh em với hơn 1,7 triệu dân. Tại sân bay Buôn Ma Thuột những thiếu nữ Tây Nguyên duyên dáng tay ôm những bó hoa tươi thắm đón chào những nghệ sĩ mà từ lâu họ đã rất quen thuộc qua những bộ phim.Trên đường về các khách sạn, cờ, hoa băng rôn rực rỡ sắc màu với lời chào đón nồng nhiệt, khiến khách cảm thấy thật ấm lòng.
Chưa tới ngày khai mạc, nhưng Buôn Ma Thuột như đã náo nhiệt tưng bừng lắm rồi. Tản bộ dọc các con phố nhỏ, đã nghe xôn xao tiếng bàn tán của mấy bà mấy chị dò đoán với nhau kỳ này nghệ sĩ nổi tiếng nào sẽ xuất hiện trước công chúng, phim nào sẽ ăn khách. Và đặc biệt, với nhiều người hâm mộ điện ảnh thì đây là cơ hội để họ được trực tiếp thưởng thức những tác phẩm phim nhựa qua màn ảnh rộng. "Tụi em háo phim nhựa lắm, ở đây chủ yếu chỉ xem qua băng video và sóng truyền hình...".. Một sinh viên trường Đại học Tây Nguyên nói.
Mấy cô lễ tân khách sạn dường như cảm thấy tự hào hơn bởi khách xuống phòng gửi chìa khóa hàng ngày của họ bây giờ là những "ngôi sao", những thần tượng bấy lâu: Trịnh Thịnh,Trần Lực, Minh Tiệp, Lan Hương, Tất Bình, Trung Hiếu, Đức Trung... Khổ nhất và vui nhất có lẽ là Đức Khuê. Mỗi lần kèm theo câu chào của mấy cô hâm mộ anh đều được nhận thêm một câu thắc mắc: "Sao trời không mưa mà cứ mặc áo mưa, kỳ dậy!". Đức Khuê tủm tỉm, vẫn cái cười ngồ ngộ trên khuôn mặt nhầu nhầu của "kẻ nói nhiều"...
Đặc biệt mấy cô cậu học sinh, sinh viên thì háo hức lắm: liên hoan này không biết hoa hậu Nguyễn Thị Huyền có tham dự không? Chả là cô tân hoa hậu này thủ một vai trong bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết nổi tiếng cùng tên của nhà văn Lê Lựu: "Thời xa vắng".
Thông tin mới nhất của Ban tổ chức là hoa hậu Nguyễn Thị Huyền không vào dự được. Chắc nhiều người khi nghe tin này sẽ tiếc lắm!
Nổi đình đám trước LHP có lẽ là phim "Những cô gái chân dài" của hãng Thiên Ngân (Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng). Đây cũng là bộ phim duy nhất của một hãng phim tư nhân tham dự LHP và công chúng vùng cao nguyên khát phim ảnh đang muốn xem nó hay dở ra sao, có đúng như nhận xét lắm chiều của các báo không?
Đây là lần đầu tiên liên hoan phim quốc gia được tổ chức tại một tỉnh miền núi. Tây Nguyên nói chung và Đác Lắc nói riêng là vùng đất có nhiều duyên nợ và gắn bó đặc biệt với điện ảnh. Nhiều tác phẩm có giá trị của điện ảnh Việt Nam đã để lại những tình cảm sâu nặng và niềm tin yêu mạnh mẽ cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Vùng đất cao nguyên bao la hùng vĩ này cũng luôn là nguồn cảm hứng sáng tạo cho những đề tài đầy sức sống của điện ảnh.
Nhiều tác phẩm của các nhà làm phim trong lĩnh vực tài liệu cũng như phim truyện đã thể hiện một cách đặc sắc và sinh động cảnh núi rừng Tây Nguyên, vẻ đẹp của tâm hồn phóng khoáng, nhân hậu trong mỗi con người nơi đây. Tây Nguyên cũng là nơi có công chúng rất nồng nhiệt với điện ảnh.
Bà Thanh Hường, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Đác Lắc cho biết: hằng tháng các đội chiếu phim lưu động phục vụ tại các huyện, bản vùng sâu vùng xa đều được bà con đón nhận rất nhiệt tình, có những đợt các buổi chiếu thu hút hàng nhìn người xem.
Chuẩn bị cho LHP diễn ra tại TP Buôn Ma Thuột, được sự hỗ trợ một phần của Bộ Văn hóa - Thông tin, ngành điện ảnh và tỉnh Đác Lắc vừa đầu tư hơn ba tỷ đồng để nâng cấp các cơ sở chiếu phim như rạp Kim Đồng, rạp Trần Hưng Đạo, Nhà Văn hóa trung tâm tỉnh... với máy chiếu hiện đại âm thanh lập thể... Nhà Văn hóa với sân khấu trong nhà chứa 800 ghế ngồi được chọn là nơi tổ chức lễ khai mạc và bế mạc LHP.
Theo kế hoạch của Ban Tổ chức, trong khuôn khổ LHP sẽ diễn ra các hoạt động sôi nổi như chiếu phim phục vụ khán giả trong các ngày từ 3 đến 8-11; đồng thời sẽ tổ chức các cuộc tiếp xúc, giao lưu giữa các nghệ sĩ điện ảnh với khán giả Buôn Ma Thuột vào đêm 5-11, tiếp xúc với sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên...
Hội thảo duy nhất tại LHP năm nay có chủ đề "Phim hướng tới khán giả" cũng là nỗ lực mới trong việc tìm hướng phát triển cho điện ảnh trước thực trạng: dòng phim thương mại giải trí kéo được đông đảo người xem trong khi dòng phim nghệ thuật và truyền thống còn ở tình trạng "xếp kho", ế ẩm. Đặc biệt, ngoài việc tổ chức chiếu phim tại các rạp trong thành phố, trong dịp này ngành điện ảnh sẽ tổ chức 16 suất chiếu phim nhựa tại sáu huyện miền núi của Đác Lắc và tại ba điểm khác là Trường Đại học Tây Nguyên, đơn vị bộ đội biên phòng và công ty cà-phê Thắng Lợi. 19 giờ đêm 4-11 LHP Việt Nam 14 sẽ chính thức khai mạc. Lễ trao giải thưởng LHP vào đêm 7-11 sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV3.