Tiến tới sự kiện này, một công việc đã được ráo riết chuẩn bị từ năm 2006 là mở những cuộc thi sáng tác truyện ngắn với chủ đề bao trùm: Nhà giáo Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chất liệu đời sống chân thực, sinh động, đa dạng trong nhà trường, trong giáo giới, quan hệ giữa các thầy cô giáo với học sinh, sinh viên với các bậc phụ huynh... đã được các cây bút, đa số là những người đang trực tiếp đứng trên bục giảng, tái tạo trên bản thảo những trang viết đầy cảm hứng và tâm huyết. Đã có tới 3.500 truyện ngắn tham dự, một con số kỷ lục mà ít cuộc vận động sáng tác nào thu hoạch được.
Và một sáng kiến có thể nói là tuyệt vời, ngoài việc Nhà xuất bản Giáo dục in ấn thành nhiều tập truyện phát hành tới các trường học, Ban tổ chức cuộc thi đã chọn lọc 855 tác phẩm xuất sắc nhất trong 3.500 truyện ngắn ấy chuyển thể sang hình thức sân khấu. Hơn 30 tác giả kịch trong Nam ngoài Bắc được mời dự trại viết đặc biệt này. Hơn 850 truyện ngắn chọn lọc đã cung cấp cho các nhà viết kịch nhiều đề tài, chi tiết sống động về đời sống học đường muôn hình vạn trạng đang diễn ra, trong đó đề cao những tấm gương về đạo đức, nhân cách, lối sống và tình yêu thương đằm thắm lớp lớp học trò của các thế hệ Nhà giáo Việt Nam. Đề cập những vấn đề nóng hổi mang tính thời sự trong ngành giáo dục, như nói không với bệnh thành tích và tiêu cực trong thi cử, nạn ngồi nhầm lớp, học giả, bằng giả vân vân.
Trại chuyển thể đã thu được kết quả bất ngờ cả về số lượng và chất lượng. Trong số 34 tác phẩm, có tới 5 kịch bản dành cho bộ môn kịch hát dân tộc, tuồng, chèo, cải lương. Kịch bản chèo “Chữ Đạo” của nhà soạn chèo nổi tiếng Trần Đình Ngôn, phóng tác từ truyện ngắn “Đạo” của tác giả Đỗ Hồng Lam, mặc dù là truyện mang tính dã sử nhưng tác phẩm tạo được hiệu quả thẩm mỹ, gây xúc cảm sâu sắc tới khán giả. Loại hình kịch nói có những vở như: Thầy cô và các bạn, Ngôi sao xuống thấp, Nắng chiều, Đứng trước mùa xuân... cũng được đánh giá cao. Kịch bản “Vết khắc trái tim” của nữ tác giả Nguyễn Thu Phương (TP.HCM), chuyển thể từ truyện ngắn “Vết khắc trên cửa sổ” của tác giả Nguyễn Ngọc Tuyết khá cảm động. Truyện kịch đề cập việc kỷ luật một học sinh cá biệt lớp 11 liên tiếp có những “cử chỉ kỳ quặc” khiến các bạn phản ứng dữ dội, thầy cô giáo phiền muộn, có người phẫn nộ đề nghị buộc thôi học. Riêng thầy chủ nhiệm lớp, với tấm lòng bao dung, nhân hậu đã cất công tìm hiểu gia cảnh cậu học trò bướng bỉnh ấy, cảm thông và chia sẻ nỗi đau khổ, buồn tủi, bức xúc của em, nguyên nhân dẫn tới những hành động bồng bột, dại khờ đáng chê trách, cho em trở lại mái trường thân yêu. Dạy học đâu chỉ đơn thuần dạy chữ, truyền đạt kiến thức, quan trọng hơn hết là tạo tiền đề cho các em thành người, thành những công dân chân chính, những nhân tài cho đất nước sau này. Vở diễn thấm đẫm chất nhân văn, không chỉ tác động tới lớp học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, mà còn động vang tâm tư của những người làm nghề cao quý của xã hội, nghề giáo. Các sinh viên trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM sẽ ra mắt khán giả Sài Gòn vở diễn này nhân ngày 20 tháng 11 ở nhiều tụ điểm văn hóa trên thành phố.
Đỉnh điểm tháng tôn vinh Nhà giáo Việt Nam là buổi lễ trang trọng diễn ra tại nhà hát Hồng Hà, thủ đô Hà Nội, vào ngày 15-11-2007. Hơn 600 nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú trong cả nước hội tụ nhân ngày lễ trọng đại của những bậc làm thầy. Nhà hát Lam Sơn tỉnh Thanh Hóa trình diễn vở kịch “Một cây làm chẳng nên non” của nhà viết kịch Nguyễn Đăng Chương, ca ngợi phẩm cách ngời sáng của người thầy, mặc dù gánh chịu bao khó khăn, nhọc nhằn, cả những thách thức tình cảm thô bạo trong bầu khí quyển ô nhiễm thời kinh tế thị trường, nhưng không hề bị đồng tiền nhơ bẩn và thói đời đen bạc làm hoen ố lương tâm nhà giáo, hết lòng vì học sinh thân yêu.
Cũng trong dịp này trong cả nước, các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp thuộc các kịch chủng cũng “ra quân”, như Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh thành phố Đà Nẵng, đoàn chèo tỉnh Hải Dương, đoàn cải lương tỉnh Đồng Tháp, nhà hát Thế giới trẻ TP.Hồ Chí Minh, nhà hát kịch Việt Nam... công diễn vở mới từ những kịch bản chuyển thể vừa qua, ở nhiều sân khấu rạp hát và các trường học trên địa bàn. Đặc biệt hơn 40 đơn vị nghệ thuật quần chúng thuộc các trường dạy nghề, hệ thống cao đẳng, đại học trong toàn quốc, xây dựng các chương trình kịch ngắn, ca múa nhạc tổng hợp, chào mừng ngày 20-11, do chính học sinh, sinh viên tham gia trình diễn.
Tháng tôn vinh Nhà giáo Việt Nam năm 2007 chắc chắn sẽ mang sinh khí mới cho giới học đường, tạo bước đột phá trong sự nghiệp trồng người, thế hệ mới đầy tài năng và triển vọng của đất nước ở những thập niên đầu thế kỷ XXI này.
Ảnh: Cảnh trong vở “Vết khắc trái tim”.